Lễ hội 'Lái Thiêu mùa trái chín' năm 2023: Sẵn sàng đón khách đến tham quan
Hôm nay (22-5), Lễ hội 'Lái Thiêu mùa trái chín' năm 2023 chính thức khai hội. Lễ hội sẽ diễn ra trong 7 ngày (từ 22 đến 28-5), bên cạnh những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao sôi nổi, đến với không gian lễ hội, người dân và du khách còn được tham quan những vườn cây, thưởng thức những loại trái cây đặc sản của xứ Lái Thiêu cũng như những món ăn ngon được chế biến từ cây trái của vùng đất này.
Chuẩn bị chu đáo cho lễ hội
Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm nay diễn ra ở khu vực Cầu Ngang, phường Hưng Định - nơi có nhiều vườn cây ăn trái nổi tiếng trên địa bàn TP.Thuận An. Vì thế, ngay khi UBND thành phố có kế hoạch tổ chức lễ hội, phường Hưng Định đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tham gia lễ hội và chỉ đạo các ngành, đoàn thể địa phương cùng vào cuộc để bảo đảm cho kỳ lễ hội diễn ra an toàn, chu đáo, tạo được không khí vui tươi phấn khởi cho người dân và du khách.
Ông Hồ Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết lễ hội là cơ hội để địa phương tiếp tục xây dựng và duy trì quảng bá hình ảnh vườn cây trái Lái Thiêu đến với du khách; qua đó, tạo điều kiện để địa phương có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, xúc tiến thương mại, đầu tư vào du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch trên địa bàn phường, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái vườn của phường. Địa phương đã triển khai thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền cổ động giúp người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, nội dung tổ chức lễ hội; đồng thời vận động người dân tham gia quảng bá du lịch vườn, hưởng ứng các hoạt động của lễ hội, thể hiện tinh thần mến khách, giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự.
Trước khi lễ hội diễn ra, phường Hưng Định đã tổ chức ra quân vệ sinh môi trường các tuyến đường trên địa bàn, nhất là khu vực diễn ra lễ hội, vệ sinh kênh rạch nhằm bảo đảm không gian, cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp. Một trong những nội dung được địa phương rất quan tâm đó là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh lễ hội. Ông Hồ Anh Thi cho biết phường Hưng Định đã tổ chức họp dân nhằm tuyên truyền, định hướng cho người dân thực hiện văn minh trong lễ hội, bảo đảm không có nạn cò mồi, chặt chém du khách, lôi kéo gây phản cảm. Các hộ dân tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống trong thời gian diễn ra lễ hội đều phải ký cam kết thực hiện kinh doanh đúng quy định, niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết và phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị…
Phường cũng đã thành lập tổ hỗ trợ công tác tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ngành, đoàn thể có liên quan; đồng thời bố trí thêm lực lượng tình nguyện viên luân phiên trực nhằm hướng dẫn du khách về các hoạt động lễ hội cũng như tham quan các vườn trái cây trên địa bàn. Bên cạnh đó, phường còn tổ chức điểm giữ xe miễn phí cho du khách đến tham gia lễ hội. “Hoạt động giữ xe miễn phí là điểm mới trong kỳ lễ hội năm nay. Địa phương cũng đang tính đến việc tổ chức “lễ hội miễn phí” trong thời gian tới. Để từng bước thực hiện điều này, năm nay, chúng tôi thực hiện giữ xe miễn phí trước. Những kỳ lễ hội sau, chúng tôi sẽ thực hiện thêm những hoạt động miễn phí khác nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất cho du khách khi tham gia lễ hội trên địa bàn…”, ông Hồ Anh Thi chia sẻ.
Sẵn sàng đón khách
Những ngày qua, không khí lễ hội đã bắt đầu trở nên rộn ràng hơn bởi băng rôn tuyên truyền cổ động, cờ phướn được trang trí trên nhiều tuyến đường. Các nhà vườn chuẩn bị, háo hức chờ ngày khai hội để được phục vụ du khách những loại trái cây, món ăn đặc sản do mình trồng, chế biến ra.
Dọc trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ cầu Cây Trâm đến ngã ba đường Cầu Tàu, phường Hưng Định) - nơi diễn ra lễ hội, các gian hàng tham gia được Ban Tổ chức bố trí, sắp xếp theo từng khu vực riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách dễ dàng hơn khi tham quan, mua sắm, như: Khu giống cây trồng và bon sai, khu thương mại, khu bán trái cây, khu ẩm thực, khu bán nông sản sạch…
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ người dân và du khách. Sau mấy năm tạm dừng vì một số nguyên nhân khách quan, năm nay Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” được thành phố tổ chức trở lại với mong muốn từng bước xây dựng lại thương hiệu “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu” nổi tiếng một thời; đồng thời xây dựng, giữ gìn vùng sinh thái cho đô thị Thuận An.
Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm, các hoạt động của lễ hội sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi, thưởng thức các loại trái ngon, quả ngọt cũng như những món ăn đặc sản của vùng đất Bình Dương nói riêng và miền Nam nói chung; mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn thành phố. Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” còn là dịp để các nhà vườn trong khu vực Nam bộ giao lưu, tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nêu cao vai trò của người dân trong việc chung tay xây dựng và phát triển du lịch sinh thái miệt vườn; đồng thời giới thiệu những loại trái cây chất lượng đến với du khách gần xa.
Được tổ chức lần đầu từ năm 2013, Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” đã trở thành sự kiện văn hóa lớn, thu hút hàng ngàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa kinh tế và du lịch đặc trưng của vùng đất Lái Thiêu - Thuận An.