Nguyễn Dân Huy và tuyến tàu điện số 6
Đoàn tàu dự kiến gồm 15 toa, đặt tên là 'tuyến tàu điện số 6', không chở khách như 5 tuyến tàu điện của Hà Nội xưa, mà 'chở' trên đó là 15 câu chuyện về ẩm thực, văn hóa độc đáo của Việt Nam để giới thiệu cho du khách và bạn bè quốc tế. Người ra ý tưởng sáng tạo và thiết kế nên chuyến tàu kỳ lạ ấy là Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch.
Hà Nội xưa có 5 tuyến tàu điện, sớm nhất là Bạch Mai, Bưởi, Hà Đông bắt đầu từ 1901, hai tuyến còn lại là Cầu Giấy (1906) và Yên Phụ (1929), cả 5 tuyến này đã chấm dứt sứ mệnh từ thập niên 1980 - 1990. Hình ảnh tàu điện cùng âm thanh leng keng là ký ức tuổi thơ của nhiều người Hà Nội, trong đó có Nguyễn Dân Huy.
Đảm nhiệm trọng trách liên quan đến các lĩnh vực công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của phường Trúc Bạch - Hà Nội, trong đó có tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ tại Đảo Ngọc Ngũ Xã với 7 tuyến phố Ngũ Xá, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Mạc Đĩnh Chi, Lạc Chính, Nam Tràng, Trấn Vũ, và để các tuyến phố kết nối với nhau liền lạc, ý tưởng lập nên tuyến tàu điện số 6 được Nguyễn Dân Huy hình thành, bắt nguồn từ cảm hứng hình ảnh các toa tàu của Hà Nội xưa nhằm xây dựng một “Chuỗi không gian văn hóa giới thiệu ẩm thực Việt”.
Lấy cảm hứng từ hình dáng các toa tàu ngày xưa, tuyến tàu điện số 6 được Nguyễn Dân Huy thiết kế theo mô hình toa tàu trên bốn bánh xe, dịch chuyển tùy thích. Các toa xe gồm hai tầng, công năng chính là giới thiệu, chia sẻ, trình diễn, thể hiện… những nội dung dựa trên mạch ý tưởng về ẩm thực và văn hóa Việt. Mỗi toa xe đảm nhiệm một nội dung cụ thể và được thiết kế màu sắc, hình dáng sao cho phù hợp với nội dung cần chuyển tải.
Còn nhớ cách đây gần một năm (12.2023) toa xe đầu tiên đi vào “vận hành”, chuyển tải trên đó là câu chuyện trà Việt, với nội dung thể hiện là vùng trà shan tuyết cổ thụ của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ngay khi vận hành, không gian trà của tuyến tàu điện số 6 đã gây ngạc nhiên với nhiều người tham quan. Cách thể hiện cũng được trau chuốt, tinh lọc kỹ lưỡng khi không ôm quá nhiều chi tiết, câu chuyện về trà Việt.
Cách thực hiện và vận hành toa tàu trà Việt được Nguyễn Dân Huy cho biết: “Tôi muốn mỗi toa xe đảm nhiệm chức năng như một bảo tàng thu nhỏ, với trà Việt, câu chuyện rất dày cả về văn hóa, con người, sản phẩm… nên khi thể hiện, tôi chọn ra một lát cắt khi giới thiệu vùng trà cổ thụ Hoàng Su Phì đến mọi người. Khi đi vào chi tiết như vậy, người tiếp cận, khách du lịch, người thích uống trà, cũng dễ dàng cảm nhận và hiểu chi tiết hơn. Các nội dung trưng bày, giới thiệu, không cố định mà thay đổi chủ đề theo định kỳ, nên sau Hoàng Su Phì, sẽ lại là các vùng trà đặc hữu khác của Việt Nam”.
