Lễ hội Sen - nghĩ đến 2 công trình sen
Đồng Tháp đang tiến hành Lễ hội Sen lần thứ II năm 2024.
Từ xa xưa, sen đã gắn liền với vùng đất và con người Đồng Tháp, nhất là khu vực Đồng Tháp Mười. Những câu ca dao ngợi ca vẻ đẹp và phẩm chất cao quí của bông sen mà ai cũng đều thuộc lòng từ nhỏ: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hay: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ”... Còn không biết bao nhiêu bài thơ, tập thơ, bài hát, bức tranh ca ngợi bông sen gắn với cuộc sống con người.
Sen sống hoang dã trong đầm, nay còn ra phố, trước các cơ quan Đảng, Nhà nước... và tên sen gắn với hội trường, phòng họp, phòng ăn. Sen còn được chế biến thành mấy trăm thức ăn, thức uống giàu dinh dưỡng, là đặc sản tiêu chuẩn OCOP 2 sao, 3 sao. Sen được sử dụng tất cả củ, ngó, thân (lấy tơ), lá, gương, hạt, tim sen... Có thể nói chưa bao giờ sen thâm nhập, hòa vào đời sống con người phổ biến như bây giờ. Câu nói cửa miệng: “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” để chỉ tâm hồn, tính chất con người. Lẽ tất nhiên, Lễ hội Sen được Nhân dân trong tỉnh và các tỉnh bạn nhiệt tình tham gia.
Trong bài viết nầy, người viết muốn nói đến 2 công trình kiến trúc tưởng niệm ở tỉnh nhà bắt nguồn từ hình tượng bông sen. Đó là Khu di tích cấp Quốc gia mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh trên địa bàn TP Cao Lãnh.
Cũng như Đồng Tháp, xứ Nghệ An có nhiều bông sen và cả tên làng được đặt là Sen. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được sinh ra và tuổi trẻ gắn liền với Làng Sen xứ Nghệ. Cụ vào Huế, đến Bình Định, vào Nam và đi nhiều nơi, cuối đời Cụ về sống và qua đời tại Đồng Tháp. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà cũng là lẽ tất nhiên, Cụ ra đời từ Làng Sen và qua đời, an nghỉ cuối cùng tại Đất Sen hồng.
Trước khi đi tập kết ra Bắc, Tiểu đoàn 311 và Nhân dân Cao Lãnh đã xây dựng ngôi mộ Cụ. Tưởng nhớ công ơn Cụ, vượt qua cấm cản của thực dân Pháp và chế độ Sài Gòn, Nhân dân Cao Lãnh đã bền bĩ, mưu trí, dũng cảm đấu tranh công khai và cả bí mật để bảo vệ an toàn ngôi mộ Cụ.
Liền sau ngày miền Nam và tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và quân dân Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) đã lấy ý kiến rộng rãi nhiều người về công trình kiến trúc Khu mộ Cụ do kiến trúc sư Đinh Khắc Giao sáng tác. Và tuy tỉnh còn nghèo, thiếu thốn vật tư, ngày 22/8/1975, tỉnh làm lễ động thổ khởi công xây dựng công trình Khu mộ Cụ. Trong đó có 2 hạng mục gắn với bông sen.
- Vòm mộ Cụ. Thay vì là ngôi nhà mồ khá phổ biến, vòm mộ Cụ được thể hiện bằng biểu trưng một cánh bông sen cách điệu, vừa nói lên bàn tay Nhân dân Đồng Tháp, đồng bằng sông Cửu Long bảo vệ, chở che ngôi mộ Cụ. Khách tỉnh nhà, trong nước, ngoài nước đến viếng mộ Cụ, bước vào vòm mộ cảm thấy sáng sủa, gần gũi, thoáng đãng, linh thiêng, thắp nén nhang, cúi đầu tưởng niệm Cụ.
Trước ngôi mộ Cụ là một hồ sao năm cánh, tượng trưng lá cờ Tổ quốc, đứng thẳng sừng sững giữa hồ là một đóa sen trắng cách điệu, thể hiện con người Cụ thanh bạch, trong trắng, cao đẹp như đóa sen đứng giữa lòng Tổ quốc Việt Nam.
- Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Cũng do kiến trúc sư Đinh Khắc Giao thể hiện. Cũng lấy ý tưởng bông sen. Hồ sen nằm ở giữa như nhụy sen, sáu cánh sen tỏa ra hai bên là nơi đặt những dãy mộ, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các liệt sĩ, các anh hùng liệt sĩ. Sừng sững vươn lên trời xanh trên lễ đài là hai cánh sen chớm nở, đồng thời là hai lá cờ Đảng và lá cờ Tổ quốc, ôm ấp ở giữa là thanh đá cao có mười tám vạch biểu hiện mười tám đời Vua Hùng và tấm băng tang vòng ngang mang dòng chữ: “Tổ quốc ghi công”. Cả nước, không có nghĩa trang liệt sĩ nào có biểu trưng độc đáo thể hiện hình tượng bông sen như Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp.
Trong những ngày tháng năm kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, giải phóng tỉnh nhà và kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác, những mong Ban Tổ chức Lễ hội Sen nhớ đến 2 công trình văn hóa tưởng niệm mang dáng dấp bông sen nầy vào danh mục, chương trình hoạt động, đưa khách tham dự Lễ hội đến tham quan, tìm hiểu giá trị và tưởng niệm người xưa đang mãi mãi sống giữa đời nay và ngàn sau...
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/thi-truong/le-hoi-sen-nghi-den-2-cong-trinh-sen-122189.aspx