Chén trà ngày tết

Thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất, tết đã tới. Tôi lui về cái thú của tôi. Thú uống trà. Được ngồi bên bàn trà trong những ngày đầu năm là thú nhất. Chìm vào nó, quả là ta cũng quên đi được những điều chẳng nên nhớ, và, nhớ những điều không thể quên. Thôi thì ngày xuân thong thả, cũng xin được thư thái dăm dòng.

Trình diễn nghệ thuật pha trà. Ảnh minh họa

Trình diễn nghệ thuật pha trà. Ảnh minh họa

Ừ thì trà đích thực là một nghệ thuật ẩm thực tinh tế. Ẩm thực mà có cả kinh, lễ, đạo thì quả là thứ ẩm thực số một, trong nghệ thuật ẩm thực của loài người.

Xem lại sách xưa thì thấy, trước khi việc uống trà được nâng lên thành nghệ thuật thưởng thức, thành kinh, thành lễ, thành đạo thì người và trà đã từng có mối quan hệ khác. Nào, ta cùng nhìn lại mối quan hệ này cho trước sau được vẹn tròn. Sách có kể rằng trên bốn ngàn năm trước, một số các dân tộc ở phương Đông đã biết hái lá trà trong dã trà (rừng trà) đem nấu với nước để làm thuốc trị bệnh. Vậy là ngay từ thuở ban sơ, trà đã giúp con người giảm bớt những khổ đau vì bệnh tật. Sách xưa từng có câu:

Bán dạ tam bôi tưủBình minh sổ trản tràNhật nhật cứ như thửLương y bất đáo gia.

Trà trị bệnh cho người thì rõ rồi. Trà còn là loài cây nghĩa tình có một không hai, nó gắn bó với con người, cả khi người ta đã từ giã cõi đời. Sách viết: “Người xưa đã biết tận dụng những đặc tính của trà để ướp xác”. Những lá trà như thế đã hòa quyện cùng xương thịt con người mà nát rữa, trở về với mẹ đất. Đấy là minh chứng thuyết phục, cảm động về tình nghĩa sâu nặng giữa người và trà.

Rồi trà được chọn lọc, chế biến thành thức uống giải khát. Như vậy trà là thứ uống giải khát có lịch sử lâu đời nhất, so với các thứ nước giải khát của loài người.

Khi đã được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực, cách dùng trà của con người phong phú biết bao. Trà đã trở thành một thú tiêu khiển thanh lịch.

Mỗi thời, có mỗi cách thưởng thức trà khác nhau. Nhưng cái độ sâu xa tinh tế của thứ nghệ thuật ẩm thực này thì không thể biến đổi. Đó là chuẩn mực của một nghệ thuật đích thực, nếu khác đi, sẽ chẳng còn là thứ nghệ thuật tinh tế có một không hai nữa. Nghệ thuật uống trà sẽ thăng hoa đến tột đỉnh, khi người ta cảm nhận sự tự tại vô ngần trong những giây phút thảnh thơi tĩnh lặng, người và chén trà đã nhập với nhau làm một.

Trước hết ta nên bàn tới không gian phòng trà. Kể thì cái không gian ấy đa dạng lắm, nó ảnh hưởng về mặt tinh thần của người uống trà. Nhưng, tựu trung nơi uống trà cần có vị thế yên tĩnh, có không khí trong lành, có không gian hài hòa. Từ cái không gian đó, thời gian của buổi uống trà sẽ lặng lẽ, chậm trôi trong thời trà. Cảm giác sẽ thanh thản khi được nhấm nháp vị ngon của trà. Lúc đó phong thái sẽ được thảnh thơi, tâm hồn lắng đọng, tĩnh tại mà thưởng thức. Tất cả sẽ tạo nên sự lãng mạn thanh cao, trong thời điểm giao bôi giữa tâm hồn người uống trà và chén trà. Vì thế người xưa mới có sự phân biệt giữa người uống trà (ẩn sĩ) và người uống rượu (hào sĩ). Người xưa còn phán: “Uống rượu làm thơ - Làm văn uống trà”. Tôi cứ suy nghĩ mãi, câu phán này đúng được bao nhiêu phần với những kẻ bị đọa đày trong nghiệp văn chương? Nhưng, thú vị!

Gốc gác trà là thứ nước giải khát mang tính cùng khắp, đại chúng, dù có được nâng thành nghệ thuật thì phần gắn gít kia vẫn sẽ còn mãi cho đa số người. Trà Kinh, trà Đạo, trà Lễ trong mỗi hình thái xã hội thì dành cho tầng lớp nào? Tôi phân vân! Sách xưa thì viết: “Nó sẽ làm hết thảy những trà nhân đều trở thành quý tộc khi thưởng thức”. Làm thế nào để trở thành trà nhân? Tôi tin rằng đa số dân lao động, những người lo kiếm cơm xa lạ với danh từ này. Họ chỉ gần gũi với tính cùng khắp của trà. Phải chăng, phong cách uống của các cụ nho nhã xưa mới đích thực là những trà nhân?

Vì mang tính cùng khắp, thứ nước giải khát này hiện diện khắp nơi. Trà trong gia đình, trà nơi đình đám… trà len cả vào các chiếu ca trù, rồi, theo thời gian, các chiếu ca trù đích thực tuột dần thành các tụ điểm cô đầu con hát, vẫn có trà. Nhưng may thay, người thời đó bao giờ cũng gọi đúng tên cái nơi diễn ra những hoạt động ấy. Nó không bao giờ là phòng trà.

