Lễ hội Làm Chay: Nơi hội tụ giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn

Lễ hội Làm Chay không chỉ là sự kiện văn hóa mà còn là nơi để cộng đồng cùng nhau thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công xây dựng và bảo vệ quê hương. Lễ hội hình thành trong dân, được người dân gìn giữ và phát triển. Gần 2 thế kỷ trôi qua, Lễ hội Làm Chay không chỉ là niềm tự hào của người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An mà còn là di sản của quốc gia, dân tộc.

Lễ hội của dân

Lễ hội Làm Chay từ bao đời nay đã là niềm tự hào, cái tết thứ hai, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân thị trấn Tầm Vu nói riêng và huyện Châu Thành nói chung.

Người dân chung tay tổ chức lễ hội đã trở thành nét truyền thống tại huyện Châu Thành

Người dân chung tay tổ chức lễ hội đã trở thành nét truyền thống tại huyện Châu Thành

Khoảng từ mùng 9 Âm lịch, trong khu vực xung quanh đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) bắt đầu nhộn nhịp. Người dân quanh vùng tụ họp lại với nhau, mỗi người một việc, chuẩn bị cho lễ hội. Trong khi nhóm bài trí sân lễ trang hoàng các bàn thờ, đài liệt sĩ thì đội ghe đăng, xe hoa cũng bắt đầu công việc của mình. Ở các khu phố, nhóm làm cỗ bánh phụng cúng cũng tất bật tạo hình để dâng cúng trong lễ hội. Tất cả tạo nên không khí vui tươi từ ngay sau tết đến khi lễ hội kết thúc.

Tại địa điểm quen thuộc của khóm 2, khu phố 2, thị trấn Tầm Vu, bàn thờ nhỏ được bày với đủ hoa, quả cho người dân qua lại thắp nhang. Có truyền thống tạo hình cỗ bánh theo linh vật từng năm nên cỗ bánh năm nay khu phố có hình rắn hổ đang ấp ôm tổ trứng.

Chiều mát, người dân trong khóm lại quây quần, mỗi người một việc, trang hoàng thêm cho góc lễ hội của quê nhà. Chỉ tay vào 2 chậu vạn thọ lớn đang độ nở hoa, bà Trần Thị Khum (khu phố 2, thị trấn Tầm Vu) kể: “Hai chậu vạn thọ này là chính tay tôi trồng. Người dân ở đây ai có gì thì đóng góp cái nấy, cùng chung tay nhau làm. Từ xưa đến nay đã vậy rồi. Tôi thấy lễ hội ở đây còn vui hơn tết”.

Với đa dạng hoạt động thuộc cả phần lễ lẫn phần hội, mỗi năm, Lễ hội Làm Chay thu hút hàng trăm ngàn lượt người dân và khách thập phương đến cúng viếng, vui chơi.

Đậm nét truyền thống và văn hóa

Bắt nguồn từ lễ cúng nhỏ của người dân địa phương để tưởng nhớ những nhà yêu nước bị giặc Pháp giết, dưới hình thức mâm cúng trừ tà, cầu bình an, từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, qua nhiều thăng trầm, Lễ hội Làm Chay được gìn giữ, phát triển, trở thành sinh hoạt cộng đồng giàu tính lịch sử, nhân văn và đậm nét văn hóa truyền thống.

Các bậc cao niên kể lại rằng, khi nhà yêu nước Đỗ Tường Tự bị giặc Pháp xử tử tại khu vực gần đình Tân Xuân thì người dân vô cùng thương tiếc. Để tưởng nhớ ông, người dân lập mâm cúng nhỏ trong khu chợ sát cạnh đình với lý do cầu an cho bá tánh, tiêu trừ yêu quái làm loạn trong khu chợ. Trước năm 1945, lễ được tổ chức đơn giản, chỉ lập đàn dưới đất cúng cầu siêu tại nhà lồng chợ cũ (khu vực chợ Tầm Vu hiện nay).

Từ 1945-1954, mỗi kỳ cúng có thêm phần hát bội. Từ năm 1954-1979, lễ tiếp tục cúng ở chợ Tầm Vu. Từ năm 1980 đến nay, việc cúng tế được chuyển vào đình Tân Xuân. Qua thời gian, lễ cúng được gìn giữ như cách người dân huyện Châu Thành nuôi dưỡng lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

Đến nay, mâm cúng nhỏ trong nhà lồng chợ Tầm Vu trở thành lễ hội được người dân mong chờ nhất trong năm với các nghi thức cúng tế đậm nét truyền thống và mang tính dung hòa giữa các tôn giáo, tín ngưỡng, vừa thể hiện lòng yêu nước, vừa giữ gìn nét văn hóa của địa phương và tạo không khí hội hè, vui tươi, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân trong vùng.

