Lễ hội đường phố của đồng bào các dân tộc ở Pleiku

Chiều 3-12, với chủ đề 'Vũ điệu cồng chiêng', chương trình lễ hội đường phố nằm trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa-du lịch do UBND TP. Pleiku tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 500 nghệ nhân thuộc 15 đội cồng chiêng đến từ các xã, phường trên địa bàn. Ở mỗi tuyến đường mà các nghệ nhân đi qua, tiếng cồng chiêng rộn ràng, trầm bổng đã cuốn lấy tất cả người dân và du khách vào một lễ hội mang đậm sắc màu văn hóa giữa lòng Phố núi.

Xe hoa đại diện cho các xã, phường, đơn vị, doanh nghiệp tham gia diễu hành trên đường phố. Ảnh: P.L

Xe hoa đại diện cho các xã, phường, đơn vị, doanh nghiệp tham gia diễu hành trên đường phố. Ảnh: P.L

Giữa TP. Pleiku năng động, hiện đại là các ngôi làng Jrai bản địa. Mặc dù đã tiếp thu và hòa nhập vào lối sống mới song người dân các làng này vẫn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng. Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Nhằm giúp bà con giới thiệu nét văn hóa độc đáo của mình, đồng thời đưa cồng chiêng đến gần hơn với công chúng, trong Tuần lễ văn hóa-du lịch nhằm chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku, chúng tôi tổ chức lễ hội đường phố mang chủ đề “Vũ điệu cồng chiêng”.

Chiều 3-12, dù chưa tới giờ xuất phát nhưng các nghệ nhân xã Ia Kênh, xã Gào, phường Trà Bá, Yên Đổ, Thắng Lợi, Hoa Lư, Yên Thế… đã tập trung từ khá sớm tại khoảng sân rộng của Nhà Thiếu nhi tỉnh (đường Hai Bà Trưng). Mọi người nhanh chóng thay trang phục truyền thống, chuẩn bị đạo cụ, sắp xếp lại bram (người làm trò hề), con rối, thử lại độ chắc chắn của đôi cà kheo, duyệt lại lần nữa bài chiêng sẽ tấu lên trong lúc biểu diễn. Không khí rộn ràng, rạo rực tràn ngập một góc phố. Già Puih Jiâo-người phụ trách tập luyện cho đội cồng chiêng làng Ốp (phường Hoa Lư) chia sẻ: “Làng mình mấy ngày nay như có hội. Mọi người ai cũng hăng hái tập luyện để chuẩn bị tham gia các sự kiện của thành phố. Hôm nay diễu hành, đội cồng chiêng làng Ốp sẽ biểu diễn các bài chiêng Mừng lúa mới, Pơ thi”. Thích thú và hào hứng nhất có lẽ là các nghệ nhân “nhí”. Là một thành viên trong đội cồng chiêng của làng Chúet 1 (phường Thắng Lợi), em Bơnh rất háo hức khi được tham gia biểu diễn. “Em đã từng biểu diễn cồng chiêng tại các hội thi, hội diễn của thành phố. Mỗi lần được đánh chiêng cùng mọi người trong làng, em thấy vui lắm. Em mong rằng cồng chiêng của làng mình, dân tộc mình sẽ được nhiều người biết đến và yêu thích hơn”-Bơnh chia sẻ.

Đội cồng chiêng “nhí” của phường Yên Đổ biểu diễn trên đường Lê Lợi. Ảnh: P.L

Đội cồng chiêng “nhí” của phường Yên Đổ biểu diễn trên đường Lê Lợi. Ảnh: P.L

Đúng 15 giờ 30 phút, lễ hội đường phố chính thức bắt đầu. 15 đội cồng chiêng xuất phát theo lộ trình: Hai Bà Trưng-Hoàng Văn Thụ-Trần Phú-Nguyễn Văn Trỗi-Lê Lợi-Anh Hùng Núp. Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn diễu hành là Quảng trường Đại Đoàn Kết. Mỗi tuyến phố đều trở nên rạo rực, náo nhiệt khi đội cồng chiêng đi qua. Mọi người thích thú lắng nghe các bài chiêng, xem các bram hoạt náo dẫn đầu từng đội; trầm trồ khi thấy các nghệ nhân di chuyển trên đôi cà kheo hay chứng kiến nhiều nghệ nhân “nhí” biểu diễn chuyên nghiệp không kém những nghệ nhân lớn tuổi.

Hào hứng chụp hình, quay lại màn trình diễn của các nghệ nhân trong lễ hội đường phố, anh Nguyễn Thanh Cần (tổ 12, phường Hội Thương) cho hay: “Không mấy khi có dịp được xem biểu diễn cồng chiêng đặc sắc như thế này nên tôi phải tranh thủ quay lại để con cái xem mà biết đến nét văn hóa đặc sắc của người Jrai tại địa phương”. Cũng thích thú không kém, chị Nguyễn Thị Kim Linh (tổ 3, phường Hội Phú) cho hay: “Mình đã vài lần được xem biểu diễn cồng chiêng nhưng đây là lần đầu được xem cùng lúc nhiều đội biểu diễn đến vậy. Mỗi đơn vị có một sắc màu riêng, rất đặc biệt từ cách biểu diễn, bài chiêng đến trang phục, đạo cụ. Đây là hoạt động rất hay và ý nghĩa, giúp người dân được tiếp cận và hiểu hơn về văn hóa các dân tộc”.

Những màn trình diễn cồng chiêng khiến phố phường Pleiku thêm rộn ràng, náo nhiệt. Ảnh: P.L

Những màn trình diễn cồng chiêng khiến phố phường Pleiku thêm rộn ràng, náo nhiệt. Ảnh: P.L

Sau khi chương trình “Vũ điệu cồng chiêng” kết thúc, các tuyến đường Wừu-Lý Thái Tổ-Hùng Vương-Nguyễn Tất Thành-Phạm Văn Đồng lại rợp trong đèn hoa rực rỡ của đoàn diễu hành gồm 20 xe hoa đại diện cho các khối công-nông-trí thức-doanh nghiệp đến từ các xã, phường trên địa bàn TP. Pleiku. Khắp nẻo phố phường đều tưng bừng, rộn rã trong ngày đô thị Pleiku tròn 90 tuổi.

PHƯƠNG VI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12399/201912/le-hoi-duong-pho-cua-dong-bao-cac-dan-toc-o-pleiku-5660070/