Lễ hội của lòng dân

Tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức thành công 'Lễ hội Thành Tuyên' cấp quốc gia. Chỉ là một lễ hội nhưng ba lần xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam và là một lễ hội kéo dài nhất với đông người tham gia nhất và trở thành một đặc sản riêng có của Tuyên Quang, rất đáng để các địa phương tham khảo.

Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức lần đầu năm 2004, sau đó được nâng lên quy mô cấp tỉnh năm 2014 và từ đó đã trở thành sự kiện văn hóa đặc sắc của tỉnh Tuyên Quang mỗi dịp Trung thu. Trải qua gần 20 năm được nhân dân sáng tạo, duy trì và phát triển, Lễ hội Thành Tuyên đã ba lần được xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam: "Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam"; "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam"; "Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam".

Ban đầu, mỗi phường trên địa bàn thành phố tham gia làm một cỗ xe hay mâm quả, đèn ông sao dịp Tết Trung thu, từ nguồn xã hội hóa. Thời gian rước đèn trong khoảng một tuần, qua các tuyến phố chính. Khi nâng lên thành lễ hội cấp tỉnh thì các huyện của tỉnh Tuyên Quang đều hưởng ứng và riêng thành phố Tuyên Quang, tổ dân phố nào cũng tham gia.

Có dịp tham dự Lễ hội Thành Tuyên cuối tuần qua, nhiều du khách bất ngờ trước quy mô hoành tráng và sự nhiệt thành của người dân nơi đây. Mỗi tổ dân phố, mỗi đơn vị tham gia rước đèn đều có sự đầu tư nghiêm túc từ việc lên ý tưởng, làm mô hình và tất cả đều do dân đóng góp. Với người dân thì không kể già trẻ, gái trai, lớn bé… tất cả tối đến đều gác lại công việc, xuống đường rước đèn, nhảy múa hết mình, hô vang tên của tổ dân phố mình đầy tự hào mỗi khi qua chốn đông người.

Đồng nghiệp ở Báo Tuyên Quang nói vui rằng, người dân nơi đây có tới hai “tháng cô Hằng”, trẻ con được đón Trung thu sớm nhất cả nước và cũng ăn Trung thu lâu nhất cả nước.

Từ Lễ hội, Tuyên Quang từ một tỉnh chưa có tên trên bản đồ du lịch, chưa được nhiều du khách biết tới thì nay, dịp Tết Trung thu, các khách sạn, nhà nghỉ luôn trong tình trạng “cháy” phòng, khách tây khách ta đến đông nghìn nghịt, nhất là dịp cuối tuần. Điều đó đủ cho thấy sức hút của Lễ hội này với khách thập phương.

Bắc Giang chúng ta có hơn 500 lễ hội lớn nhỏ, trong đó có những lễ hội có từ lâu đời. Từ vài năm nay, Bắc Giang tổ chức thành công Tuần Văn hóa- Du lịch và khai hội Xuân Tây Yên Tử. Người dân cũng rất tích cực, nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các lễ hội ở địa phương… Có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta chọn được một vài lễ hội tiêu biểu, mang bản sắc địa phương thì hoàn toàn có thể phát triển, nâng quy mô để thu hút du khách, thu hút sự vào cuộc tham gia của người dân…

Lễ hội nào mục đích chính cũng đều hướng tới người dân. Và khi người dân tham gia góp sức, góp công, góp tiền góp của và hưởng ứng thì lễ hội đó sẽ sống mãi và là lễ hội của lòng dân. Lễ hội Thành Tuyên thành công ở chỗ đó và đáng để tham khảo.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/412409/le-hoi-cua-long-dan.html