Lễ hội đầu Xuân ở Hà Nam
Hằng năm, dịp đầu Xuân Hà Nam có 3 lễ hội lớn, thu hút đông du khách là Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên); Lễ hội chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng); Lễ Phát lương Đức Thánh Trần, đền Trần Thương (Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân).
Hằng năm, dịp đầu Xuân Hà Nam có 3 lễ hội lớn, thu hút đông du khách là Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên); Lễ hội chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng); Lễ Phát lương Đức Thánh Trần, đền Trần Thương (Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân).
Hai năm 2020, 2021 để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Lễ Phát lương đền Trần Thương và Lễ hội chùa Tam Chúc phải dừng không tổ chức; Lễ Tịch điền Đọi Sơn vẫn được duy trì nhưng công tác tổ chức bảo đảm nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh lây lan. Năm 2022, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, độ bao phủ vắc-xin đạt tỉ lệ cao, các lễ hội đã được phép tổ chức lại. Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức 3 lễ hội trên bảo đảm an toàn, trang trọng và tiết kiệm.
Theo đó, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023 là lễ hội nông nghiệp đặc sắc của Hà Nam vẫn được tổ chức trong 3 ngày, từ mùng 5 – 7 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 26 – 28/1/2023). Các nghi thức truyền thống như: Lễ cáo yết xin thành hoàng cho mở hội tại đình Đọi Tam; lễ rước nước, lễ sái tịnh tại đàn tế Thần Nông; lễ cầu an trên chùa Đọi vẫn được diễn ra. Về phần hội, Hội thi vẽ trang trí trâu và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật được tổ chức cùng với các nghi thức truyền thống trong 2 ngày mùng 5 – 6. Ngày mùng 7 là ngày chính hội, ngay từ sáng sớm lễ rước kiệu của làng Đọi sẽ xuất phát từ đình làng đi đón tổ nghề làm trống, sau đó đi rước Thánh cả, cuối cùng nghinh đón linh vị vua Lê Đại Hành từ trên chùa Đọi xuống. Hai đoàn hợp nhất bắt đầu tiến vào sân tịch điền. Các nghi lễ khai mạc lễ Tịch điền được mở đầu bằng màn trống khai hội, màn múa rồng mừng hội, vị bô lão đọc văn trình, lễ dâng hương bàn thờ Thần Nông và linh vị vua Lê. Lễ hội năm nay sẽ không có hoạt động trao chứng nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2022. Vì thế, nghi lễ nhập linh khí quân vương và thực hành lễ cày Tịch điền sẽ được diễn ra sớm hơn. Sau lễ Tịch điền là màn múa hát Lả Lê của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh mừng Đảng, mừng Xuân và mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ Phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương là lễ hội được mong chờ vào đầu năm của nhân dân địa phương và du khách. Lễ diễn ra từ ngày 13 – 15 tháng Giêng năm Quý Mão (tức từ ngày 3 – 5/2/2023). Trước khi Lễ Phát lương diễn ra, tính theo ngày âm lịch thì ngay từ mùng 6 tháng Giêng, nhà đền đã làm lễ cáo yết xin Đức Thánh Trần cho nhân dân mở hội; ngày 12 nhân dân Xã Trần Hưng Đạo tiến hành lễ rước nước. Vào 3 ngày chính hội, ngày 13 tổ chức lễ rước lương vào đền; vào đêm ngày 14 diễn ra các nghi lễ hành chính, tâm linh và bắt đầu từ 23 giờ đêm ngày 14 lễ phát lương cho nhân dân và du khách thập phương được tiến hành. Lễ Phát lương truyền thống không có phần hội, nhưng năm nay để khuấy động không khí sau 2 năm không diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh tại đền, UBND huyện Lý Nhân chủ trương tiến hành tổ chức Lễ hội ánh sáng vào ngày 11 – 13 âm lịch; ngày 14 mời Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Nam biểu diễn phục vụ nhân dân. Theo kế hoạch, đền Trần Thương năm nay dự kiến chuẩn bị khoảng 100.000 túi lương làm lễ tâm linh phục vụ lễ hội.
