Lễ hội 'Thái bình xướng ca' đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 28/4, chính quyền và cộng đồng cư dân xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định) tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội 'Thái bình xướng ca', một lễ hội giàu giá trị lịch sử, văn hóa, được duy trì suốt hơn 700 năm qua.
Lễ hội “Thái bình xướng ca” (còn gọi là Lễ hội làng Gạo, Lễ hội làng Quả Linh) được tổ chức 3 năm một lần vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, từ 9/3 đến 11/3 âm lịch ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản.
Việc mở hội mang ý nghĩa ca hát mừng chiến thắng giặc ngoại xâm, mừng đất nước thái bình của nhân dân làng Gạo (nơi từng là kho lương, vận chuyển lương thực cho quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông xâm lược vào thế kỷ XIII).
Tại lễ hội, có nhiều nghi lễ truyền thống như rước kiệu Thánh, rước nhang án 18 vị tổ dòng họ; tế nam quan, tế cáo, tế bán dạ; các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc, gắn liền không gian sông nước như đua thuyền tải lương, thi dệt vải, chơi cờ tướng trên hồ, hát trống quân, tổ tôm điếm, đấu vật, đánh đu, hát chèo…
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản nhấn mạnh, việc Lễ hội “Thái bình xướng ca” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Đây cũng là cơ sở pháp lý, khoa học, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, đồng chí đề nghị, Đảng bộ và nhân dân xã Thành Lợi, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vụ Bản phối hợp xây dựng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; cùng các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi một số hoạt động trong lễ hội xưa.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tiếp tục bảo vệ, giữ gìn không gian tổ chức lễ hội; đề xuất những giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy, gắn bảo tồn di sản với phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của nhân dân và các nghệ nhân trong việc bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, dân tộc.