Lễ hội 'Lúng ta', tục tắm tiên độc đáo ở miền sơn cước
Những con nước, cối nước, những điệu múa xòe liên tu bất tận và cả những mó nước yên bình kín đáo, nơi những cô gái dân tộc Thái thả mình vào dòng nước thiên nhiên mát lạnh, đó chính là bản làng Thái ở Tây Bắc. Ngoài lễ hội 'Lúng ta'- lễ hội gội đầu, người Thái còn có tục tắm tiên độc đáo khiến suối ngàn Tây Bắc thêm lung linh huyền ảo và quyến rũ.
Lễ hội “Lúng ta” đón xuân mới
“Lúng ta” - Lễ hội gội đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Thái Trắng. Lễ hội “Lúng ta” bắt nguồn từ truyền thuyết về nữ tướng nàng Han, người có công dẹp giặc phương Bắc. Chuyện kể rằng: Nàng Han là một cô gái đóng giả con trai để tập hợp lính mã, cầm quân đánh giặc ngoại xâm. Đoàn quân của nữ tướng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi nước ta thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đoàn đánh thắng giặc trở về là đúng vào ngày 30 tết âm lịch. Buổi chiều hôm đó, nàng Han ra lệnh cho quân sĩ dừng lại bên bờ suối nghỉ ngơi, tắm gội, ăn mừng chiến thắng và đón chào năm mới. Các binh sĩ tắm ở thượng nguồn, còn nàng Han tắm ở hạ nguồn. Sau khi tắm xong, nàng Han biến mất để lại bộ quần áo ở bên bờ suối. Để tưởng nhớ đến nữ tướng nàng Han, hàng năm đến ngày 15 tháng 2 âm lịch, đồng bào dân tộc Thái ở Mường So lại tổ chức Lễ hội nàng Han, ngày cuối năm lại tổ chức Lễ hội gội đầu.
Trong quan niệm của người Thái Trắng, khi hết năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới, mọi người trong thôn, bản đều phải gội đầu để rửa trôi những xui xẻo, vất vả, bệnh tật, điều không mong muốn của năm cũ. Gội đầu là tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước, đi mãi không bao giờ quay lại, đồng thời cầu mong năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.
Lễ hội gội đầu được tổ chức vào buổi trưa ngày 30 Tết (ngày cuối của năm cũ). Người Thái Trắng cho rằng cứ hết chiều 30 Tết là bước sang năm mới, vì thế trước khi làm nghi lễ cúng Tết, ở nhà mọi người đều phải ra sông, suối tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới thì mới được làm lễ.
Theo ông Lò Văn Chiến, tại Phong Thổ (Lai Châu), để lễ gội đầu diễn ra tốt đẹp, trước đó hàng tuần người con gái Thái đã vo gạo nếp để lấy nước. Nước vo gạo được đựng trong chum hoặc nồi, cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn để nước gạo càng chua càng tốt. Nước gội đầu là những hương liệu của quả bồ kết pha lẫn với nước vo gạo. Đó là nước gội đầu dành cho đàn bà, con gái. Nước vo gạo để hàng tuần lên men, bốc mùi chua là một bí kíp để giúp cho mái tóc người con gái Thái càng đen, dài mượt mà, óng ả. Còn nước tắm của người con gái thường là nước thơm của cây mùi già. Nước gội đầu đàn ông thường là bồ kết, người ta nướng bồ kết rồi để ra ngâm vào nước đun sôi.
Trong dịp lễ, người phụ nữ Thái Trắng thường mặc áo ngắn bên trong, áo này trong tiếng Thái gọi là “sửa nội”. Bên ngoài, họ khoác áo cải, gọi là “sửa luông”. “Sửa luông” được thiết kế theo phong cách riêng của người Thái, chủ yếu là làm từ vải đen, hai bên vai có hai dải màu buông xuống trước ngực trông rất điệu đà. Ngày nay, cùng với sự biến đổi của thị trường thì “sửa luông” cũng được may cải tiến thắt đáy ở eo lưng, không thắt vạt như áo cổ xưa. Đàn ông thì mặc giản dị hơn.
Cách thức tổ chức lễ gội đầu gồm các hoạt động: Trước khi ra bờ sông, bờ suối để gội đầu người đứng đầu bản hoặc thầy mo cùng đoàn nam thanh, nữ tú dâng lễ lên nàng Han và mời cùng ra bờ sông, bờ suối để gội đầu cùng con cháu, trước lúc bước sang năm mới. Thầy mo hoặc trưởng bản là người đi đầu đoàn. Theo sau là dân bản, là những nam thanh, nữ tú khiêng trống chiêng vừa đi vừa đánh. Trống được đánh ba nhịp và đệm thêm một nhịp chiêng. Đoàn làm lễ gội đầu lặng lẽ theo hàng một đi ra bờ sông như một đám rước. Họ rước theo nước gội đầu, tay cầm một cành lá dùng trong nghi thức gội đầu. Đến bờ sông, đàn ông và các bé trai đi ngược lên thượng nguồn chừng dăm chục mét. Đàn bà và các bé gái ở phía dưới dòng. Lúc này, người chủ lễ khấn thần linh, đại ý như sau: “Năm hết tết đến tiễn cái cũ đi xa cái tốt thì ta mang về, cầu mong năm mới làm ăn phát đạt. Cái xấu, cái cũ hãy đi xa, đi xa mãi đừng bao giờ quay về nữa, cái mới cho mọi người thêm nhiều may mắn”. Ông chủ lễ khấn xong, tiếng trống chiêng vang lên, những người phụ nữ từ từ cúi đầu, xõa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Hành động này được cho là xua đi những gì không may mắn trong năm cũ.
