Lẽ sống và những hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ

Những người lính trong 'ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang' đã trở thành một thương hiệu, góp phần mang lại bình yên cho nhân dân. Và tạo nên dấu ấn đặc biệt trong ngôi nhà đó, không thể không nói đến Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án của Cảnh sát Hình sự Hà Nội.

Từ vụ giết người man rợ

Chiều 13-10-2023, Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) nhận được thông tin từ Công an huyện Gia Lâm liên quan đến việc người dân phát hiện một số bộ phận thi thể người tại mép bờ sông Hồng thuộc khu vực miếu Bản, địa phận thôn 2 Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự đã phân công Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án (Đội Trọng án) huy động toàn bộ cán bộ chiến sĩ tiếp cận hiện trường, phối hợp với Công an huyện Gia Lâm xác minh, làm rõ.

Những “hạt nhân thép” trong “ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang” chuyên hóa giải những vụ trọng án

Những “hạt nhân thép” trong “ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang” chuyên hóa giải những vụ trọng án

“Tôi là một trong số những cán bộ xuống hiện trường. Khu vực này khá hiểm trở vì là bãi bồi tự nhiên, không có lối đi nên việc đi lại rất khó khăn. Người dân đã đưa chúng tôi đến điểm phát hiện ra thi thể người. Ban đầu, tôi nhận định có thể đây là tử thi trôi trên sông rồi va vào chân vịt của tàu thuyền, sau đó trôi dạt vào bờ. Nhưng khi tới nơi, từ miếu xuống có một khối bê tông nhìn là biết mới đổ, trên đó ruồi bâu đen bốc mùi rất khó chịu, cùng với đó là chất dịch màu đen chảy ra…” - Trung tá Bùi Quang Tùng, cán bộ Đội Trọng án kể lại.

Thêm vào đó, nếu là vết cắt do chân vịt gây nên, thì sẽ không gọn gàng như vậy. Lúc này, các cán bộ, chiến sĩ đã chắc chắn đây là một vụ giết người phân xác với tính chất man rợ. Thời điểm đó, lực lượng chức năng cũng đã rà soát, mở rộng hiện trường, thu giữ được các bộ phận thi thể người bị phân thành nhiều mảnh. Công tác pháp y được thực hiện ngay tại chỗ, xác định nạn nhân là nữ giới khoảng 20 tuổi. Nạn nhân tử vong do mất máu cấp, gây nên bởi 2 vết thương làm thủng thùy trên phổi phải và vào thành tim.

Là người đã gắn bó với các vụ trọng án trong suốt 20 năm, tưởng rằng đã chai sạn, nhưng khi tiếp cận với vụ án, Trung tá Bùi Quang Tùng vẫn bị sốc, đầu óc căng cứng. “Cảm giác khó tả lắm. Đầu tiên là xót xa cho thân phận nạn nhân xấu số, sau là sự phẫn uất đến tột cùng bởi hành vi man rợ của đối tượng gây án. Tôi nghĩ, đây cũng là cảm xúc chung của anh em trong đơn vị…” - Trung tá Bùi Quang Tùng chia sẻ.

Gác lại nỗi niềm riêng để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, đó là cán bộ, chiến sĩ Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự

Gác lại nỗi niềm riêng để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, đó là cán bộ, chiến sĩ Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự

Trời cuối thu, càng về tối sương xuống càng dày, lại gần mặt sông nên thỉnh thoảng có những cơn gió phả vào lạnh buốt. Trung tá Hoàng Thế Hiển - Đội trưởng Đội Trọng án nhớ lại: “Chỉ nhắc đến tên đơn vị chúng tôi là ai cũng có thể hiểu được tính chất công việc. Dù thường xuyên tiếp nhận các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nhưng đối với vụ án này, thật sự ai cũng cảm thấy phẫn uất. Và suy nghĩ duy nhất thời điểm ấy là phải làm sao nhanh chóng bắt được kẻ thủ ác, đưa ra ánh sáng của pháp luật, cũng là giúp người mất được ra đi thanh thản”.

Quên ăn quên ngủ vì nhiệm vụ

Theo lời kể của cán bộ, chiến sĩ Đội Trọng án, đêm đó nhiều mũi trinh sát đã tỏa đi một mặt thu thập tài liệu, chứng cứ, lần theo những manh mối để xác định hung thủ, mặt khác truy tìm nhân thân của người xấu số, từ đó khoanh vùng đối tượng nghi vấn. Không chỉ là tính chất công việc mà có lẽ là bản năng nghề nghiệp thôi thúc nên từ khi tiếp nhận vụ án, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều không ăn, không ngủ. Họ sợ rằng chỉ cần chậm một nhịp là mất dấu vết, chậm một giây có thể lỡ cơ hội bắt được tội phạm. Và cứ thế, họ thực hiện nhiệm vụ, bằng tinh thần trách nhiệm cũng như quyết tâm phá án trong thời gian sớm nhất.

