Lễ hội đầu xuân, về với cội nguồn
Mùa xuân với nhiều lễ hội truyền thống trải dài từ tháng Giêng đến tháng 3, tháng 4 âm lịch đã đưa Ninh Bình trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, là sự trở về của nhiều người con xa quê. Về với lễ hội đầu xuân, với nhiều người là sự trở về với nguồn cội…
![Lễ hội vật truyền thống làng Bồ Vy (thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô) diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_442_51402520/e5c2521e6d50840edd41.jpg)
Lễ hội vật truyền thống làng Bồ Vy (thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô) diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán.
Lập nghiệp xa quê đã 24 năm, nhưng mỗi dịp lễ hội vật làng Bồ Vy vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, hầu như chưa năm nào ông Nguyễn Văn Dược (làng Bồ Vy, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô) vắng mặt.
Trong tiếng trống hội rộn ràng, ông Dược và các anh em của mình, đều ở độ tuổi trung niên luôn có mặt trong danh sách các đô vật thi đấu, hòa vào không khí ngày hội của làng quê.
Ông Nguyễn Văn Dược cho biết: Dù đi xa quê, lập nghiệp tận thành phố Hồ Chí Minh nhưng Tết Nguyên đán năm nào tôi cùng gia đình cũng về thăm quê hương và ở lại đến khi làng tổ chức lễ hội vật. Gia đình tôi có 5 anh em trai, tiếp nối truyền thống của gia đình, luôn tham gia thi đấu tại lễ hội từ ngày còn trai trẻ cho đến bây giờ. Là người con quê hương Bồ Vy, đi đâu thì tôi cũng luôn hướng về quê hương, nhớ về nguồn cội. Thực sự phải cảm ơn chính quyền địa phương luôn gìn giữ và duy trì việc tổ chức lễ hội truyền thống của quê hương để những người con xa quê như tôi có cơ hội trở về…
Lễ hội Vật truyền thống làng Bồ Vy diễn ra tại Miếu Trung là nơi thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, Quốc sư triều Lý. Theo phong tục, từ sáng sớm ngày mùng 4, các cụ cao niên trong làng ra dâng hương, thực hiện các nghi lễ truyền thống. Sau đó là phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi: đấu vật, cờ tướng, bóng chuyền hơi… Trong đó, sới vật là nơi thu hút đông đảo người dân, du khách hơn cả.
Ông Tống Văn Minh, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Bồ Vy 2 cho biết: Hội vật làng Bồ Vy được tổ chức hàng năm không đặt nặng thắng thua, vì vậy trai tráng trong làng và các địa phương khác cũng tụ hội về đây để tranh tài. Trải qua bao năm, lễ hội luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống, là sự giao lưu thử tài đầu năm, đề cao tinh thần thượng võ, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương và dân tộc…
Lễ hội được tổ chức hàng năm đã thu hút đông đảo người dân, du khách. Đặc biệt, con em quê hương từ mọi miền Tổ quốc đã thu xếp thời gian, công việc để về dự hội đã cho thấy ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc cùng chung tay gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của địa phương…
![Tiết mục múa rồng tại lễ hội đền Hạ (phường Ninh Mỹ, thành phố Hoa Lư).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_442_51402520/2d459d99a2d74b8912c6.jpg)
Tiết mục múa rồng tại lễ hội đền Hạ (phường Ninh Mỹ, thành phố Hoa Lư).
Hòa cùng dòng người về dự lễ hội đền Hạ (phường Ninh Mỹ, thành phố Hoa Lư) vào sáng mùng 7 tháng Giêng, ông Phạm Văn Tiến (phố Tân Mỹ) hào hứng cùng người dân địa phương, du khách chứng kiến các nghi thức tế lễ cổ truyền cũng như xem các phần biểu diễn múa lân, múa kiếm, các trò chơi dân gian tại lễ hội như: chọi gà, cờ tướng…
Chia sẻ với con cháu về lịch sử truyền thống của ngôi đền và lễ hội truyền thống của địa phương, câu chuyện của ông Tiến đã giúp chúng tôi biết thêm nhiều thông tin về lễ hội.
Đền Hạ là nơi thờ thần Côn Sơn đại vương và phu nhân - vị thần có công với dân, với nước, được Nhân dân thờ cúng và coi như phúc thần của làng. Năm 2012, đền Hạ được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng, nhân dân xã Lực Giá trước đây, nay là phường Ninh Mỹ và các vùng lân cận đã tổ chức lễ hội để ngưỡng vọng, tưởng niệm ngài Côn Sơn Đại Vương, mừng ngày chiến thắng quân Thanh xâm lược với các trò chơi dân gian truyền thống để rèn luyện sức khỏe và gợi nhớ về truyền thống yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm của ông cha ta. Vì vậy, phong tục đã được lưu truyền trở thành lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương.
Trong tâm thức của nhiều người dân địa phương như ông Tiến, lễ hội truyền thống là dịp để giáo dục con cháu hướng về cội nguồn, biết trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, nhiều gia đình, con cháu ở xa cũng dành thời gian về dự hội…
Tại nhiều địa phương sở hữu các lễ hội truyền thống, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử gắn với lễ hội được quan tâm thực hiện tốt. Theo đồng chí Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Mỹ: Lễ hội truyền thống là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, của địa phương. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương về việc duy trì tổ chức lễ hội, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm thành lập Ban tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ, chuẩn bị các điều kiện về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh… để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm.
![Nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng... được duy trì trong các lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_442_51402520/773cbae085ae6cf035bf.jpg)
Nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng... được duy trì trong các lễ hội.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 248 lễ hội, trong đó có 247 lễ hội truyền thống và 1 lễ hội văn hóa. Các lễ hội truyền thống được các địa phương tổ chức hàng năm theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa với những hoạt động văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, các nghi thức phần hội đã tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian của lễ hội, tạo ra môi trường văn hóa đặc sắc nhằm tôn vinh giá trị, nét đẹp văn hóa lịch sử, khơi dậy truyền thống đoàn kết của toàn dân.
Thông qua việc tổ chức lễ hội thể hiện lòng biết ơn, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, giúp con người gần gũi nhau hơn, tính cố kết cộng đồng được gia tăng, tình làng, nghĩa xóm, tình yêu quê hương, cội nguồn được vun đắp.
Việc phát huy giá trị, ý nghĩa của các lễ hội truyền thống hiện nay còn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch và thế mạnh về giá trị lịch sử truyền thống của vùng đất Cố đô đến bạn bè trong nước và quốc tế nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch…
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/le-hoi-dau-xuan-ve-voi-coi-nguon-511492.htm