Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt
Xuất phát từ tình yêu, mong muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và làm cho tiếng nói ấy trở nên giàu đẹp hơn, không chỉ là công việc của riêng ai. Với nhà thơ Lê Minh Quốc, ông đã gửi gắm tình cảm nồng nàn ấy thông qua bộ sách "Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt" (NXB Tổng hợp TP HCM - 2021).
Ông khiêm tốn bày tỏ: "Bộ sách này không phải là một công trình lý thuyết nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị…".
Bộ sách này gồm 3 tập: "Chơi chữ chanh chua chan chát chữ" (bàn về ăn, ăn chơi), "Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo" (bàn về ăn nói, cười chơi), "Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm" (bàn về ăn học, ăn ở)... Sở dĩ như thế, vì theo ông, người ta có thể khảo sát văn hóa của một dân tộc thông qua vốn từ họ sử dụng trong giao tiếp thuộc nhiều lãnh vực. Với người Việt, lạ thay, hầu như đều gắn với từ "ăn", như thế đã nói lên điều gì về tính cách người Việt? Đây cũng chính là câu hỏi mà nhà thơ Lê Minh Quốc từng bước trả lời trong bộ sách này.
Nếu không xuất phát từ tình yêu tha thiết muốn tìm hiểu văn hóa Việt qua góc nhìn từ tiếng Việt, trân trọng lời ăn tiếng nói của người Việt thì làm sao ông có thể dành hàng chục năm để thu thập, tìm hiểu, chiêm nghiệm, sắp xếp bố cục để cho ra đời bộ sách "Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt"?
Thông thường, muốn yêu thì phải hiểu, muốn hiểu thì phải học. Ông đã tìm hiểu vốn từ một cách kỳ công qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Chẳng hạn, với câu tục ngữ "Bẻ no mà đếm", ông đã nghiên cứu từ nhiều nguồn tài liệu để chứng minh sự thay đổi của từ "no" từ năm 1651 qua "Từ điển Việt - Bồ - La" đến "Việt Nam tự điển" (1931) và hiện nay đã thay đổi ngữ nghĩa như thế nào. Hoặc với câu"Làm trai chớ làm bầu chủ, làm gái chớ làm mụ dầu" thì hiểu thế nào là "mụ dầu", ông cho biết đã nhọc công để chứng minh đó chính là cách gọi "Tú bà" ngày trước… Tất nhiên, những từ mới sử dụng gần đây ông cũng không quên thu nhặt và có nhận xét về nó.