Đến khoảng 11h30 ngày 14-10-2023, cơ quan điều tra đã xác định được tung tích nạn nhân là H.Y.N (SN 2006, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). Và ngay trong đêm 14-10, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ đối tượng gây án là Tạ Duy Khanh (SN 1985, trú tại Đa Tốn, Gia Lâm). Nhớ lại thời điểm có mặt tại quê của Khanh tại Thái Bình, Thượng úy Nguyễn Quốc Hiển kể lại, người dẫn trinh sát vào nhà Khanh là bác của đối tượng này. Trời đã về khuya nên xung quanh chỉ một màu tối sẫm. Căn nhà im ắng không một tiếng động.

Hiện trường vụ nạn nhân bị sát hại ở ven sông Hồng thuộc địa bàn huyện Gia Lâm

Hiện trường vụ nạn nhân bị sát hại ở ven sông Hồng thuộc địa bàn huyện Gia Lâm

“Chúng tôi gọi nhưng đối tượng im lặng.Kiểm tra quanh bếp thì không có ai. Khi mở cửa nhà tôi phát hiện điều hòa vẫn bật nên chắc chắn hung thủ đang nấp bên trong. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì phòng khách không có người. Gian buồng bên cạnh cánh cửa khép hờ nên tôi cùng anh em đẩy cửa vào, phát hiện đối tượng trốn dưới gầm giường, tay cầm dao. Kinh nghiệm cho thấy, đối tượng đã cầm hung khí một là để chống trả, hai là để tự sát nên chúng tôi ra tín hiệu cho nhau phải nhanh chóng khống chế, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, cho người dẫn đường và cả đối tượng”.

Khi biết bản thân bị bao vây, đối tượng đường cùng liền dùng dao cứa cổ. Cán bộ chiến sĩ lập tức lao vào khống chế, bịt vào vết thương và đưa Tạ Duy Khanh đi cấp cứu. “Mặc dù bắt được hung thủ gây án, nhưng những ngày sau không khí trong đơn vị vẫn trầm lắng. Có đồng chí 3 ngày 3 đêm không ăn không ngủ, cứ lặng lẽ làm việc…” - Trung tá Hoàng Thế Hiển tâm sự.

Những hy sinh thầm lặng

Đã là lính hình sự phải xác định vất vả và hy sinh, thời gian làm việc tại đơn vị nhiều hơn ở nhà. Có đồng chí trong khi đi làm nhiệm vụ thì nhận được tin con cấp cứu mà không về được liền bật khóc. Có người lính lúc vợ ở nhà sinh con cũng không thể ở bên cạnh và khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đứa con thơ đã được đầy tháng. Quãng đường trở về của đồng chí ấy là nụ cười, ánh mắt mong chờ được bế đứa vào lòng. Còn có cán bộ lạc quan tếu rằng không biết khi nào mới lấy được vợ. Ban ngày thì bàn là nơi làm việc, nhưng đêm đến lại thay chỗ ngả lưng. Có khi vừa đặt mình xuống lại lập tức trở dậy vì một cuộc điện thoại trình báo vụ án.

Hay đang ăn phải bỏ dở suất “cơm bụi” để lên đường làm nhiệm vụ. Phòng làm việc chật hẹp, cán bộ, chiến sĩ có khi trải chiếu nằm luôn xuống đất. Thế nhưng, xác định từ đầu nên anh em trong đội đều nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh. Không biết bao nhiêu vụ án, trinh sát phải dãi nắng dầm mưa, hay run bần bật trong cái lạnh cắt da cứa thịt của mùa đông giá rét, nhưng bản lĩnh người lính hình sự không cho phép họ sờn lòng. Chỉ một niềm tin duy nhất giúp họ vượt qua mọi nghịch cảnh, đó chính là phá án thành công.

