Lễ hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2024
Ngày 23/2 (tức 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), UBND huyện Lệ Thủy phối hợp với Ban Trụ trì chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc lần thứ VI năm 2024.
Đến dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trần Phong, Bí thư Thành ủy Đồng Hới; các đồng chí Tỉnh ủy viên: Phan Mạnh Hùng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng đông đảo tăng ni, phật tử và người dân trên địa bàn.
Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung được hình thành cách đây hơn 700 năm. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến kinh lý phía Nam đã đến ở và truyền giảng giáo lý Phật giáo. Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát tâm đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, phật tử và nhân dân, chùa Hoằng Phúc được xây dựng khang trang, bề thế theo lối kiến trúc đời Trần. Năm 2015, chùa Hoằng Phúc được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc.
Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2024 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh theo nghi thức Phật giáo, như: Lễ rước nước từ vực An Sinh; lễ tắm Phật; lễ thả cá đầu năm; lễ thuyết giảng và quy y Tam bảo; lễ cầu quốc thái dân an; lễ khai ấn; lễ phát lộc, thả hoa đăng và nhiều hoạt động văn hóa-thể thao độc đáo, như: Hội bài chòi; thi đấu cờ tướng; nhảy bao bố, thi đấu võ cổ truyền; cho chữ thư pháp; gian hàng trưng bày các sản phẩm địa phương, OCOP…
Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình nhấn mạnh, Lệ Thủy là vùng đất thiêng, sông nước hữu tình, nhiều tên sông, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử. Hữu duyên giữa thế đất và lòng dân, nơi đây hội đủ yếu tố để tạo dựng cơ sở vững chắc, không chỉ cho kháng chiến và cách mạng mà còn cho cả tín ngưỡng và văn hóa. Và, chùa Hoằng Phúc là một trong những địa điểm đó. Kể từ ngày khánh hạ đến nay, nơi đây không chỉ là chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi học phật, hiểu phật và tu phật của đông đảo tăng ni, phật tử mà còn hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch văn hóa và điểm đến hấp dẫn của du khách trên khắp mọi miền Tổ quốc…
Thông qua lễ hội nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp linh thiêng về mảnh đất và con người Lệ Thủy; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, cùng nhau xây dựng quê hương Lệ Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh.