Lễ Tẩu Sai - Dấu ấn trưởng thành và gắn kết cộng đồng người Dao Tiền ở Cao Bằng

Giữa đại ngàn Đông Bắc, khi tiếng trống, tiếng khèn vang lên từ bản làng xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cộng đồng người Dao Tiền cùng nhau quây quần trong sự kiện văn hóa-tâm linh thiêng liêng: Lễ Tẩu Sai. Đây không chỉ là nghi lễ của riêng một dòng họ mà là minh chứng sống động cho sức mạnh cố kết cộng đồng và giá trị bền vững của văn hóa truyền thống trong lối sống hiện đại.

Trong hệ thống nghi lễ phong phú của người Dao, lễ cấp sắc được ví như một “lễ khai sinh tâm linh” giúp một người đàn ông chính thức bước vào hàng ngũ người trưởng thành trong không gian thiêng của tín ngưỡng dân gian và được cộng đồng thừa nhận.

Lễ Tẩu Sai hay còn gọi là lễ cấp sắc 12 đèn, là đại lễ dành cho những người đã đạt tới độ chín về nhân cách, uy tín và hiểu biết, đủ khả năng đảm nhiệm vai trò “làm thầy” trong đời sống tâm linh và cộng đồng. Vì vậy, chỉ khi hội tụ các điều kiện về con người, sự đồng thuận của toàn dòng họ, lễ Tẩu Sai mới được thực hiện.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Người được tham gia Tẩu Sai phải hội đủ các điều kiện nghiêm ngặt: có gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, không vướng tang chế trong thời gian gần, đặc biệt phải là người có đạo đức, từng bước khẳng định được vai trò trong dòng họ và cộng đồng.

Tẩu Sai vì thế không chỉ đánh dấu một bước ngoặt cá nhân mà còn phản ánh mối quan hệ sâu sắc giữa mỗi cá nhân với tập thể, giữa truyền thống và trách nhiệm tiếp nối, gìn giữ phong tục, tập quán cổ truyền.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Lễ Tẩu Sai là một sự kiện lớn đòi hỏi các công đoạn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đại lễ được tiến hành long trọng. Trung tâm của nghi lễ là các thầy cúng.

Theo truyền thống, lễ Tẩu Sai phải có ít nhất 14 thầy gồm năm thầy chính và chín thầy phụ bên ngoài dòng họ, được lựa chọn dựa trên uy tín, hiểu biết và sự công nhận của cộng đồng. Họ chủ trì các nghi thức quan trọng kéo dài trong nhiều ngày.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Trong suốt thời gian diễn ra lễ cấp sắc, các nghi thức như đọc pháp danh, dâng hương, trình lễ vật, múa nghi lễ, hát lễ… được thực hiện tuần tự, trang trọng theo đúng truyền thống tổ tiên.

Mỗi bước đi, mỗi lời cúng đều mang theo một triết lý sống sâu sắc, là bản sắc riêng có của văn hóa Dao Tiền được truyền đời bằng ký ức và thực hành.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống xã hội có nhiều đổi thay, người Dao Tiền ở xã Hoa Thám vẫn nỗ lực duy trì tổ chức lễ Tẩu Sai theo cách riêng để vừa giữ được hồn cốt truyền thống vừa linh hoạt điều chỉnh để phù hợp thực tiễn.

Thời gian hành lễ được rút gọn, một số thủ tục được giản lược, quy mô tổ chức tiết kiệm nhưng không làm mai một bản chất thiêng liêng và giá trị văn hóa tâm linh cốt lõi của nghi lễ.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Nếu trước đây, lễ cấp sắc chỉ tổ chức nội tộc thì nay đã mở rộng hơn cho người ngoài tham dự, quan sát, ghi hình. Tinh thần kế thừa có chọn lọc, đổi mới nhưng không phá vỡ cấu trúc truyền thống đã giúp lễ Tẩu Sai tiếp tục “sống” trong lòng cộng đồng.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Lễ Tẩu Sai trở thành cầu nối, góp phần quảng bá di sản và đưa bản sắc dân tộc Dao lan tỏa ra cộng đồng rộng lớn hơn. Không gian này còn là môi trường thực hành và trao truyền các giá trị của tín ngưỡng dân gian truyền thống, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng bản xứ.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Tẩu Sai là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, một nghi lễ quan trọng nhưng hơn thế, đó là thông điệp khẳng định bản sắc của cộng đồng người Dao Tiền.

Mỗi lần tổ chức lễ không chỉ để tôn vinh một cá nhân trưởng thành còn là dịp để cộng đồng củng cố mối liên kết thiêng liêng giữa con người-tổ tiên-thiên nhiên-xã hội... đồng thời, giáo dục đạo lý cho thế hệ kế tiếp.

Người được cấp sắc 12 đèn sẽ có đủ tư cách để chủ trì các nghi lễ lớn trong dòng tộc và cũng là người có trách nhiệm truyền dạy văn hóa, tâm linh, tiếng nói của tổ tiên cho thế hệ mai sau.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Trong bức tranh tổng thể của các dân tộc thiểu số Việt Nam, lễ Tẩu Sai là một điểm nhấn văn hóa đặc biệt. Không rực rỡ sắc màu như những lễ hội mùa, cũng không ồn ào, phô diễn nhưng thấm đẫm chiều sâu tri thức dân gian và tinh thần cố kết cộng đồng.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Sự lan tỏa của lễ Tẩu Sai trong đời sống hôm nay cho thấy, giá trị văn hóa truyền thống thực sự sống khi được đặt trong mạch chảy của hiện tại, khi mỗi cộng đồng tự nhận thức rõ vai trò và sức mạnh của mình trong bảo tồn di sản.

Những nghi lễ như Tẩu Sai là nguồn lực nội sinh góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng cao, gắn bảo tồn văn hóa với du lịch, giáo dục, truyền thông và hội nhập.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Giữa miền non cao biên cương, lễ Tẩu Sai vẫn tỏa sáng như một ngọn lửa văn hóa không bao giờ tắt, hun đúc tinh thần đoàn kết cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào về cội nguồn và bản sắc dân tộc. Từ đó bồi đắp ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, làm nền tảng tinh thần vững chắc cho hành trình phát triển bền vững.

NGỌC LIÊN - VŨ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-tau-sai-dau-an-truong-thanh-va-gan-ket-cong-dong-nguoi-dao-tien-o-cao-bang-post879598.html