Sự lựa chọn nội dung nhấn vào chi tiết, cách trưng bày giản dị, gần gũi, dễ hiểu, với cả hình ảnh, thông tin, sản phẩm, kết hợp những buổi giao lưu cùng người làm trà, chia sẻ câu chuyện trà Việt một cách chân thực nhất, qua đó giúp người tham dự được tiếp cận các sản phẩm trà cách minh bạch, cụ thể, đa chiều từ những người trong cuộc. Chỉ với diện tích nhỏ gọn của không gian toa tàu, nhưng cách vận dụng kể chuyện, thể hiện, giới thiệu một sản phẩm cụ thể là trà, đã để lại nhiều ấn tượng với khách tham quan.
Đại sứ Cuba đương nhiệm, ông Orlando Nicolás Hernández Guillén khi tham quan “bảo tàng” trà trên toa tàu số 6 đã bày tỏ sự ngạc nhiên, đặc biệt là sau khi thưởng thức phẩm trà măng - một loại trà đặc hữu của Hoàng Su Phì, mọc nguyên sinh trong rừng già trên dãy núi Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh - với dải hương quyến rũ đến lạ kỳ mà trước đây ông chưa từng nếm trải.
Nhìn ở góc độ người thưởng thức trà, trước hàng loạt những thông tin, lớp học, những nhà thương mại trà muôn hình vạn trạng, thật ít giả nhiều khiến người uống trà bị lạc vào mê cung không lối thoát, việc định hình một không gian giới thiệu trà cách cụ thể, chân phương, minh bạch nguồn gốc… như cách làm của tuyến tàu điện số 6 giúp người tiêu dùng và du khách dễ dàng tiếp nhận những kiến thức và sản phẩm trà Việt chân thực từ vùng trà đến tách trà. Không gian trà của tuyến tàu điện số 6 như một kết nối, là “nhân vật” đi săn tìm, tuyển lựa và kể lại câu chuyện trà cho mọi người.
Ở góc nhìn mô hình và ý tưởng sáng tạo, toa xe trà và tuyến tàu điện số 6 có tính ứng dụng cao. Giáo sư Katharine Burnett - sáng lập, Giám đốc Viện nghiên cứu Khoa học và Văn hóa trà toàn cầu, hiện là giảng viên tại Đại học UC Davis, California - Hoa Kỳ, khi tham quan toa xe trà và mô hình tuyến tàu điện số 6 đã ngạc nhiên chia sẻ: “Ý tưởng này tốt quá, rất dễ áp dụng, nguồn kinh phí vận hành cũng vừa phải, có nhiều thì làm nhiều, các toa xe có thể dịch chuyển theo ý muốn nên dễ dàng sắp đặt, trưng bày. Mỗi toa xe đơn lẻ chưa đủ mạnh, nhưng khi tập hợp cả tuyến tàu, sẽ là sản phẩm thực sự hấp dẫn và cuốn hút, đúng vai trò kết nối và giới thiệu nét đẹp của văn hóa, ẩm thực đến khách tham quan”.
Sau trà, Nguyễn Dân Huy đang tiếp tục hoàn thiện các toa xe về cà phê, về phở, rồi cơm Việt… Gần đây nhất là hoàn thiện toa xe thời bao cấp, tái hiện lại các không gian như “bếp - chạn - mâm”… gắn với ký ức của nhiều người Hà Nội ở một thời gian khó và đong đầy kỷ niệm.
Mỗi toa xe trong tuyến tàu điện số 6 được ví như một bảo tàng thu nhỏ, nhưng chuyển tải trên đó là những câu chuyện bất tận về văn hóa, ẩm thực Việt. Công trình đang trong giai đoạn thực hiện từng bước, với những thành công bước đầu của các toa xe như trà, bao cấp… Kỳ vọng khi 15 toa xe hoàn thành, không chỉ là 15 câu chuyện thú vị, mà cả tuyến tàu điện số 6 khi ấy sẽ là một sản phẩm du lịch đặc biệt, một điểm đến kỳ thú để khám phá nơi không gian phố đi bộ Trúc Bạch.
Và ở góc nhìn xa hơn, sản phẩm này sẽ gợi mở nhiều ý tưởng phát triển văn hóa - du lịch ở khắp các tỉnh thành khác trong cả nước.
Bài và ảnh: Thiên An
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-dan-huy-va-tuyen-tau-dien-so-6-45935.html