Bữa cơm của Đội Trọng án cũng như cán bộ, chiến sĩ trong “ngôi nhà số 7” thường là cơm bếp đơn vị. Còn khi đi làm nhiệm vụ thì có gì ăn nấy, lúc là cái bánh mỳ, lương khô, khi là gói mỳ tôm ăn sống với chai nước lọc. Hay khi miệt mài theo dấu vết vụ án thì có thể nhịn đói liền vài ngày. “Có những lúc mệt, vừa chợp mắt được vài phút lại giật mình tỉnh dậy vì một manh mối, chi tiết nào đó chợt lóe lên. Nên cũng giống như các đồng đội trong lực lượng PCCC, chúng tôi cũng rất mong được… thất nghiệp. Vì như vậy nghĩa là cuộc sống của người dân được bình yên” - Trung tá Hoàng Thế Hiển chia sẻ.

Nếu tôn vinh họ là người lính hình sự thầm lặng thì những người mẹ, người vợ xứng đáng là anh hùng. Bởi đằng sau những chiến công của chồng, của cha nơi “tiền tuyến” đều có sự hy sinh vô bờ bến của “hậu phương”. Nếu không có sự cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia, hẳn nhiệm vụ của người lính trọng án còn nặng nề thêm gấp bội. Đón họ trở về sau mỗi vụ án là nụ cười của con thơ, là bữa cơm với ánh mắt trìu mến của người vợ, là niềm tự hào của bậc sinh thành. Ước mơ giản đơn của mỗi người lính Đội trọng án là được ở bên gia đình, người thân, đưa vợ con đi chơi và cùng nhau quây quần bên những bữa cơm chiều sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng, ước mơ nhỏ bé ấy luôn vô cùng khó bởi họ đã xác định lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống của đời mình.

Thượng tá, NSƯT Thanh Tâm: Sứ mệnh cao cả của người chiến sỹ Công an nhân dân

Suốt gần 30 năm phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, tôi đã có những chuyến công tác trải dài khắp đất nước, hát về biết bao những gương hy sinh của đồng đội. Có những bài tôi vừa hát, vừa khóc, tôi thấu hiểu những hy sinh của người đã ngã xuống, những nỗi đau mất mát không thể bù đắp của những người ở lại. Vì thế mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, tôi không khỏi bồi hồi. Tôi thấy mình thật may mắn vì bản thân và gia đình vẫn được sống trong sự ấm áp, an lành. Tôi biết ơn sâu sắc những hy sinh của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân để có được một cuộc sống bình yên cho đất nước.

Mỗi lần thể hiện những ca khúc ngợi ca lực lượng công an, tôi cũng có một chút áp lực, bởi vì mình không những là nghệ sỹ mà còn là chiến sỹ, được học tập và tìm hiểu về sứ mệnh cao cả của lực lượng mang trọng trách bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân trên mặt trận thời bình. Tôi lại càng phải có trách nhiệm cao hơn nữa, tìm tòi cách thể hiện, thông qua âm nhạc, làm cách nào chuyển tải được những hy sinh của người lính đến với khán giả, để họ thấu hiểu, chia sẻ với các chiến sỹ công an. Làm sao phải vừa mềm mại, tình cảm, mà vẫn có chất “thép” trong lời hát, để dân luôn tin yêu và ủng hộ.

Tôi vào ngành khi mới 21 tuổi, có rất nhiều bỡ ngỡ. Nhưng tôi phải cảm ơn ngành Công an đã rèn luyện cho tôi những kỹ năng tuyệt vời trong cuộc sống, những kiến thức về chính trị, kinh tế xã hội để tôi thêm yêu đất nước mình. Đặc biệt giúp tôi trở thành một con người luôn sống có trách nhiệm với công việc, với xã hội. Khi làm việc hết mình, luôn muốn đem tiếng hát, năng lượng tích cực đến cho mọi người thì sẽ nhận được sự yêu mến của khán giả.

Ngày 25-8 này, tôi vinh dự được góp mặt trong chương trình “Sao Độc lập” nhân kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân 19-8 và ngày Tết Độc lập 2-9 của đất nước. Đối với tôi, luôn cất cao tiếng hát cho những điều tốt đẹp của cuộc sống, cho hòa bình thịnh vượng của đất nước là sứ mệnh của người nghệ sỹ, chiến sỹ Công an nhân dân.

