Lệch kết quả xét nghiệm điều trị sai, bệnh thêm nặng

Hiện nay, việc xét nghiệm ngày càng đạt độ chính xác cao vì trang thiết bị máy móc hiện đại hơn, tuy nhiên chuyện sai số trong xét nghiệm, chẩn đoán sai bện vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế. Có không ít bệnh nhân bị chẩn đoán sai bệnh dẫn đến điều trị sai, không những tốn chi phí điều trị mà bệnh còn nặng thêm, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tính mạng…

Bác sĩ CKII Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM thăm khám cho bệnh nhân Ảnh: KIM HUYỀN

Bác sĩ CKII Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM thăm khám cho bệnh nhân Ảnh: KIM HUYỀN

Vỡ ruột thừa vì… chẩn đoán sai

Đầu năm 2023, chị Tạ Thị Ngoan (ngụ phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM) bị đau bụng từng cơn dữ dội trong nhiều giờ liền nên đến Bệnh viện Đa khoa H.Đ (quận Gò Vấp) thăm khám. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, chụp Xquang, siêu âm, chị được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm dạ dày và cho toa thuốc về nhà mua thuốc uống. Tuy nhiên, dù chị uống thuốc theo toa đều đặn nhưng cơn đau vẫn kéo dài dai dẳng và ngày càng nặng hơn. Khoảng 5 ngày sau, gia đình phải đưa chị Ngoan đến Bệnh viện Quân Y 175 cấp cứu. Tại đây, chị được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm, vỡ ruột thừa, phải nhập viện để điều trị. "Việc chẩn đoán sai bệnh từ đầu đã gây nguy hiểm đến tính mạng của tôi, khiến quá trình điều trị kéo dài gần 1 tháng, với tổng chi phí gần 30 triệu đồng”, chị Ngoan cho biết.

Tương tự, đầu tháng 12-2023, chị Võ Huỳnh Kim Chi (ngụ phường 15, quận Tân Bình, TPHCM) bị đau bụng dữ dội. Chị được người nhà đưa đến một bệnhq viện ở quận Tân Bình để cấp cứu. Sau khi thực hiện hàng loạt xét nghiệm, chụp X- uang, siêu âm, bác sĩ kết luận chị Chi bị viêm dạ dày do mang thai ngoài tử cung, sau đó cho toa thuốc để chị về nhà mua thuốc uống. Ngày hôm sau, chị Chi thấy đau bụng nhiều hơn, cơn đau càng tăng dần.

Gia đình đã đưa chị vào Bệnh viện Bình Dân (quận 3) để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị Chi bị viêm ruột thừa cấp, phải nhập viện cắt bỏ ruột thừa ngay lập tức. “Bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân cho biết nếu không phát hiện đưa đến cấp cứu kịp thời sẽ dễ gây ra tình trạng nứt, vỡ ruột thừa, quá trình điều trị rất lâu dài, có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Không những vậy, chi phí điều trị, thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu ở cả hai bệnh viện tốn hơn 10 triệu đồng”, chị Chi kể.

Vẫn có sai số xét nghiệm

Để hạn chế tối đa những sai số trong xét nghiệm, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, với mục tiêu nâng cao chất lượng, đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ sở y tế vẫn chưa áp dụng bộ tiêu chí này để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, dẫn đến kết quả xét nghiệm chưa chính xác, chưa tạo niềm tin cho người bệnh.

PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến việc sai lệch kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế phần lớn là do các xét nghiệm được thực hiện trên các hệ thống máy xét nghiệm khác nhau, hóa chất sử dụng khác nhau. Thậm chí, giữa các cơ sở y tế còn thiếu quy trình kiểm chuẩn đồng bộ. Hiện nay, sai số trong quá trình xét nghiệm được chia thành 3 giai đoạn (sai số trước xét nghiệm, sai số trong xét nghiệm, sai số sau xét nghiệm), mỗi giai đoạn sẽ có tỷ lệ nguy cơ sai số khác nhau. Để hạn chế tối đa kết quả xét nghiệm sai lệch thì các phòng xét nghiệm phải thường xuyên thực hiện nội kiểm và ngoại kiểm.

Còn theo TS Lê Trung Chính, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, các kết quả xét nghiệm bị xem là sai lệch khi có khác biệt về ý nghĩa lâm sàng, ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán và theo dõi điều trị của bác sĩ. Về đọc kết quả xét nghiệm, mỗi xét nghiệm đều có đơn vị đo và khoảng tham chiếu tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm. Do đó, cần xem xét các yếu tố như thời điểm và điều kiện lấy mẫu, bệnh nhân xét nghiệm tại hai cơ sở y tế khác nhau thì sẽ lấy mẫu ở hai điều kiện khác nhau. Hơn nữa, mỗi cơ sở sử dụng hệ thống máy xét nghiệm và hóa chất khác nhau, đa số nguyên nhân sai lệch kết quả xét nghiệm là do các sai số trong xét nghiệm.

“Trường hợp gặp phải tình trạng sai lệch kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, người dân nên đến tư vấn trực tiếp với bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ nhận định kết quả và có chẩn đoán phù hợp hoặc tư vấn người dân thực hiện lại xét nghiệm tại cơ sở thứ 3. Mỗi xét nghiệm đều có ý nghĩa trong khoảng thời gian nhất định, nên thực hiện kiểm tra định kỳ 6-12 tháng/lần, tùy theo mỗi loại xét nghiệm. Sở Y tế TPHCM đã công bố mức chất lượng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, người dân có thể tham khảo và lựa chọn cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu”, TS Lê Trung Chính khuyến nghị.

Theo Bộ Y tế, hiện nay xét nghiệm chiếm đến 80% trong các dịch vụ y tế, kết quả xét nghiệm ảnh hưởng rất lớn đến việc chẩn đoán bệnh và việc quyết định hướng điều trị. Ở nhiều bệnh viện, các chỉ định lâm sàng của bác sĩ hoàn toàn dựa vào kết quả xét nghiệm. Do đó, các cơ sở y tế phải đảm bảo tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học theo quy định.

BÙI TUẤN - KIM HUYỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lech-ket-qua-xet-nghiem-dieu-tri-sai-benh-them-nang-post719595.html