Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Lễ thức về lịch sử bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ qua
Ngày 16/4 (nhằm 16/3 Âm lịch), Ban khánh tiết đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức trang nghiêm, thành kính Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là lễ nhằm tri ân, tưởng niệm những binh phu năm xưa đã có công ra quần đảo Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và là Lễ thức về lịch sử bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ qua.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phúc, đại diện các tộc họ Làng An Vĩnh phát biểu tri ân các binh phu Hoàng Sa năm xưa, ông nêu bật: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2013; Lễ này đã được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của những binh phu Hoàng Sa năm xưa đã vâng lệnh tiều đình ra Hoàng Sa khai thác sản vật, đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hàng trăm năm trước.
Quang cảnh Lễ tế lính Hoàng Sa
ông Nguyễn Văn Phúc, đại diện các tộc họ Làng An Vĩnh phát biểu tri ân các binh phu Hoàng Sa năm xưa
Trong văn tế tại buổi lễ đã nhắc lại câu ca người dân Lý Sơn lưu truyền từ xưa đến nay: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phúc, đại điện các tộc họ làng An Vĩnh nhắc lại: Hải đội hùng bình Hoàng Sa năm xưa đã vượt biển trên những chiếc tuyền câu nhỏ bảo vệ chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc Việt Nam bằng mồ hôi, xương máu và cả tính mạng của nhiều thế hệ của hai làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ, sau này là 2 phường An Vĩnh và An Hải ở Lý Sơn. Họ thật sự là những anh hùng vô danh, mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Lý Sơn, người dân tỉnh Quảng Ngãi hôm nay và mai sau. Những hình ảnh, công lao to lớn của cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật và những hùng binh trong đội Hoàng Sa năm xưa vẫn còn lưu tại di tích Âm linh tự, Đình làng An Vĩnh và một số dinh miếu thờ khác để các thế hệ người dân Lý Sơn, người dân tỉnh Quảng Ngãi, người dân Việt Nam ngàn đời nhớ đến công lao của họ và phải nhớ rằng: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Đọc văn tế linh Hoàng Sa
Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức không phải chỉ ở đất đảo Lý Sơn, mà còn ở nhiều nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi. Nơi nào có những binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa, thì nơi ấy tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tuy nhiên, tại đảo Lý Sơn, nghi thức lễ này rất đặc biệt và được gìn giữ, tổ chức qua nhiều đời. Cứ vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch, các dòng họ tiền hiền, hậu hiền ở Lý Sơn gia đình nào, tộc họ nào có người đi lính Hoàng Sa thì tộc họ đó đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Các tộc họ làng An Vĩnh tham dự lễ
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết thêm: Đây là một lễ thức văn hóa tín ngưỡng, nhưng không chỉ là để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của người Lý Sơn, mà còn trao truyền giá trị chủ quyền biển, đảo.
Đại biểu huyện dự lễ
TS. Nguyễn Đăng Vũ khẳng định: Lễ thức này hàm chứa về một lịch sử bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ qua. Cùng với các di tích lịch sử - văn hóa, các tài liệu Hán Nôm, những trang lịch sử ghi chép của các triều đại, thì Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một bằng chứng sống động về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; cha ông cắm mốc mở mang, giữ gìn bờ cõi để rồi hôm nay, người Lý Sơn luôn tự hào vì đã góp công sức gìn giữ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa như một mạch nối về chủ quyền biển, đảo từ quá khứ đến hiện tại. Nghi lễ là thông điệp truyền gửi về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trở thành sợi dây trao truyền những kiến thức, về lịch sử biển đảo quý báu cho người dân đất Việt.
Đại diện các tộc họ làng An Vinh tế lễ
Pháp sư thực hiện nghi thức chẩn phát lương thực, thực phẩm cho các ghe bầu tượng trưng chuẩn bị vượt sóng biển ra Hoàng Sa
Thổi Ốc U làm hiệu lệnh rước tuyền và hình nhân thế mạng ra biển hướng về Hoàng Sa
Sau phần tế lễ, một lão ngư thổi tiếng ốc u làm hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển theo con đường mà các bậc tiền nhân hơn 400 năm trước đã chấp nhận những gian khổ và cả hy sinh từ đất đảo Lý Sơn vượt biển thắng tiến ra Hoàng Sa, hướng vàoTrường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Không khí lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh là phần hội trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Ngay sau Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, người dân Lý Sơn và du khách cùng hòa mình trong không khí lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh cầu mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, mùa màng bội thu.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, địa phương có trách nhiệm duy trì việc tổ chức lễ hội này. Đây là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của huyện Lý Sơn. Huyện Lý Sơn tiếp tục duy trì mãi lễ hội này. Mục đích để tưởng nhớ ghi ơn công lao đóng góp của các vị tiền hiền, các vị hùng binh Hoàng Sa, phục vụ du khách đến tham quan tìm hiểu giá trị của các di tích liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông./.