Lễ hội Đổ giàn An Thái - Định hướng bảo vệ và phát huy giá trị

Lễ hội Đổ giàn An Thái đã có từ rất sớm ở An Thái - Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, là một hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần và thể thao của nhân dân địa phương. Những giá trị đặc sắc của lễ hội được lan tỏa và thấm sâu trong đời sống tinh thần của nhân dân từ xưa cho đến ngày nay, được ghi nhận là một trong 100 lễ hội độc đáo nhất của Việt Nam.

An Thái là mảnh đất bên bờ sông Côn, nổi tiếng là một trong những cái nôi của võ cổ truyền Bình Định. Ảnh: Ái Trinh

An Thái là mảnh đất bên bờ sông Côn, nổi tiếng là một trong những cái nôi của võ cổ truyền Bình Định. Ảnh: Ái Trinh

Từ võ cổ truyền đến lễ hội Đổ giàn

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, vào trung tuần tháng 7 âm lịch những năm Tỵ, Dậu, Sửu thế kỉ XX, tại Ngũ bang Hội quán thuộc thị tứ An Thái, tỉnh Bình Định, một lễ hội truyền thống diễn ra khá quy mô, có sự chuẩn bị trước rất lâu. Lễ hội có nghi thức xô cỗ, đổ giàn, về sau gọi cả diễn trình là lễ hội Đổ giàn.

An Thái là vùng đất có truyền thống thượng võ, một trong những nơi có lịch sử lâu đời về võ cổ truyền Bình Định. Để thích nghi với vùng sông nước, người dân nơi đây đã dạy cho nhau miếng võ cổ truyền của nhiều vùng đất góp lại và sáng tạo ra ngón mới. Vùng quê An Thái không phải ngẫu nhiên được lưu danh là miền đất võ: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, “Trai An Thái, gái An Vinh”, bởi xưa kia có bậc hiền tài Trương Văn Hiến bị lộng thần Trương Phúc Loan hãm hại đã tìm về đây ở ẩn. Ông mở trường dạy học, cốt đào tạo nhân tài để thay đổi thời cuộc. Ba anh em nhà Tây Sơn đã làm tròn ước nguyện ấy của người thầy giáo mà họ từng tôn kính.

An Thái, xưa còn là nơi sinh sống của những cộng đồng người Việt và người Việt gốc Hoa di cư đến khai hoang lập nghiệp từ thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, ngày càng phát triển thành một trung tâm kinh tế, thương mại nổi tiếng từ thế kỷ XVIII.

Đến thế kỷ XX, có một sự kiện mới ra đời, ông Diệp Trường Phát, là người Việt gốc Hoa đã hấp thụ tinh thần thượng võ đất An Thái và sáng tạo, truyền tải mềm mại qua diễn trình lễ hội Đổ giàn để lưu truyền và tôn vinh “tinh thần thượng võ” của làng quê này.

Những “lưu dấu” lịch sử

Lễ hội Đổ giàn đã từng hiện diện ở An Thái vào năm 1933, 1937, 1941, sau đó, lễ hội đã ngừng hẳn cho đến năm 2005 được phục dựng và tái hiện với nhiều chương trình hấp dẫn, thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến xem, cổ vũ. Tuy nhiên, do có nhiều bất cập trong quá trình tổ chức cũng như nhiều nguyên nhân khác nhau về lịch sử, văn hóa, lễ hội Đổ giàn An Thái đến nay chưa được tổ chức lại.

Ông Trần Duy Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin thị xã An Nhơn chia sẻ: "Năm ấy (2005), mặc dù có sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên rất cụ thể, sự phối hợp khá chặt chẽ của UBND xã Nhơn Phúc và có sự tham gia của một vài hậu duệ họ Thái, họ Diệp... người Hoa, bàn tính kỹ nhưng không thể lường hết những vấn đề phát sinh phức tạp, nhất là lượng khách đến xem quá đông, vượt xa trù tính. Dự kiến của Ban Tổ chức lễ hội, khoảng chừng trên dưới 1.000 người đến xem, nhưng trên thực tế, không chỉ có người ở địa phương mà có đến hơn 6.000 khách thập phương từ các làng võ trong, ngoài huyện và cả An Khê - Gia Lai, Tuy Hòa - Phú Yên, Nha Trang - Khánh Hòa kéo đến chật trong, chật ngoài. Trong khi mặt bằng sân chùa Hội Quán - nơi tổ chức đăng đàn chẩn tế và xô cỗ Đổ giàn chỉ dung chứa khoảng vài ba trăm người, các con đường ngang, đường dọc dẫn tới chùa Hội Quán rất chật hẹp, xe cộ phải gửi ở đầu đường, chỉ có thể đi bộ mà người đông nghẹt, nên khi hạ đàn, chưa kịp xô cỗ thì đã gây ra cảnh hỗn loạn, xô đẩy nhau".

Hàng ngàn người theo dõi lễ hội Đổ giàn năm 2005. Ảnh: Văn Ngọc

Hàng ngàn người theo dõi lễ hội Đổ giàn năm 2005. Ảnh: Văn Ngọc

Cần khôi phục, bảo tồn và phát huy lễ hội Đổ giàn

Tại tọa đàm khoa học khôi phục lễ hội Đổ giàn An Thái vừa diễn ra vào tháng 8/2024, các đại biểu đã trình bày tham luận, thảo luận về các nét đặc trưng của lễ hội Đổ giàn, tính cộng đồng của lễ hội Đổ giàn, yếu tố Phật giáo trong lễ hội Đổ giàn...; tán thành việc khôi phục và phát huy giá trị di sản lễ hội Đổ giàn có vai trò rất quan trọng, với ý nghĩa giữ gìn truyền thống thượng võ của nhân dân và phát huy võ cổ truyền Bình Định, gắn với phát triển du lịch địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và vui chơi, giải trí của nhân dân; đề xuất lập kế hoạch cụ thể, có tính khoa học việc xây dựng quy ước, thể lệ tổ chức lễ hội Đổ giàn và các hoạt động dân gian trong diễn trình lễ hội.

Các đại biểu cho rằng, chính quyền và ngành văn hóa địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động trên địa bàn, hướng đến chuẩn bị chu đáo cho kỳ tổ chức lễ hội này trong năm Ất Tỵ 2025.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định chia sẻ: “Lễ hội Đổ giàn An Thái có thể xuất phát từ nghi thức tế Tiêu diện, xuất phát từ hình thức sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng người dân bản địa, của người Minh Hương trên đất An Thái. Song về lâu dài, với những chuyển biến trên nền tảng hiện có để bảo vệ và phát huy giá trị một lễ hội truyền thống của địa phương, không những tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người dân Bình Định mà tất cả những người yêu mến, trân quý di sản này được tham gia đóng góp sức mình giúp cho những kỳ lễ hội sau hoạt động tốt hơn, đem lại hiệu quả cao hơn, đồng thời góp sức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản”.

Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn khẳng định: "Ban Tổ chức tọa đàm sẽ báo cáo Sở Văn hóa - Thể thao, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Thị ủy, UBND thị xã An Nhơn, trao đổi với các nhà nghiên cứu và thống nhất từng ý tưởng khôi phục, thực hành trong năm 2025; có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương lập hồ sơ khoa học di sản đề nghị ghi danh lễ hội Đổ giàn An Thái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Ái Trinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/le-hoi-do-gian-an-thai-dinh-huong-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-post479627.html