Lễ Tủ Cải – nơi những chàng trai Dao Đầu Bằng trưởng thành
Mùa Xuân, đối với các chàng trai tộc người Dao đầu bằng ở bản Sín Chải xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu), không chỉ là mùa lễ hội, mùa kéo vợ mà còn là mùa của sự linh thiêng, của sự trưởng thành.
Bởi, mùa Xuân, những chàng trai đủ 13 tuổi sẽ được các già làng, trưởng bản và thầy cúng lựa chọn để tiến hành nghi Lễ Tủ Cải – nghi lễ hoài thai lần thứ 2 để được cả cộng đồng người Dao Đầu Bằng và Bàn Vương (Vị thần linh có vai trò tối thượng) chứng nhận đã là đàn ông trưởng thành và phải có trách nhiệm với cộng đồng.
Trong đời sống tín ngưỡng của người Dao Ðầu Bằng ở bản Sín Chải, chưa qua Tủ Cải cũng đồng nghĩa với việc chưa có linh hồn, thậm chí người đàn ông có chết cũng không được làm ma, không được cộng đồng thừa nhận với tư cách một cá nhân độc lập. Bởi thế, với đàn ông Dao Ðầu Bằng, dù giàu hay nghèo, ai cũng phải có một lần làm Lễ Tủ Cải trong đời. Người giàu có thể cúng lễ trong 7 ngày, người nghèo cúng trong 3 ngày, hoặc có thể chung mấy gia đình để làm lễ cho các con tiết kiệm chi phí.
Mùa Xuân ấy, bản Sín Chải chọn được 13 cậu bé trai đủ 13 tuổi và được bố mẹ gửi đến nhà thầy cúng Tẩn A Đẩu trong để thầy dạy đứa bé những nghi thức trong quá trình làm Lễ Tủ Cải. Thầy cúng Tẩn A Đẩu lại có nhiệm vụ đi mời thêm 12 vị thầy cúng trong vùng, cùng nhau chọn ngày lành tháng tốt để báo gia chủ tiến hành Lễ Tủ Cải. Trong 9 ngày trước khi làm lễ, các bé trai phải thực hiện các kiêng kỵ cực kỳ nghiêm ngặt: tuyệt đối không được sát sinh từ lá cây, ngọn cỏ đến con kiến, con sâu; không được đào đất; ăn chay, mỗi ngày chỉ được 2 lưng bát cơm với canh nhạt; không được uống nước; không được nhìn ánh mặt trời…
Mở đầu cuộc Lễ, thầy cúng Tẩn A Đẩu đọc lịch sử của người Dao Đầu Bằng, đọc về cái lý của việc làm Lễ Tủ Cải. Thầy Tẩn A Đẩu tay phải cầm chuông vừa đi vừa lắc, tay trái cầm gậy có cắm tù và, miệng luôn cầu thần phù hộ cho các gia đình để con cái lớn lên không có bệnh tật, mùa màng cấy đâu được đấy, vạn sự theo ý muốn, làm ăn phát đạt. 13 cậu bé làm theo chỉ dẫn của 13 ông thầy cúng, khấn lạy, nhảy múa theo nhịp trống chiêng.
Lễ Tủ Cải cũng được hiểu như sự sinh thành lần thứ 2 của một người đàn ông đích thực. Với người Dao Đầu Bằng, Lễ Tủ Cải mô tả lại quá trình mang thai, sinh nở của người mẹ, người mẹ ở đây chính là các thầy cúng có nghĩa vụ thiêng liêng, hoài thai, sinh sản, ghép vào đứa bé trai phần linh hồn của người đàn ông. Sau Lễ Tủ Cải, mỗi đứa bé trai có thêm ba người bố cũng chính là ba người thầy đã mang lại cho chúng ba phần hồn và một cái tên mới, cái tên này chỉ để “trò chuyện” với thần linh và tổ tiên.
Lễ Tủ Cải được diễn ra trong 9 ngày đêm với hàng trăm thủ tục, nghi thức, diễn tả sự hình thành trời đất và con người, cùng các lời răn dạy làm người, sống hướng thiện, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Sau cuộc lễ, dân bản Gia Khâu tổ chức hát múa, liên hoan chúc cho sự trưởng thành của các cậu bé và như muốn thay lời các cậu bé thể hiện ý chí cùng nhau chung sức chung lòng đoàn kết gia đình và dòng tộc để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Cho dù nhiều phong tục tập quán của người Dao Đầu bằng đã có phần mai một nhưng Lễ Tủ Cải đến nay vẫn được bản Sín Chải tổ chức hằng năm, bởi những lễ thức mang ý nghĩa giáo huấn, hướng cộng đồng người Dao Đầu Bằng đến những điều thiện lành.