Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023: Khúc khải hoàn của di sản công nghiệp
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã diễn ra thành công rực rỡ. Thành công ấy không chỉ dừng lại ở những con số, mà còn giúp lan tỏa giá trị của di sản công nghiệp giữa lòng đô thị và tiềm năng của sáng tạo trên nền di sản văn hóa.
Khơi nguồn sức sáng tạo giữa lòng Thủ đô
Được đồng tổ chức từ 17-28/11 bởi Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 lấy chủ đề “Dòng chảy” với 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo.
Sự kiện hướng tới chiến lược đưa các sáng kiến thúc đẩy sự sáng tạo vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và tập trung vào một vấn đề đang thu hút quan tâm dư luận: di sản công nghiệp.
Thông qua các sự kiện và hoạt động, Lễ hội mong muốn tạo ra không khí thú vị và tích cực, hướng dẫn cộng đồng tìm kiếm giải pháp sáng tạo. Sự kiện này bao gồm các triển lãm, biểu diễn nghệ thuật - thời trang, các buổi tọa đàm và hội thảo phát triển văn hóa. Các địa điểm chính bao gồm Bốt nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Hà Nội, Ga Long Biên...
Một số sự kiện khác diễn ra tại các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Hoài Đức… Tất cả các hoạt động Lễ hội đều miễn phí.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động “Tuyến Tàu: Hành trình di sản” với hai mã tàu LH3 và LH5 khởi hành liên tục từ 18-26/11, thu hút đông đảo sự chú ý và tham gia của cư dân Thủ đô với giá vé 20.000 đồng/chiều.
Bạn Huỳnh Nguyễn Mai Phương, khách tham quan tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hào hứng chia sẻ về trải nghiệm tại nhà máy: “Lễ hội rất đa dạng, đẹp và đông vui. Bên cạnh đó cũng có nhiều tác phẩm nghệ thuật sáng tạo. Mình ấn tượng nhất với tác phẩm bông sen làm từ sợi chuối và tranh vẽ trên vải trong triển lãm “Tiếng gọi” của nghệ sĩ Thu Trần. Chúng rất mới lạ và đặc biệt!”. Mai Phương cho hay, sự kiện tạo ra nền tảng gặp gỡ, trao đổi ý tưởng và xây dựng mối quan hệ mới trong cộng đồng sáng tạo.
Điều đặc biệt khác của Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay là quy mô và đối tượng. Sau 3 mùa tổ chức, Lễ hội năm 2023 có quy mô lớn nhất với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm.
Không chỉ vậy, đối tượng mà Lễ hội hướng đến cũng được mở rộng. Theo Trưởng điều phối tình nguyện viên hỗ trợ Lễ hội Nguyễn Hưng Hòa, điểm khác biệt của Lễ hội năm 2023 so với những năm trước là dấu ấn trong giá trị kết nối cộng đồng: “Những khán giả, những đối tượng tham gia lễ hội không chỉ là người yêu thích nghệ thuật, yêu thích thiết kế và sáng tạo mà là tất cả cộng đồng. Đó cũng là lý do vì sao chuỗi hoạt động diễn ra tại Lễ hội năm nay có tới hơn 50% là các hoạt động miễn phí và hướng tới cộng đồng”.
Để những di sản công nghiệp chung nhịp thở với sinh quyển đương thời
Theo định nghĩa của Ủy ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp (TICCIH): Di sản công nghiệp là những giá trị của nền “văn minh công nghiệp” nhân loại, bao gồm giá trị lịch sử, khoa học, kỹ thuật, xã hội, kiến trúc, quy hoạch... và những giá trị khác, cần được xác nhận và bảo tồn cho thế hệ tương lai.