11 năm tham gia Ban Quản lý đình Tân Xuân, ông Bùi Văn Biết khẳng định: “Việc người dân chung tay tổ chức Lễ hội Làm Chay trở thành điều hiển nhiên ở đây. Mỗi người đến đây mang theo ước vọng khác nhau: Cầu bình an, phát đạt cho gia đình, cầu cho quốc thái dân an, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và cả vì niềm vui nhận được khi tham gia lễ hội. Người dân ở đây ai cũng ý thức giữ gìn văn hóa trong lễ hội, từ các nghi thức cúng tế đến việc xây dựng hình ảnh hiếu khách, văn minh. Với sự quản lý, định hướng và hỗ trợ của chính quyền, trật tự, an toàn của lễ hội cũng được bảo đảm. Bao năm nay, Lễ hội Làm Chay không có hoạt động mê tín hay biến tướng là nhờ vậy”.

Lễ hội Làm Chay có nhiều nghi thức cúng tế truyền thống được lưu truyền đến hôm nay, thể hiện sự hòa hợp tôn giáo và tín ngưỡng. Trong đó, có thể kể đến nghi thức Khai kinh tụng cầu an do các nhà sư phụ trách để cầu an cho cộng đồng; nghi thức cúng tế liệt sĩ (hay còn gọi là nghĩa sĩ trận vong) do bổn đạo Cao Đài đảm nhiệm và nghi thức Đề phan liệt sĩ do vị sư cả Phật giáo chủ trì, tụng kinh, treo lá phan có nội dung ca ngợi công ơn hy sinh vì Tổ quốc của các liệt sĩ.

Chiêu u là nghi thức đậm tính nhân văn tại Lễ hội Làm Chay

Chiêu u là nghi thức đậm tính nhân văn tại Lễ hội Làm Chay

Điểm nhấn trong lễ hội chính là nghi thức Chiêu u. Ở đây, phần lễ và phần hội của Lễ hội Làm Chay được giao hòa khi dòng người theo đoàn chiêu u đường bộ đông đúc và náo nhiệt. Trong khi đoàn chiêu u đến các điểm chiêu u cúng vái và thỉnh cô hồn về giàn Ông Tiêu để cầu siêu thì dòng người tạo nên không khí náo nhiệt với kèn, hoa, hóa trang và té nước.

Chiêu u đường sông tại Lễ hội Làm Chay

Chiêu u đường sông tại Lễ hội Làm Chay

Nghi thức chiêu u tạo nên tính nhân văn của lễ hội khi mọi “vong linh vất vưởng” đều được nhớ đến và triệu tập về để được cầu siêu. Và sự náo nhiệt của đám đông trong khuôn khổ an toàn, vui vẻ tạo nên nét đặc trưng không thể nào hòa lẫn của Lễ hội Làm Chay tại huyện Châu Thành.

Thêm một nét đẹp nổi bật nữa là Lễ hội Làm Chay là một trong những lễ hội có nhiều quầy hàng miễn phí bậc nhất trong tỉnh. Ngoài việc mời cơm chay miễn phí trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, xung quanh khu vực tổ chức Lễ hội Làm Chay không thiếu những quầy nước sâm, cháo chay miễn phí phục vụ khách thập phương về dự lễ hội.

Ông Tám Tới (đội ghe đăng) cho biết, nhiều năm nay, ngoài việc trang hoàng ghe và bến phóng đăng thì người dân quanh vùng còn đóng góp kinh phí cho đội tổ chức quầy nước sâm miễn phí phục vụ người dân dự lễ. Một ly nước mát trao tay, một nụ cười hồn hậu và vui vẻ đủ tạo nên ấn tượng khó quên về một mùa lễ hội tại huyện Châu Thành./.

Lễ hội Làm Chay thể hiện sự hòa hợp dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống và bản sắc địa phương, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” đối với các bậc tiền nhân có công mở cõi và khai cơ lập nghiệp, các anh hùng liệt sĩ qua các thời kỳ,...”.

Đó là khẳng định của Cục Di sản văn hóa về Lễ hội Làm Chay tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/le-hoi-lam-chay-noi-hoi-tu-gia-tri-van-hoa-lich-su-nhan-van-a190210.html