Lễ khai bút đầu xuân tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Lễ khai bút xuân Ất Tỵ năm 2025 tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An nhằm gìn giữ một phong tục đẹp, tôn vinh truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt.

Ngày 5/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã diễn ra Lễ khai bút đầu xuân Ất Tỵ 2025.

Lễ khai bút thu hút đông đảo nhân dân địa phương và đoàn đại biểu huyện Thanh Trì (Hà Nội) - quê hương thầy giáo Chu Văn An và đại biểu một số tỉnh, thành phố tham dự.

 Nghi thức dâng hương tri ân thầy giáo, danh nhân Chu Văn An. Ảnh: Báo Hải Dương

Nghi thức dâng hương tri ân thầy giáo, danh nhân Chu Văn An. Ảnh: Báo Hải Dương

Mở đầu lễ khai bút là nghi thức dâng hương tri ân danh nhân Chu Văn An. Văn tế và nghi thức dâng hương do các cụ cao tuổi trong đội tế của địa phương thực hiện.

Trong diễn văn tại lễ khai bút, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Chủ tịch UBND TP Chí Linh nhấn mạnh, khai bút là phong tục tốt đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về.

Khai bút là "khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp". Khai bút đầu xuân không chỉ biểu trưng cho sự hiếu học mà còn là cách thu hút lộc tài trong học hành thi cử, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo. Việc đặt nét bút đầu tiên của năm mới vào ngày đại cát là việc quan trọng, tượng trưng cho khởi đầu của một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm.

Trải qua bao đời, phong tục khai bút đầu xuân được các thế hệ người Việt trân trọng, gìn giữ phát huy và trở thành giá trị di sản văn hóa phi vật thể có sức lan tỏa trường tồn.

Sau nghi thức nổi trống khai bút của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, đại diện Câu lạc bộ thư pháp tỉnh Hải Dương lên lễ đài trình diễn khai bút Hán văn với 4 chữ "Hưng, Vượng, Phát, Đạt".

Tiếp đó, các đại biểu khai bút 10 chữ quốc ngữ: “Nhân thuận bách niên, phúc gia hòa, vạn sự hưng” (nhân dân thuận theo một lòng, nhà nhà hưởng phúc, vạn sự đều hưng vượng). Các chữ viết khi khai bút được dâng trình lên thầy Chu Văn An trong đền.

 Các em học sinh hào hứng nhận những bức thư pháp. Ảnh: Báo Hải Dương

Các em học sinh hào hứng nhận những bức thư pháp. Ảnh: Báo Hải Dương

Trong chương trình lễ khai bút còn hoạt động giao lưu, trình diễn kỹ năng viết thư pháp với sự tham gia của 5 nghệ nhân thư pháp thuộc Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Hải Dương.

Thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) sinh ra tại làng Quang Liệt (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Chu Văn An nổi tiếng với kiến thức sâu rộng và tấm lòng trong sạch, thẳng ngay, đạo đức thanh cao, được mọi người kính phục, nể trọng. Ông được cho là người có công lớn trong việc quảng bá, hình thành đạo đức, tư tưởng Khổng giáo mang bản sắc Việt Nam.

Đến đời vua Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, Chu Văn An dâng sớ xin chém bảy tên gian thần, nhưng vua không nghe nên ông trả áo mũ, treo ấn, từ quan.

Về với núi Phượng Hoàng (Chí Linh), thầy Chu Văn An đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, học đi đôi với hành. Quan điểm của ông có giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với quan điểm giáo dục của UNESCO ngày nay. Với công lao to lớn và đóng góp cho nền văn hóa, giáo dục nước nhà, ông được hậu thế tôn vinh là "Người thầy của muôn đời".

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-khai-but-dau-xuan-tai-den-tho-thay-giao-chu-van-an-post333166.html