Cuộc thi viết'Tết thời số': Ấn phẩm xuân quê hương gìn giữ văn hóa đọc truyền thống

Giữa thời số hóa, vậy mà một ấn phẩm xuân địa phương vẫn được thực hiện đều đặn, bởi đó là nhịp cầu quê hương

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, bạn thân tôi - Hoàng Tâm - đang lập nghiệp ở TP HCM, hay nhắc: "Nhớ gửi cho mình cuốn Đặc san Xuân Duy Xuyên". Tôi không đợi bạn nhắc, vì đó là "tâm nguyện" của tình bạn giữa chúng tôi qua hành trình 20 mùa xuân.

Ấn phẩm Xuân Duy Xuyên

Ấn phẩm Xuân Duy Xuyên

Tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Bông – một ngôi làng nhỏ bên bờ Nam sông Thu Bồn xứ Quảng. Tuổi thơ êm đềm từ gia đình, quê hương, bạn bè… đã đọng lại bao kỷ niệm.

Là thế hệ 7X, tôi đã cảm nhận những năm tháng khó khăn, vất vả của quê hương thuần nông. Những đứa trẻ nhà quê đen nhẻm buổi đi chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng và buổi cuốc bộ đi học. Cứ thế, đến thời cấp hai, số ít học lên cấp ba, nhiều bạn bè bươn chải vào Nam làm ăn, lập gia đình và ở lại, trong đó có Hoàng Tâm. Học xong lớp 12, cả xã năm đó chỉ có hai đứa học lên đại học là tôi, học ở Huế, và Minh Hùng, học ở Đà Lạt.

Ra trường, tôi đi dạy một trường cấp 3 ở Huế, đến năm 2009 mới trở về quê, chuyển công việc mới, làm việc ở cơ quan văn hóa ở tỉnh Quảng Nam đến nay. Còn Minh Hùng thì lập nghiệp, kinh doanh ở TP HCM.

Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam quê tôi bắt tay thực hiện Đặc san Xuân chào năm 2005. Đây là một ấn phẩm xuân phản ảnh thành tựu kinh tế - văn hóa, an ninh - quốc phòng của huyện hằng năm; đồng thời giới thiệu những tiềm năng tự nhiên, các giá trị lịch sử - văn hóa, làng nghề… để quảng bá, phát triển du lịch và định hướng các năm tiếp theo. Tôi đã đọc một mạch và cảm nhận như thế khi được cầm đặc san trên tay do bạn gửi qua đường bưu điện ra Huế nơi mình công tác. Lòng tôi rưng rưng với nỗi nhớ quê nhà...

Năm 2009, tôi chuyển về quê công tác và bắt đầu viết bài cộng tác, chủ yếu là phản ánh mảng nội dung văn hóa, lịnh sử theo sở trường, liên quan nhiều đến công việc tôi đang làm. Đồng thời, tôi viết nhiều bài tản văn về quê hương khi xuân về Tết đến.

Thấm thoát đã qua 20 mùa xuân, đặc san nay đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của những người con Duy Xuyên dịp Tết. Như một cuộc giao ước, tôi luôn dành cho bạn một cuốn mỗi năm.

Hầu như năm nào Hoàng Tâm cũng cùng gia đình về quê ăn Tết, khi trở vào Nam đều không quên mang theo ấn phẩm này. Dù bây giờ hệ thống thông tin toàn cầu, hình ảnh, thiết bị nghe nhìn hiện đại, cuộc sống số đã "len lõi" vào từng ngóc ngách cuộc sống nhưng tôi và bạn vẫn muốn đọc, muốn thấy, muốn nghe quê mình, hồi tưởng những ký ức thuở ấu thơ qua những trang giấy.

Đặc san Xuân Duy Xuyên đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của những người con Duy Xuyên vào dịp Tết.

Đặc san Xuân Duy Xuyên đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của những người con Duy Xuyên vào dịp Tết.

Nhớ có lần công tác vào TP HCM, ghé nhà Hoàng Tâm chơi, tôi ngạc nhiên khi thấy bạn sưu tầm nhiều sách, báo viết về quê nhà Quảng Nam và trưng bày trong tủ sách khá bắt mắt. Dĩ nhiên, trong đó có lưu đủ các số Đặc san Xuân Duy Xuyên. Tâm trải lòng đọc đến những tên đất tên làng xứ Quảng là bạn lại nhớ quê hương và bà con quay quắt…

Mới Tết năm ngoái, tôi và Tâm có cuộc hẹn ở một quán cà phê bên dòng sông quê nhà. Trong câu chuyên tâm tình,chúng tôi có khoảnh khắc ngắm cánh đồng lúa xa xa đang thì con gái, ngắm trời cao, cùng hàn huyên, ôn lại những buồn vui thuở nào. Cả hai đứa cùng lật giở từng trang đặc san, ngắm nghía từng hình ảnh, rồi cùng ồ lên: "Tụi mình sẽ đi qua bao nhiêu mùa xuân như thế này nữa". Qua đó, chúng tôi nhận ra những quãng đời đã đi qua, để thấy bóng dáng chính mình với những khung trời kỷ niệm.

Hồ Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viettet-thoi-so-an-pham-xuan-que-huong-gin-giu-van-hoa-doc-truyen-thong-196250205181825543.htm