Du khách tham quan chùa Tam Chúc. Ảnh: Thế Tân
Còn Lễ hội chùa Tam Chúc, sau 2 năm không tổ chức Lễ khai hội, năm 2022 được sự cho phép của cơ quan chức năng, Ban quản lý chùa Tam Chúc chỉ tổ chức các nghi lễ tâm linh khai hội chùa Tam Chúc Xuân Nhâm Dần với quy mô nhỏ gọn, hạn chế đông người và bảo đảm quy định phòng chống dịch bệnh. Lễ hội chùa Tam Chúc Xuân Quý Mão 2023 sẽ do Ban quản lý chùa Tam Chúc phối hợp Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc phối hợp tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 2/2/2023).
Có thể thấy, về quy mô, các lễ hội năm nay có phần thu gọn lại, tuy vẫn thực hiện trình tự các nghi lễ theo truyền thống nhưng những hình thức không còn phù hợp được lược bỏ. Hiện, các địa phương cũng đã thành lập ban tổ chức lễ hội và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thành viên. Ở Lễ Phát lương Đức Thánh Trần, Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) huyện Lý Nhân đảm nhiệm khá nhiều phần việc. Ông Nguyễn Trọng Long, Trưởng phòng VHTT huyện cho biết: Phòng có trách nhiệm chủ trì với Văn phòng HĐND – UBND huyện tham mưu UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo về chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chuẩn bị văn trình, trang phục chủ lễ trong đêm phát lương, hỗ trợ tuyên truyền cổ động. Là cơ quan thường trực phụ trách công tác chuyên môn về tuyên truyền, trang trí, nghi lễ phục vụ lễ hội; quản lý các dịch vụ văn hóa trong lễ hội; chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo về mẫu mã, chất liệu, màu sắc túi lương; kiểm soát việc sản xuất và đóng gói túi lương; chịu trách nhiệm về ma két, đặt in giấy mời, công tác đón tiếp đại biểu đến dự…
Trách nhiệm của các địa phương có lễ hội cũng được chú trọng nhằm nâng cao trách nhiệm và tính chủ động trong việc chuẩn bị tổ chức, huy động nhân dân tham gia nhiệt tình vào các hoạt động trong lễ hội, nâng cao nhận thức người dân đây đều là lễ hội của dân, do dân và vì dân, người dân phải là chủ thể, phải có trách nhiệm và cảm thấy tự hào về các lễ hội truyền thống quê mình, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong lễ hội. Tại Lễ Phát lương Đức Thánh Trần, bên cạnh việc tuyên truyền, cổ động trên địa bàn, xã còn phát động phong trào dọn vệ sinh đường các thôn và khu vực di tích, vận động nhân dân giải tỏa chợ cóc; chuẩn bị lực lượng tập luyện các nghi thức truyền thống như tế lễ, rước nước…, luyện tập đội trống trường THCS xã để chuẩn bị phục vụ trong lễ hội. Xã cũng đã lựa chọn các cụ cao tuổi có uy tín, sức khỏe tham gia tế lễ và phát lương cho nhân dân và du khách thập phương. Bên cạnh đó, việc phân công lực lượng phục vụ tổ chức lắp đặt các cửa phát lương để phân luồng, tránh ùn tắc cũng được xã chuẩn bị chu đáo…
Sở VH,TT&DL đã xây dựng báo cáo sơ bộ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nhất là các lễ hội lớn đầu năm 2023; cử cán bộ hỗ trợ về chuyên môn từ bài văn trình, trang phục lễ hội đến các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT và tuyên truyền cổ động.
Các lễ hội truyền thống đầu năm của Hà Nam rất có ý nghĩa, mang lại không khí rộn ràng, vui tươi góp phần giúp nhân dân đón Tết, mừng Xuân mới với tràn đầy niềm tin, hy vọng.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/le-hoi/le-hoi-dau-xuan-o-ha-nam-92112.html