Di sản công nghiệp không chỉ bao gồm các vật thể (có giá trị) còn lại mà hàm chứa cả các tầng ý nghĩa, tính biểu tượng, câu chuyện, ký ức, các sự kiện có tính bước ngoặt trong phát triển - là các giá trị phi vật thể gắn với tiến trình lịch sử công nghiệp hóa của loài người. Trong số những hoạt động tại Lễ hội, để lại ấn tượng sâu sắc nhất là chính hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, còn được gọi là Xưởng Gia Lâm hay Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm, là di sản lịch sử quan trọng của Việt Nam, vốn liên quan sâu sắc đến lịch sử đường sắt và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển hệ thống đường sắt ở Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Không chỉ đóng vai trò trong ngành đường sắt, Nhà máy còn góp phần vào sự chuyển dịch văn hóa và tư tưởng của người Việt; tạo điều kiện cho sự trao đổi văn hóa và tư tưởng thông qua làm việc với người lao động từ khắp nơi và các mạng lưới đại lý rộng lớn.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đang đối diện với nguy cơ di dời khỏi địa điểm hiện tại để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Nhằm bảo tồn và tôn vinh di sản lịch sử của cơ sở đường sắt này, Lễ hội đã kể lại câu chuyện về Nhà máy ngay tại nơi đây.
Các pavilion và triển lãm kiến trúc tại nhà máy vừa là công trình nghệ thuật mang tính biểu tượng của Lễ hội, vừa đem tới thông điệp “Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp”, biến các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.
Không gian thô sơ, ám bụi thời gian tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm như được khoác lên lớp áo mới bởi những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ, tiêu biểu là triển lãm “Thủy Phủ” của họa sĩ Trịnh Minh Tiến, không gian Kiến trúc “Bến Chờ” của kiến trúc sư Lê Quang Thạch, triển lãm tương tác Graffiti “King Royal Pride”, triển lãm sắp đặt nghệ thuật “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần... cùng các hoạt động tương tác cùng người tham gia như Hội chợ thủ công - nghệ thuật: Makers Market - The Dots, không gian triển lãm Ý tưởng Cộng đồng... và đặc biệt là Góc “Ký ức đầu máy xe lửa hơi nước” nhằm tri ân tới đầu máy xe lửa đầu tiên được sản xuất tại Nhà máy.
Mục tiêu của ban tổ chức Lễ hội là biến nhà máy xe lửa Gia Lâm thành điểm đến độc đáo về sáng tạo, thiết kế và nghệ thuật. Không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ trở thành di sản đương đại với công năng mới, thành “Ngôi nhà ký ức” - nơi lưu giữ hình ảnh, kỷ vật của quận Long Biên, của thành phố Hà Nội. Tuyến trải nghiệm của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 nhấn mạnh vào trục ngang của thành phố, kết nối các điểm nhấn hai bên bờ sông Hồng bằng cây cầu Long Biên lịch sử.
Việc chuyển đổi di sản công nghiệp là thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội khai phá tiềm năng kinh tế mới. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là cơ hội thí điểm mô hình trải nghiệm văn hóa sáng tạo để phát huy giá trị di sản công nghiệp.
Trong hơn 2 tuần diễn ra sự kiện, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành tiền đề cho việc đưa di sản công nghiệp thành điểm nhấn du lịch độc đáo của thành phố, mang đến cho cộng đồng nhiều hoạt động và trải nghiệm khác nhau.
Sự “hồi sinh” của các không gian di sản như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hay Bốt nước Hàng Đậu không chỉ là tín hiệu đáng mừng với cộng đồng khi được tiếp cận với một phần dòng chảy của sự phát triển đô thị, mà còn đem tới tiềm năng phát triển những di sản tương tự và truyền cảm hứng cho các dự án nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật.
Những sự kiện như Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 sẽ mở ra cơ hội “khải hoàn” cho các di sản công nghiệp trên cả nước, để mạch nguồn lịch sử còn chạy mãi theo thời gian, và để “đô thị có chiều dài mà không phải là một đô thị non trẻ với những công trình xây mới, không có ký ức” như lời Kiến trúc sư Vương Hoàng Long, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói.