Lễ Mừng cơm mới được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
UBND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên vừa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ.
Lễ Mừng cơm mới là một trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống được trao truyền từ nhiều đời nay và đã trở thành di sản độc đáo của dân tộc Xinh Mun xã Chiềng Sơ, Điện Biên ĐÔng - tỉnh Điện Biên
Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh được nảy sinh trong cuộc sống, lao động sản xuất.
Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn và tưởng nhớ tới những người có công sinh thành, dưỡng dục con cháu và truyền đạt những tri thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật làm nương theo mùa vụ.
Lễ mừng cơm mới là dịp con cháu dâng lên tổ tiên các món ăn truyền thống, mời tổ tiên ăn cơm mới và cầu mong họ phù hộ cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, cầu cho mùa màng bội thu.
Lễ mừng cơm mới là dịp để các thành viên gia đình, dòng họ quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một mùa vụ vất vả; là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đặc biệt là duy trì truyền thống thờ cúng tổ tiên của tộc người Xinh Mun, là dịp giúp gia đình, dòng họ đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.
Lễ mừng cơm mới được các gia đình người Xinh Mun duy trì thường xuyên, được tổ chức vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm.
Nghi lễ được thực hiện tại gian thờ tổ tiên (gian đầu tiên ở ngay lối cầu thang chính). Người Xinh Mun không dựng bàn thờ riêng, chỉ đặt một tấm phên nhỏ hình chữ nhật buộc vào một gậy tre dài khoảng 1,5 m - 2 m cắm ở giữa gian thờ (sát vách tường phía sau) và họ quan niệm đây là nơi trú ngụ của tổ tiên; tổ chức lễ cúng cơm mới hàng năm, chủ nhà (là nam giới) sẽ quét dọn và thay mới phên thờ.
Lễ mừng cơm mới được xem như Tết truyền thống của đồng bào, vì đây là nghi lễ đánh dấu sự khởi đầu và kết thúc mọi việc trong năm, chu trình của mọi hoạt động trong đời sống sinh hoạt bắt đầu diễn ra từ Lễ mừng cơm mới của năm trước đến Lễ mừng cơm mới của năm sau.
Trước khi diễn ra Lễ mừng cơm mới, chủ nhà mang lễ vật đến nhờ thầy mo (thầy cúng) hoặc người có uy tín trong bản chọn ngày đẹp để làm lễ .
Mọi người trong gia đình chuẩn bị lễ vật, lương thực, thực phẩm để dâng cúng Thần linh, tổ tiên và mời anh em trong dòng họ, những người bà con thân thiết trong bản tới chia vui. Lễ vật đều liên quan đến nương rẫy hoặc món ăn truyền thống cổ xưa của tổ tiên người Xinh Mun, gồm lúa mới, sâu măng, bọ măng, dế, cá, rau củ, quả tự trồng được trên nương (quả dưa, quả bí), măng lấy trên rừng. Ngày nay, còn có thêm thịt lợn, thịt gà. Trước đây, lễ vật phải có con dúi, nhưng nay, để bảo vệ rừng, người Xinh Mun đã thay đổi quan niệm phải có thịt thú rừng.
Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị những thứ để phục vụ cho việc làm lễ, như ống tre, chai đựng nước (bong hót); phên thờ (Ta lé sun yếng); chum rượu cần.
Chủ gia đình sẽ trực tiếp dọn dẹp bàn thờ tổ tiên; phân công các thành viên trong nhà dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị lễ cúng và quyết định mời người tham gia cùng gia đình. Trước đây, chỉ có người trong dòng họ mới được mời, nhưng nay có thể thêm cả khách của gia đình.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây vừa là niềm tự hào của đồng bào Xinh Mun, đồng thời cũng góp phần nâng cao trách nhiệm trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.