Bây giờ thì ta bàn một chút đến trà cụ. Các cụ ta xưa thường ngồi uống trà trên sập gụ, trên những chiếc phản lim chân quỳ. Thư pháp treo tường viết theo thể chính, thể thảo… trong Hán tự. Thời nay bàn trà phổ biến có lẽ là những gốc xá xị, gốc dổi, gốc mít… được đẽo gọt cầu kỳ. Nơi ngồi uống của trà nhân thường là những tấm nệm nhồi bông hình tròn, hoặc hình chữ nhật. Thư pháp là những bài thơ chữ quốc ngữ lồng khung kính. Kể thế thì cũng nho nhã lắm! Đồ trà phải là đồ gốm. Cái khả năng giữ nhiệt của đồ gốm đặc biệt lắm. Người sành trà xưa nay không bao giờ chấp nhận những vật liệu khác. Nước pha trà tốt nhất là nước rỉ ra từ khe núi (thạch nhũ). Nó không chỉ đảm bảo chất vị và yếu tố tinh khiết riêng cho chất lượng chén trà, mà còn chỉ cho sự tĩnh lặng. Kế đến là nước sông, sau cùng là nước giếng. (Sơn thủy thương, giang thủy trung, tĩnh thủy hạ). Nhiệt độ của nước cũng quyết định chất lượng chén trà. Nước sôi non thì trà không ngấm. Sôi già “ngư nhãn” (có những hạt nước to như mắt cá tràn trên mặt siêu) thì trà bị nồng. Nước vừa đủ độ để pha trà là nước “giải nhân”. (Từ đáy siêu, có những hột bọt nước sủi lăn tăn như mắt cua). Về mầu của ấm chén trà thì đã có câu: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”. Ấm chén trà cũng nhiều kiểu lắm, nào là độc ẩm, song ẩm, quần ẩm… rồi thì chén tống, chén quân… Người sành trà không bao giờ cho bất cứ vật gì vào rửa trong lòng ấm, mà chỉ tráng ấm. Bởi vậy những chiếc ấm đất dùng lâu năm, trong lòng ấm đã tạo được một lớp cao trà rất quý. Chính lớp cao này đã góp phần đáng kể giữ hương vị cho ấm trà. Người sành trà còn cho rằng, nghệ thuật pha trà là một nửa của thú thưởng trà.

Các cụ ta xưa uống trà tinh tế lắm. Tinh tế vậy sao sách viết về trà để lại rất ít? Người Vạn Xuân, người Đại Cồ Việt, người Đại Việt… xưa đã bao giờ có Trà Kinh, Trà Đạo cho dân tộc mình chưa? Hay có, mà bị những kẻ xâm lược như Trương Phụ đốt hết đi rồi? Nếu thế thì đau lắm thay! Tiếc lắm thay và giận lắm thay! Sách xưa có bàn, trước hết là uống trà không nên nhiều người, dễ mất nhã thú. Độc ẩm thì gọi là “u” (vắng vẻ). Hai người uống thì gọi là “thắng” (thích). Ba người uống thì gọi là “thú” (sự hứng thú). Năm sáu người uống thì gọi là “phiếm” (sự phàm tục). Bảy tám người uống thì gọi là “thỉ” (thi nhân bác cử). Theo sách xưa thì điều quan trọng bậc nhất lại nằm ở tâm người uống. (Đây là thứ nghệ thuật dụng tâm bằng tĩnh lặng, để tìm cảnh giới an hòa trong tâm hồn thông qua chén trà). Đấy là sự cảm nhận, khám phá ra cái tất cả ở trong cái một, cái một dung chứa được tất cả, cái này thông qua cái kia, cái kia dung chứa được muôn vàn cái khác. Đấy chính là nguyên lý vận hành tương giao giữa tâm và cảnh. Trong tâm thức người ta khi thì có sự len lỏi của gió xoáy, khi lại phẳng lặng như mặt hồ thu. Những cơn bão thường âm ỉ từ vô thỉ tương tục, nối tiếp đến vô chung mà hiện tại không cần nhen nhóm. Đó là những biểu hiện của lòng yêu thương, thù hận. Của bao dung, độ lượng và hẹp hòi, ích kỷ. Sự đời nơi mỗi phận người là một thiên kinh sống động, chỉ dành riêng cho nó oằn mình mà chiêm nghiệm. Sự tinh tế của trà sẽ giúp con người trở nên lắng đọng và chuẩn mực. Nó hóa giải tính nghiêm hoài trong tấm kịch đời thường, thành tính thuần khiết, bay bổng. Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của cụ Lê Quý Đôn có viết: “Uống chén thứ nhất tự nhiên thấy thân thể mềm trở lại. Chén thứ hai thì bao nhiêu quá khứ hiện về hết. Chén thứ ba có thể thông cảm với các vị tiền bối. Đến chén thứ tư thấy gió thổi lất phất ở hai bên lách”. Mấy ai uống trà đã đạt được đến độ thâm sâu ấy? Đến như độ tinh tế của lão ăn mày khi dùng ấm trà đi xin, mà phát hiện ra trong trà có lẫn mùi vỏ trấu thì quả là “cổ quái!”. Lịch lãm đến như cụ Nguyễn Tuân mà phải quả quyết rằng: “Lão ăn mày này hẳn đã tiêu cả một sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên mới sành thế và đến nỗi phải cầm bị gậy. Chắc những thứ Bạch Mao Hầu và Trảm Mã Trà hắn cũng đã từng uống rồi đấy”.

Xem vậy mới thấy, trong thú uống trà vượt lên hết thảy có lẽ là sự tinh tế thanh lịch.

NGUYỄN KHƯƠNG TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/chen-tra-ngay-tet-986646f/