Lễ hội Tống Ôn – nét văn hóa độc đáo của miền sông nước Cửu Long
Lễ hội Tống Phong hay còn gọi là Tống Ôn là một lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm giá trị văn hóa tâm linh có từ lâu đời của người dân miền sông nước Tây Nam Bộ.
Lễ hội mang ý nghĩa “tống khứ” tà ma, dịch bệnh, xui rủi, hoạn nạn của năm cũ, cầu chúc một năm mới ăn nên làm ra, mọi sự thuận hòa, thịnh vượng.
Từ thuở khai hoang lập ấp, vùng đất Nam Bộ còn rất hoang sơ, đầm lầy, môi trường khắc nghiệt, phát sinh nhiều dịch bệnh gây hại cho con người. Người Nam Bộ xưa tin rằng dịch bệnh là do ma quỷ, người âm làm ra. Thấy vậy, người dân mới tổ chức lễ hội Tống Ôn cầu mong gia đình, làng xóm được bình an.
Tống Ôn nghĩa là tống tiễn, xua đuổi những ôn dịch, tà khí gây dịch bệnh, gây hại cho con người. Lễ hội này đã trở thành chỗ dựa tâm linh của người dân. Họ tin tưởng rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, có cúng kiếng sẽ tống khứ đi hết những điều xui rủi và được bình an.
Trước đây lễ hội được tổ chức ở nhiều nơi. Tuy nhiên hiện nay chỉ phổ biến ở một số địa phương như: Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long... Còn về thời gian thì thường được tổ chức vào tháng Giêng và tổ chức ở các đền, miếu.
Tại TP Cần Thơ, hằng năm từ ngày 12-14 tháng Giêng, nhiều ngôi miếu trên địa bàn TP Cần Thơ tổ chức lễ hội Tống Phong – Tống Ôn. Một trong những nơi tổ chức quy mô nhất là Miếu Bà Xóm Chài (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Lễ hội thu hút hàng trăm ghe, tàu, thuyền lớn nhỏ đi sau tàu chở bè tống ôn di chuyển quanh khu vực sông Cần Thơ diễu hành hơn 2 giờ rồi mới di chuyển ra giữa sông Hậu làm lễ hạ bè tống ôn.
Ông Trần Văn Lộc, Trưởng Ban Tế tự Miếu Bà xóm Chài cho biết, lễ hội này đã có từ lâu đời và trở thành truyền thống của Miếu Bà xóm Chài. Lễ hội này đã tồn tại hơn 120 năm. Đây là lễ hội của những người làm nghề “bà cậu”, chài lưới, với mong muốn “tống tiễn” đi hết những điều không may mắn trong một năm qua, cầu cho một năm mới thuận buồm xuôi gió, vạn sự hanh thông.
Sở dĩ lễ hội này được tổ chức quy mô và đều đặn ở xóm Chài là vì nơi đây có nhiều người mưu sinh bằng nghề chài lưới. Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, “Xóm Chài là một khu xóm chuyên làm nghề chài lưới từ cả trăm năm trước. Vào những năm 50 của thế kỷ XX, xóm Chài vẫn còn nghề đánh bắt cá cháy, một loại cá đặc sản quý của vùng sông nước Hậu Giang”. Bên cạnh nghề chài lưới, cư dân ở khu vực này còn sống bằng nghề liên quan đến sông nước: giăng câu, thả lưới, thợ lặn…
Nghi thức của lễ hội gồm có: Lễ Cầu an, cúng Bà, cúng Thổ thần và người khuất mặt, thả bè ra sông lớn để xua đuổi tà ma và cầu an cho xóm làng.
Người dân thực hiện nghi lễ cúng kiếng và rắc muối, gạo, rượu vào lửa với ý nghĩa xua tà khí.
Theo ông Lộc, phần lễ chính “Tống ôn” chính thức diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng. Còn ngày 12-13 tháng Giêng thì người dân Xóm Chài tụ tập mổ heo cúng Bà. Thanh niên trai tráng trong vùng thì góp sức để tạo nên con tàu chuẩn bị cho lễ Tống ôn. Tàu thường được làm bằng khung tre, dán giấy.
Sau khi phần hình hoàn thành, các cụ lớn tuổi trong xóm cắt chữ, vẽ thêm mắt, kết cờ lệnh đặt trước sân Miếu Bà. Đến ngày 14, khoảng giờ Ngọ (11h – 13h), một đoàn người trong miếu thực hiện phần “nghênh”, đi đến các gia đình trong khu vực để thu nhận lễ vật. Song song đó, chủ nhà cũng đặt một bếp lửa nóng và bỏ muối hột vào tạo nên những tiếng nổ lách tách.
“Những tiếng nổ này có ý nghĩa gia chủ tống những xui xẻo, ôn dịch đi chỗ khác, để cầu cho năm sau làm ăn thuận lợi. Khi đoàn đi hết các gia đình thì đem về đặt vào tàu Tống ôn để thực hiện nghi thức lễ chính”, ông Lộc nói.
Ông Lộc còn cho biết, khoảng 14h, Ban tổ chức đưa tàu “Tống Ôn” lên tàu lớn và bắt đầu diễu hành trên sông. Sau đó, đoàn tàu di chuyển ra giữa sông Hậu rồi làm lễ hạ thủy Tống ôn. Khi hoàn thành, người dân múc nước sông rửa tàu, tạt vào nhau (gọi là té nước đầu năm) như để cầu may trong năm mới, nhiều thanh niên còn “chơi lớn” nhảy xuống sông tắm để tăng phần đông vui và huyên náo.
Lúc này, dưới sông hàng trăm chiếc thuyền ghe tấp nập, nhiều ghe “chơi trội” còn thuê hẳn lân, trống để múa góp vui khiến không khí lễ hội càng sôi động, rộn ràng. Trên bờ, người dân vừa cúng lạy vừa rắc muối, gạo, rượu vào lửa với ý nghĩa xua đuổi xui rủi, tà khí.
“Lễ cúng này nếu không có phần đi Tống gió, không có tàu Tống gió thì cũng như không có cúng. Về quy mô, nếu ở Cần Thơ, thì lễ tống này là lớn nhất. Đoàn tàu, bè, thương buôn trên thành phố khi đi xa đều nhớ ngày này để trở về tham gia”, ông Lộc giải thích.
Theo người dân địa phương, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên không tổ chức được nghi thức “Tống ôn” vì sợ tập trung đông người. Đến năm Nhầm Dần 2022, do dịch bệnh được kịp soát, Lễ Cầu an được tổ chức đầy đủ nghi thức nên bà con rất vui mừng, bà con tập trung tại Miếu Bà Xóm Chài rất đông.
Tuy nhiên, so với những năm trước số lượng tàu ghe theo đón lễ cũng giảm hơn nhiều. Lễ hội năm nay, mọi người cũng mong được sớm đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19 để người dân yên tâm, trở lại cuộc sống bình thường.