Lệ Thu - giọng ca của sự chia ly

Thông tin danh ca Lệ Thu qua đời những ngày qua đã gợi lại một trời kỷ niệm về những giọng ca thành danh ở Sài Gòn. Và dường như trong lòng mỗi khán giả, Lệ Thu xuất hiện khác nhau, bởi bà là một giọng ca thành công ở quá nhiều nhạc phẩm…

Cho đến khi tin danh ca Lệ Thu nhiễm COVID-19 và nằm hồi sức tích cực tại Mỹ đến với khán giả trong nước, khán giả vẫn luôn cầu nguyện và hy vọng danh ca sẽ vượt qua được.

Thế nên, vào 19 giờ tối ngày 15-1 (giờ địa phương) khi thông tin danh ca Lệ Thu giã biệt đời sống thật đã làm không ít khán giả ngỡ ngàng. Bởi cho đến khi danh ca ra đi, hình ảnh một Lệ Thu trong những lần xuất hiện với khán giả chưa bao giờ không chỉn chu, dường như trên sân khấu khán giả rất hiếm khi thấy giọng ca này mệt về thể lý hay xuống dốc tinh thần…

Danh ca Lệ Thu ra đi đã để lại luyến thương, tiếc nhớ… cho nhiều thế hệ khán giả. Ảnh: TL

Danh ca Lệ Thu ra đi đã để lại luyến thương, tiếc nhớ… cho nhiều thế hệ khán giả. Ảnh: TL

Lệ Thu và “Nước mắt mùa thu”

Trong cuộc sống ai chẳng có lúc thăng trầm, sự nghiệp lẫn cuộc đời của danh ca Lệ Thu cũng theo con đường như thế: Đổ vỡ hôn nhân, mất mẹ trong thời điểm chọn lựa đi hay ở… Nên không biết nhạc vận vào đời hay đời thực bước vào âm nhạc mà những bản nhạc làm nên tên tuổi danh ca Lệ Thu hầu hết là những bản nhạc về chia ly, ngăn cách, tan vỡ... Khó ai có thể thay thế Lệ Thu ở những bản nhạc tình: Nếu một mai em sẽ qua đời, Ngăn cách, Rồi mai tôi đưa em, Xin còn gọi tên nhau…

Và có lẽ, vốn rất tinh ý lẫn tinh quái, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết riêng cho danh ca Lệ Thu một bản nhạc mang chính tên cô Nước mắt mùa thu với những lời ca: “Nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình. Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc mỏng manh, vụt đến rồi tan tàn, như trăng thanh…”; là “một đời ca sĩ hát trong buồn tênh, giọng ca buồn bã vào trong đời úa, thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài, trời ơi…”.

Giọng ca Lệ Thu cũng để lại vô vàn dấu ấn trong những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy: Thuyền viễn xứ, Nha Trang ngày về, Nếu một mai em sẽ qua đời, Ngậm ngùi, Mùa thu chết, Hẹn hò...

Tuy nhiên, như nhiều lần cô từng chia sẻ với khán giả, dẫu những bản nhạc cô từng thể hiện rất buồn, dù là “tình tôi chít khăn tang, ai gào ai giữa đêm trăng” (Nha Trang ngày về) hay “nếu một mai không còn ai, đứng bên kia đời trông vòi vói…” (Nếu một mai em sẽ qua đời) thì đời sống thực của cô cũng không hẳn buồn như thế.

