Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sáng 27/9, huyện Vĩnh Tường tổ chức lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng. Tới dự, có các đồng chí: Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL; Ngô Chí Tuệ, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường.
Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng là một chuỗi các hoạt động văn hóa của cộng đồng cư dân làng Bích Đại và Đồng Vệ xưa (nay là xã Đại Đồng) trong chu kỳ 1 năm. Lễ hội được tổ chức trên quy mô cấp xã, trung tâm là không gian các di tích như đình Bích Đại, miếu Đồng Vệ, đình Đồng Vệ - nơi diễn ra hoạt động chính, chủ yếu của lễ hội.
Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được thực hiện từ xa xưa và duy trì qua các thế hệ, nhằm củng cố tinh thần đại đoàn kết cộng đồng và tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng Bán Thiên Đại Vương Đinh Thiên Tích.
Theo truyền thuyết, ngài là vị tướng tài thời Hùng Vương thứ 6 đã có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược, dạy dân trăm nghề. Đến nay, trải qua những thăng trầm và biến thiên lịch sử, Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng vẫn duy trì 3 hội lệ truyền thống được tổ chức định kỳ là Lễ hội “trâu rơm bò rạ” (ngày 4 tháng Giêng), Lễ hội rước kiệu ngày tiệc sinh Thánh (ngày 20 tháng Giêng), Lễ hội Tiệc mừng công - Lễ rước kiệu (tháng 9 âm lịch).
Với giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân gian... Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1735.
Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của nhân dân xã Đại Đồng, mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung cũng như của huyện Vĩnh Tường trong những năm tới.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đại Đồng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh triển khai tổ chức thực hiện tốt các biện pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đối với di sản văn hóa đã được xếp hạng một cách khoa học.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của di tích, di sản; xây dựng kế hoạch khai thác những giá trị của lễ hội với việc đẩy mạnh quảng bá giới thiệu để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển lĩnh vực kinh tế du lịch…