Lê Vũ Trường Giang - Từ mạch nguồn xứ sở
Có nhận xét cho rằng văn học Cố đô đang già hóa khi có đến 9/10 nhà văn sinh hoạt trong Liên hiệp hội đều quá tuổi… trung niên. Và, Lê Vũ Trường Giang xuất hiện như một đại diện tiêu biểu cho văn học trẻ trưởng thành sau 1975 với sự tự khẳng định bằng các tác phẩm xuất sắc, đặc biệt là tác phẩm 'Bạc màu áo ngự' đã giúp anh nhận giải thưởng tác giả trẻ năm 2022 ở hạng mục văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.
Lê Vũ Trường Giang sinh năm 1988 tại Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Anh là Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Thế giới, giảng viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Tên tuổi của anh đã góp phần tạo nên sự nổi bật của lớp trẻ trên văn đàn Cố đô và cả nước những năm gần đây.
Là một người yêu văn chương, thích đọc sách từ nhỏ, Lê Vũ Trường Giang đến với văn chương một cách hồn nhiên như thể điều đó vốn là một phần cuộc sống của anh. Anh kể: “Hồi còn nhỏ mình không có điều kiện như các bạn trẻ bây giờ, điều kiện để đọc, học còn hạn chế. Ngoài thư viện trường, sách mượn của bạn bè, thỉnh thoảng mình xin mẹ tiền mua sách, truyện… Đôi khi những mẩu giấy gói bánh mì buổi sáng rơi vào tay mình cũng được mình đọc ngấu nghiến”. Rồi vào đại học, thời sinh viên với môi trường mới, nền văn hóa, bề dày lịch sử của Huế được anh tiếp thu một cách say sưa. Như cây xanh cần điều kiện về đất, nước, độ ẩm… để nảy mầm, tình yêu văn học của Lê Vũ Trường Giang được bắt nguồn từ những khó khăn của vùng quê còn nghèo, được gieo mầm vào môi trường học thuật của Cố đô, đã nở hoa kết trái để có một nhà văn Lê Vũ Trường Giang bút lực dồi dào như bây giờ.
Không chỉ sách vở mà cảnh sắc quê hương đã tạo nên một Trường Giang có khí chất nghệ sĩ. Năm 2008, cậu sinh viên Trường Giang dành khoản tiền lớn đầu tiên có được để mua… máy ảnh, với ước mong lưu giữ những khoảnh khắc xinh đẹp của quê hương. Nhưng công nghệ không đủ để thỏa mãn tình yêu cái đẹp, yêu sự sống muôn màu mà anh gặp, muốn lưu giữ hàng ngày… Và, như anh nói một cách hạnh phúc, con chữ đã giúp anh tái hiện những khoảnh khắc ấy một cách sinh động, giúp anh hình thành những đứa con tinh thần. Những sáng tác văn chương lần lượt ra đời giúp anh giành giải nhì cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên Huế của Tạp chí Sông Hương (2009-2010), Tác phẩm xuất sắc năm 2013 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Giải B giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô Huế lần thứ V (2008-2013)… Đó cũng là cái duyên để năm 2011, dù tốt nghiệp Khoa Sử nhưng anh lại về công tác tại Tạp chí Sông Hương.
Trong môi trường mới, sau hai năm, tác phẩm đầu tay “Ngủ giữa trùng sơn” của anh ra đời. Lấy lịch sử là căn cốt, sử dụng lối viết truyền thống kết hợp nhiều thủ pháp của văn học hiện đại, hậu hiện đại, “đứa con” đầu tiên của Trường Giang gây được ấn tượng trong giới văn chương lẫn bạn đọc. Bước chân đầu đời này đã giúp anh thoát khỏi sự bế tắc trong cuộc đời vốn bề bộn nhiều ngả, anh nhìn ra ý nghĩa đời mình là gắn với những trang viết.
Các tác phẩm của anh đã được độc giả đón nhận một cách nhiệt tình, tạo động lực để bút lực của Lê Vũ Trường Giang tuôn chảy, hình thành một con người mới – nhà văn Lê Vũ Trường Giang. Và trong văn Lê Vũ Trường Giang, Huế trở thành mạch nguồn cảm hứng cho anh bơi lặn thỏa thích. Với anh “Huế không chỉ là lăng tẩm, chùa chiền, nhã nhạc,… Huế còn một nội tâm sâu lắng với lịch sử, văn hóa, con người,…” Chọn Huế làm đề tài cũng có nghĩa chọn thứ mà anh gắn bó sâu sắc nhất.
Sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong môi trường văn hóa, được tiếp thu có hệ thống về lịch sử vùng đất cộng với tình yêu quê hương, sự tri ân sâu nặng với quê hương, những trang viết của Lê Vũ Trường Giang mang mạch nguồn vùng đất anh sống. Với anh, đó cũng là cách mà anh trả ơn cho quê hương khi giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế qua tác phẩm của mình. Khai thác những thứ mà người khác bỏ qua, tôn trọng sự thật lịch sử, đào sâu vào mạch ngầm văn hóa, anh dẫn dắt người đọc đi theo câu chữ của mình, rồi để họ tự nghiền ngẫm… Và, với cách viết ấy, anh cũng đã tạo nên một phong cách Lê Vũ Trường Giang thú vị, cuốn hút.
Những sáng tác của Lê Vũ Trường Giang đôi khi là sự hồi tưởng lại tuổi thơ, cái thời vui tươi nhất đã không thể quay lại, vừa bình dị vừa trầm tích. Cũng có lúc nhờ đọc một tác phẩm hay khiến anh dâng trào cảm xúc mà sinh thành đứa con tinh thần một cách tròn trịa. Với anh, cuộc sống vui buồn sướng khổ đều trở thành gia vị của văn chương, ý tưởng đến từ những câu chuyện, những hoàn cảnh trong cuộc sống. Anh chia sẻ về việc từng chứng kiến một người phụ nữ làm nghề lượm chai bao phải gánh gồng nuôi ba người con. “Mình thấy cuộc đời của họ khổ quá, mẹ thì làm lụng vất vả, con cái cũng học hành không đến nơi đến chốn. Mình không hiểu tại sao lại như vậy, cứ như hiện thực của thời 30 – 45 vẫn còn đâu đây trong xã hội này. Thế là mình viết ra những câu chữ là lời thương cảm. Nhưng cũng đồng thời đi tìm câu trả lời cho riêng mình và khi thành tác phẩm nó là tiếng nói của xã hội cần câu trả lời”.
Theo cây bút trẻ Lê Vũ Trường Giang, để tác phẩm có người đọc thì chính bản thân tác giả phải có đủ trải nghiệm, mà một con người đủ trải nghiệm là một con người trưởng thành. Anh cho biết: “Với mình, một tác phẩm hay thì tác giả cần phải đi, trải nghiệm nhiều, phải học tập liên tục, đọc rộng, rồi cuối cùng mới đến cách viết”. Với những tác phẩm đã viết, bản thân anh cũng chưa quá hài lòng vì “chưa chạm được vào thứ mình muốn chạm, chưa tạo được thứ thật sự để đời”. Chính vì thế, dẫu đã có những thành tựu nhất định, nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang vẫn say sưa tự trau dồi vốn sống bằng văn hóa đọc, vẫn tiếp tục trải nghiệm, khám phá và học hỏi.