Lệ Thu có thể là “nước mắt mùa thu” nhưng như chính danh ca Lệ Thu từng lý giải, nó có thể là mùa thu đẹp đẽ, mỹ lệ… nó không phải những mùa thu chết, mùa thu chia xa…

Phác họa danh ca Lệ Thu của họa sĩ Đinh Trường Chinh. Ảnh: Đinh Trường Chinh

Phác họa danh ca Lệ Thu của họa sĩ Đinh Trường Chinh. Ảnh: Đinh Trường Chinh

Mùa Thu diễm Lệ trong lòng khán giả

Người viết từng hỏi cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển về giọng ca của danh ca Lệ Thu, khi bà tham gia liveshow Thu, hát cho người của cố nhạc sĩ vào năm 2008, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nhận định ngắn gọn: “Không ai hát nhiều bản nhạc về mùa thu hay như Lệ Thu, nhất là những bản nhạc đòi hỏi một chất giọng alto dày thì chỉ có Lệ Thu thể hiện chuẩn mực”.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, danh ca Lệ Thu là giọng ca không kén chọn nhạc sĩ, ca khúc… dường như cô chỉ hát bản nhạc cô cảm thấy phù hợp. Vì thế, không chỉ nhạc Phạm Duy, mà hàng loạt sáng tác của Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến, Y Vân, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An… đều có thể thành công với Lệ Thu.

Nhờ thế, mỗi khán giả giữ Lệ Thu trong lòng theo cách riêng của mình, người thì mãi nhớ Lệ Thu với những bản nhạc của Trường Sa: Xin còn gọi tên nhau, Rồi mai tôi đưa em, Mùa thu trong mưa, Một mai em đi…; người thì giữ Lệ Thu với những bản nhạc Trịnh: Nhìn những mùa thu đi, Hạ trắng, Tạ ơn…

Danh ca Lệ Thu sang Mỹ định cư rồi chính thức trở về Việt Nam biểu diễn từ năm 2007. Năm 2009, danh ca Lệ Thu lần đầu tiên đón Tết tại quê nhà sau những năm xa xứ.

Khi đó trò chuyện với người viết, danh ca Lệ Thu kể rằng, “ở nước ngoài những năm mà ngày Tết không rơi vào ngày cuối tuần thì cộng đồng người Việt ở nơi tôi sống vẫn phải đi làm như bình thường. Rồi tối cuối cùng của năm, mọi người chỉ im lặng cúng tổ tiên và đón giao thừa. Vì vậy năm nay, khi trở lại quê nhà, ngoài thời gian đi lễ cùng người thân, Tết là những ngày tôi đi tìm lại ký ức…”

Lấy nghệ danh mùa thu, nhận vị Thánh nữ say mê Thánh nhạc là Cecilia làm quan thầy và ra đi trong những ngày tháng chạp khi nhà nhà tất bật chuẩn bị Tết… Dường như đó là một sự sắp đặt chăng, một mùa xuân thiếu vắng hình ảnh Lệ Thu nhưng khán giả không thể quên bản nhạc xuân Ly rượu mừng kinh điển của nhạc sĩ Phạm Đình Chương từng được giọng ca Lệ Thu và Elvis Phương thu âm. Ở đó giọng ca của Cecilia Bùi Thị Oanh vẫn vang với tiếng chuông nhà thờ, tiếng pháo râm ran…

Dự định về Việt Nam vào tháng 4-2021

Danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh. Cô sinh ngày 16-7-1943 và nhận Thánh nữ Cecilia làm quan thầy.

Từ giữa tháng 12-2020, danh ca Lệ Thu đã nhiễm COVID-19 và được hồi sức tích cực tại BV Memorial Coast (bang California, Mỹ). Vào 19 giờ ngày 15-1 (giờ địa phương), danh ca đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 77.

Từ năm 2007 đến nay, bà vẫn thường xuyên đi về giữa Mỹ và Việt Nam để biểu diễn. Sau chuyến về Mỹ và kẹt lại vì COVID-19, bà chưa thể trở lại Việt Nam dù trong kế hoạch, nếu tình hình dịch tạm ổn, ca sĩ Quang Thành cùng một nhà đầu tư dự định tổ chức đêm nhạc với giọng ca Lệ Thu, Khánh Ly vào tháng 4-2021 ở Nhà hát TP.HCM.

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/le-thu-giong-ca-cua-su-chia-ly-962118.html