Lễ hội thể thao truyền thống: Rộn ràng nhịp xuân

Mỗi dịp Tết đến, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống và trò chơi dân gian, tạo nên bức tranh ngày xuân đặc sắc, ấn tượng. Những hoạt động này đã đem đến không khí sôi nổi, vui tươi trong ngày Tết, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân; góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc.

Lễ hội cướp cù đầu xuân

 Lễ hội cướp cù đầu xuân ở làng An Mỹ -Ảnh: MĐ

Lễ hội cướp cù đầu xuân ở làng An Mỹ -Ảnh: MĐ

Lễ hội này được tổ chức ở làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh - được xem là một trong những lễ hội truyền thống ấn tượng trong Tết Nguyên đán. Ông Mai Văn Lành, Trưởng làng An Mỹ cho biết: “Cướp cù là lễ hội truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, là một nét đẹp văn hóa của người dân làng An Mỹ. Lễ hội cướp cù được tổ chức thường niên vào ngày mùng 4 tháng Giêng với mục đích cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn khấm khá…; thắt chặt tình làng nghĩa xóm; đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho Nhân dân trong, ngoài tỉnh đến tham gia lễ hội”. Dân làng An Mỹ luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cha ông để lại bằng việc duy trì và tổ chức phần lễ trang trọng, đến việc tổ chức hội cù diễn ra hấp dẫn vào ngày mùng 4 tháng Giêng. Trong hội thi cướp cù, sau phần lễ, các bô lão, chức sắc trong làng ra sân tung cù lên không trung cho những người tham gia cướp cù tranh tài, đưa cù vào 2 chiếc rọ tre treo trên cao, được đặt ở 2 phía đối diện nhau. Theo thể lệ, mỗi trận đấu thường kéo dài ba hiệp, một hiệp khoảng 30 phút. Mỗi đội chơi đại diện cho một xóm; đội nào đưa cù vào rọ đối phương là đội chiến thắng và trận đấu kết thúc. Theo quan niệm, những người ném cù vào rọ sẽ gặp nhiều may mắn, thành công trong cuộc sống. Đối với dân làng An Mỹ, thành công từ lễ hội cướp cù đầu xuân tiếp thêm nguồn động lực để dân làng thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.

Trò chơi đi cầu ngô

 Trò chơi dân gian đi cầu ngô tạo không khí vui tươi cho Nhân dân trong ngày Tết -Ảnh: MĐ

Trò chơi dân gian đi cầu ngô tạo không khí vui tươi cho Nhân dân trong ngày Tết -Ảnh: MĐ

Đến hẹn lại lên, vào ngày mùng 4 tháng Giêng, làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà lại tổ chức nhiều trò chơi dân gian, trong đó nổi bật là môn đi cầu ngô. Đi cầu ngô là môn thể thao khá thú vị được nhiều người quan tâm nhất và cũng là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của dân làng Nghĩa An. Đến nay vẫn chưa xác định thời gian cụ thể là trò chơi dân gian độc đáo này có từ thời điểm nào, chỉ ước có từ khoảng vài trăm năm trước. Điều đáng ghi nhận là dân làng đã giữ gìn và tổ chức thường xuyên trò chơi dân gian này trong những ngày Tết đến, xuân về gắn với hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân. “Từ cầu ngô không biết có từ bao giờ và đến nay cũng chưa có lời giải thích. Chiếc cầu bằng thân cây cau đóng chặt một đầu từ bờ hướng ra giữa dòng sông Hiếu khá chênh vênh, không có trụ đỡ ở giữa, tận cùng đầu thân cau hướng giữa bờ sông có treo lá cờ nhỏ, màu đỏ, hình tam giác. Người tham gia trò chơi này có thể là nam hoặc nữ, không phân biệt già hay trẻ nhưng yêu cầu phải biết bơi, đi trên chiếc cầu bấp bênh từ đầu thân cau được cột chặt cố định ra cuối thân cau có treo lá cờ. Người nào vượt qua được thử thách đó đến cuối thân cau nhận lá cờ xong là trở thành người thắng cuộc”, ông Hồ Sỹ Điểm - một người dân làng Nghĩa An cho hay. Điểm hấp dẫn là một người chơi có thể tham gia chơi nhiều lần. Người chơi phải tập trung cao độ để không bị rơi xuống nước. Trò chơi dân gian này thu hút hàng ngàn người dân khắp nơi đến xem, cổ vũ nhiệt tình cho những người chơi. Trò chơi này mang đến cho người xem nhiều cảm xúc, nhất là cảm giác hồi hộp, thót tim trong những lần thấy người chơi đi không vững trên thân cau, rồi tiếc nuối khi người chơi rơi xuống sông và cùng reo hò chúc mừng người chiến thắng khi lấy được cờ... Tất cả tạo nên một không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày Tết.

Hội vật truyền thống

Vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm, làng Trung An (Hải Khê, Hải Lăng) rộn ràng tổ chức lễ cầu mùa và hội vật có truyền thống khoảng 500 năm.

 Hội vật truyền thống đầu năm ở làng Trung An thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tranh tài -Ảnh: MĐ

Hội vật truyền thống đầu năm ở làng Trung An thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tranh tài -Ảnh: MĐ

Từ sáng sớm, làng Trung An tổ chức lễ tế giang sơn, cúng tại miếu cá ông, tế thập loại cô hồn ngoài biển, nghinh thần biển, tế cúng miếu âm hồn làng... và tổ chức hội vật. Về hội vật, theo thể lệ, đấu vật dành riêng cho nhiều lứa tuổi và dành cho cả người ngoài làng có sức khỏe thì đăng ký tham gia. Trong thi đấu, 1 đô vật có 4 trận thắng liên tiếp được vào vòng chung kết. Sau khi chọn được 4 đô vật xuất sắc vào vòng chung kết sẽ bốc thăm để chọn ra 2 cặp đấu tiếp tục tranh tài ở vòng bán kết, chung kết để chọn ra người vô địch.

Lễ hội cầu ngư và hội vật được tổ chức thành công, trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, tạo sự gắn kết cộng đồng, qua đó giúp người dân làng Trung An tin tưởng vào một năm mới ấm no, hạnh phúc, diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155416