Lễ hội cúng trăng - nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer

Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối hạ lưu sông Hậu có tổng diện tích tự nhiên trên 3.300km2. Mảnh đất có nhiều tiềm năng về kinh tế - văn hóa - du lịch, với ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa cùng chung sống từ rất lâu đời. Năm 2021, dân số toàn tỉnh 1.195.763 người, trong đó đồng bào Khmer 361.023 người (chiếm tỷ lệ 30,19%) tổng dân số của tỉnh, có 92 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer khang trang, lộng lẫy khắp nơi trong tỉnh.

Cũng như các dân tộc anh em khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, người Khmer ở Sóc Trăng từ lâu đã có nhiều phong tục tập quán và lễ hội dân gian truyền thống. Đó là những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất phong phú và đa dạng. Phong phú là vì ở xóm, ấp (phum, sóc) nào có người Khmer sinh sống cũng đều có lễ hội, tháng nào trong năm hầu như cũng có hội lễ. Đa dạng là vì mỗi lễ hội đều hàm chứa trong đó những ý nghĩa sắc thái độc đáo riêng biệt, quy mô của lễ hội cũng diễn ra khác nhau, có những lễ hội được tiến hành trong không khí trang nghiêm, bày tỏ lòng sùng kính của cộng đồng người Khmer đối với Đức Phật, thể hiện lòng mong ước có cuộc sống đầy đủ, sung túc. Đặc biệt, lễ hội mang tính xã hội phổ biến rộng rãi mà ai ai cũng đều biết đó là, Lễ hội cúng trăng (Oóc om bóc). Lễ hội cúng trăng là một lễ truyền thống lâu đời của đồng bào khmer Nam Bộ. Lễ hội thường diễn ra trong đêm rằm tháng 10 AL hàng năm. Theo truyền thống của đồng bào khmer, Lễ hội cúng trăng là một lễ rất có ý nghĩa, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Quang cảnh Lễ cúng trăng của đồng bào Khmer (ảnh chụp lúc dịch bệnh chưa bùng phát). Ảnh: CHANH THA

Quang cảnh Lễ cúng trăng của đồng bào Khmer (ảnh chụp lúc dịch bệnh chưa bùng phát). Ảnh: CHANH THA

Lễ hội cúng trăng thường được tổ chức ở một nơi rộng rãi không có bóng cây che khuất, nơi đây, trước khi Mặt Trăng lên tới đỉnh, mọi người tụ tập lại trước sân nhà để chuẩn bị cúng. Trước hết là việc dựng cổng, cổng được dựng thành hai trụ và cột hàng ngang có trang trí hoa lá kèm hai cây mía cặp theo trụ. Dưới cổng được đặt một cái bàn để bày các lễ vật cho buổi cúng trăng, tất cả đều là những nông sản mà bà con sản xuất ra như: Cốm dẹp, chuối, dừa, khoai môn, khoai mì, cam, quít... Sau khi bày các lễ vật xong, ông bà, cha mẹ, anh chị em gia đình ngồi chắp tay quay mặt về hướng Mặt Trăng để làm lễ, và đúng khi Mặt Trăng lên cao tỏa sáng, ông bà đốt nhang, nến, rót trà rồi làm lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của đồng bào đối với Thần Mặt Trăng, xin thần tiếp nhận những lễ vật do đồng bào dâng cúng và ban phước cho mọi người sức khỏe dồi dào, thời tiết mưa thuận gió hòa để đồng bào hưởng được nhiều thành quả lao động trong năm mới. Cúng xong, ông bà gọi con, cháu đến gần, ngồi chắp tay hướng về Mặt Trăng, rồi lấy cốm dẹp cùng các thứ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng các cháu, còn tay kia đấm lưng rồi hỏi các cháu muốn gì? Mỗi cháu có cách trả lời khác nhau, có cháu trả lời: Cháu ước kiếp sau có nhiều vàng bạc, châu báu, ruộng đất, trâu bò. Có cháu lại ước muốn có nhiều tài, đức, cũng có cháu muốn có nhà cao cửa rộng. Phong tục này nhằm cầu mong cho con trẻ luôn mạnh khỏe, chăm ngoan, đồng thời nhắc nhở con, cháu luôn nhớ đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cúng trăng là một phong tục đẹp của đồng bào Khmer, cùng với thời gian, mặc dù nghi thức này ít nhiều có sự thay đổi nhưng về cốt lõi, nó vẫn thể hiện được nét đẹp tinh thần, giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng.

Lễ cúng trăng (Thvai Preskhe) hay đút cốm dẹp (Oóc om bóc) thường được tổ chức vào giai đoạn thu hoạch hoa màu đủ loại. Ý nghĩa của lễ hội là để tạ ơn đến vị Thần Mặt Trăng đã đem lại việc điều tiết thủy triều. Ruộng luôn đầy nước, rau, quả luôn xanh tốt mà có được hoa trái, lương thực như ngày hôm nay, thể hiện sự trân trọng của bà con đối với hiện tượng thiên nhiên đã ban cho con người sự sống và sự thành công trong sản xuất.

CHANH THA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/tin-bai-phong-khmer-ngu-trinh-duyet/le-hoi-cung-trang-net-van-hoa-doc-dao-cua-dong-bao-khmer-52829.html