Thanh Xuân (Ghi)

Thiếu tá Hoàng Chí Công, Nhà hát Kịch Công an nhân dân: Tự hào và trách nhiệm khi là một nghệ sĩ Công an

Những năm tháng trong lực lượng Công an nhân dân đã giúp tôi có cái nhìn cụ thể và chia sẻ những khó khăn, vất vả với các đồng nghiệp ở nhiều lĩnh vực như hình sự, giao thông, ma túy… Là một nghệ sĩ Công an nhân dân, tôi đã từng nhiều lần thử sức trong các vai công an. Mỗi lần được khoác lên mình bộ quân phục, tôi hiểu trách nhiệm của mình phải thể hiện đúng điều lệnh của ngành và làm sao khi xem phim, khán giả sẽ hiểu được những hy sinh thầm lặng mà những người chiến sĩ đã đóng góp cho quê hương và cuộc sống bình yên của nhân dân. Có những sự hy sinh không được ai biết đến, không ai hiểu, chỉ những người lính vẫn âm thầm lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ của mình. Hơn thế, lâu nay khán giả vẫn mặc định các vai diễn công an là nhắc tới các chiến sĩ hình sự đối mặt trực tiếp với tội phạm.

Thiếu tá Hoàng Chí Công trong vai chiến sỹ công an

Tuy nhiên, ngành công an còn có những chuyên ngành khác như phòng chống tham nhũng, đấu tranh với các loại tội phạm công nghệ cao… Khi vào các dạng vai này, cử chỉ, hành động của diễn viên sẽ khác, không phải là sự mạnh mẽ, thể hiện trực diện mà lại là sự khôn khéo, đấu tranh bằng trí tuệ. Khi tham gia các bộ phim truyền hình, không chỉ thực hiện vai diễn của mình, tôi và các đồng nghiệp còn có các cuộc trao đổi để hiểu hơn về nghiệp vụ của ngành. Nhiều băn khoăn, thắc mắc của những người ngoại đạo nhờ đó đã được khai mở, giúp ê-kíp làm phim thực hiện tác phẩm không bị phạm tác phong, điều lệnh Công an nhân dân, có những chi tiết đời hơn, sát với thực tế sống và chiến đấu của các chiến sĩ mặc sắc phục.

Mỗi năm đến Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân 19-8, tôi cảm thấy tự hào với truyền thống vẻ vang được lớp lớp các thế hệ chiến sĩ công an bồi đắp. Những ngày này, đi qua tượng đài Công an nhân dân tại phố Trần Nhân Tông, tôi thấy có những bó hoa đặt tại tượng đài. Điều đó nói lên sự ghi nhận của nhân dân với những đóng góp của các chiến sĩ công an cho cuộc sống ngày hôm nay. Điều đó làm tôi rất xúc động. Từ đó, mỗi lần được tham gia các dự án phim truyền hình hay được cử làm việc cùng các đơn vị thực hiện các dự án nghệ thuật về Công an nhân dân, tôi đều ý thức được công việc mình đảm nhận bằng sự tận tâm và danh dự của một nghệ sĩ công an.

Nhà báo Thu Huyền - Tạp chí Sân khấu: Làm thế nào để hình tượng các anh được tỏa sáng, ngưỡng mộ?

Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của chúng ta mà thiếu bóng dáng của những người chiến sỹ công an nhân dân sẽ thế nào. Các chiến sĩ Công an hiện diện mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta, từ bữa ăn, giấc ngủ đến làm việc, vui chơi. Thế giới đang thay đổi từng ngày. Cuộc sống thời kỷ nguyên số ngày càng phức tạp, tội phạm vì thế ngày càng tinh vi. Điều đó đòi hỏi những chiến sĩ công an nhân dân không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải tận tâm với nghề, yêu thương nhân dân. Phải thương dân mới làm tốt được nhiệm vụ khó khăn, nặng nề ấy. Tôi cảm giác những chiến sỹ công an là “siêu nhân” giữa đời thực, anh hùng thầm lặng của thời bình. Và họ, lúc nào cũng có thể gặp nguy hiểm.

Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, tôi cũng quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Ngoài đời các anh là những người hùng, vậy khi vào tác phẩm nghệ thuật, làm thế nào để hình tượng ấy được tỏa sáng, được hiểu, thông cảm và ngưỡng mộ? Tôi nghĩ, hình như những tác phẩm nghệ thuật chưa thể hiện hết mọi khía cạnh trong đời sống, tâm tư, tình cảm của các anh. Vì thế, tôi mong muốn, mọi người được gần gũi, chia sẻ nhiều hơn những khó khăn, thử thách của những người chiến sỹ an ninh đang từng giờ, từng phút gìn giữ bình yên cho cuộc sống.

Hương Thủy (Ghi)

Thùy An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/le-song-va-nhung-hy-sinh-tham-lang-cua-nguoi-chien-sy-post586423.antd