Người Thái gọi những búi tóc cao trên đỉnh đầu là “tăng cẩu”, đó là dấu hiệu để chứng nhận rằng cô gái người Thái đó đã có gia đình. Từ khi kết hôn thì búi tóc đó rất ít khi bị xõa ra nhờ bí quyết vấn tóc kỳ diệu của người Thái. Bên cạnh chiếc khăn Piêu, điệu xòe thì mái tóc cũng trở thành một nét riêng độc đáo của người phụ nữ Thái.
Sau lễ hội là các trò chơi dân gian: tó má lẹ, ném còn... tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con đón năm mới và tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Lễ hội “Lúng ta” - gội đầu đang được Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn… và các tỉnh miền núi gìn giữ, đáp ứng đời sống tinh thần của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc. Lễ hội còn là nơi quảng bá những tiềm năng, văn hóa, du lịch, thể thao và con người vùng núi phía Bắc. Lễ hội này còn mang tính nhân văn sâu sắc là thể hiện lòng yêu hòa bình, sống hòa hợp với thiên nhiên, tràn đầy sinh lực.
Ngẩn ngơ sơn nữ tắm tiên
“Lên vùng cao mà xem tắm tiên Tây Bắc sẽ được ngắm con gái Thái đẹp như tiên giáng trần; con gái Thái có nước da trắng như hoa ban, bước đi thì uyển chuyển như những điệu mùa xòe, những đường cong tuyệt mỹ đến hoàn hảo; Con gái Thái dịu dàng, hiền thục, rất giỏi trong những công việc nội trợ như làm ruộng, quay xa, thêu thùa, dệt vải, múa xòe…” - đó là một trong vô vàn những điều ấn tượng nhất mà người ta thường nhắc đến khi nói về con gái Thái.
Cứ sau mỗi buổi chiều lao động dọc theo con suối Nậm Lay (con suối từ Mường Tùng chảy dọc Mường Lay và thị xã Lai Châu), thường hay bắt gặp các cô gái “tắc nặm” (vác nước), “pây áp nậm” (đi tắm suối) bên làn suối mát lành, cuốn trôi đi bao nỗi mệt nhọc. Người Thái rất coi trọng những nguồn nước xung quanh họ và coi đó như một sản vật linh thiêng mà thần linh ban tặng. Tắm tiên làm sạch sẽ tấm thân bụi bặm, trả lại nước da trắng ngần của mẹ, sự vững chãi của cha và khuôn mặt mang đậm nét tinh hoa của núi rừng như chung đúc hàng ngàn năm mới có được.
Ông Trần Hữu Tâm (Tophomestay) cho hay, các cô gái Thái ngay từ khi còn nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cho cách thắt khăn nơi thắt lưng - “xài yêu” để có được thân hình tuyệt đẹp theo tiêu chí: “Eo kíu manh po” – nghĩa là thắt đáy lưng con tò vò, giống như thắt đáy lưng ong của các cô gái miền xuôi.
Khi tắm tiên, các cô gái Thái quay mặt vào bờ, ý tứ cởi từng chiếc cúc áo, chiếc váy lúc này được kéo cao che kín khuôn ngực thanh tân, lội xuống nước tới đâu váy được nâng dần lên đến đó cho đến khi dòng nước đủ che kín thân mình, các cô gái khéo léo quấn chặt váy trên đầu như một bông hoa ban, dù bơi lội, đùa nghịch thế nào đi nữa thì chiếc váy vẫn không thể rơi xuống nước được. Cứ như thế cô gái dân tộc ngực trần, khỏa mình dưới suối, nô đùa hồn nhiên như thể chỉ có mình cùng với đất trời. Lúc đi tắm, con gái Thái thường vác theo ống bương nước lá thơm để tráng người.
Các sơn nữ phơi làn da trắng ngần ngồi trên tảng đá, khua chân dưới nước, nói cười rổn rảng, khiến cảnh đại ngàn âm u trở nên đẹp như một câu chuyện cổ tích, đó thực là một bức họa thiên nhiên tuyệt tác. Nhìn từ xa mọi thứ đều mờ ảo trước mắt, chỉ có làn da của các sơn nữ là nổi bật giữa cảnh hoang sơ chập choạng trong bóng chiều tà… khiến dòng suối già nua, trầm mặc cũng trở nên lung linh, huyền ảo. Nếu tình cờ xuất hiện người lạ, các sơn nữ vơ vội quần áo mặc ngay dưới nước hoặc núp sau những tảng đá.
Được tắm mình trong không khí trong lành của thiên nhiên hùng vĩ, bởi vậy cô gái Thái nào cũng cao ráo, trắng hồng, mái tóc đen dài mềm mại làm tôn lên vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện.
Những dòng suối của khắp vùng Tây Bắc thường có những cái tên vô cùng thơ mộng, chở đầy khát vọng về cuộc sống ấm no hạnh phúc, về tình yêu trắng trong, chung thủy: Suối Tiên, Suối Mơ, Suối Xuân… Tắm tiên ở Tây Bắc có lẽ là một nghệ thuật mà người con gái dân tộc Thái được học ngay từ khi bắt đầu biết khép nép thẹn thùng. Vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện của các cô gái Thái đã trở thành nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cũng như làm nên sức sống cho bao tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa… “Em tắm suối giữa mường/Tắm trong mối yêu thương”…