'Lệch pha' trong tuyển dụng lao động

Thị trường lao động đang có nhiều chuyển biến tích cực khi nhiều doanh nghiệp đã thoát khỏi tình trạng thiếu đơn hàng. Đánh giá của Tổng cục Thống kê về thị trường lao động hiện nay đã trở về giống như thời điểm trước dịch COVID-19.

Thế nhưng có một thực tế đang diễn ra hiện nay là tình trạng lao động thiếu việc làm không ít, nhưng cũng có không ít các doanh nghiệp lại đang rất khó tuyển dụng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó những nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ việc xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp thay đổi, mong muốn việc làm của người lao động cũng thay đổi dẫn đến sự “lệch pha” này.

Tuyển dụng không dễ

Dù mong muốn tuyển dụng nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển được lèo tèo vài ba vị trí, thậm chí có những doanh nghiệp còn ra về tay trắng là thực tế của không ít doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm thời gian gần đây. Phiên giao dịch việc làm quận Long Biên ngày 22/6 vừa qua đã có 103 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tham gia với 6.000 chỉ tiêu việc làm. Hay như trước đó, tại Ngày Hội Việc làm và Tư vấn hướng nghiệp quận Cầu Giấy năm 2024 ngày 15/6 cũng có 45 doanh nghiệp tham gia với gần 3.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Số lượng doanh nghiệp tham gia và chỉ tiêu tuyển dụng cũng lớn, thế nhưng kết quả tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp lại không như mong đợi.

Người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm quận Long Biên (Hà Nội) ngày 22/6 vừa qua.

Người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm quận Long Biên (Hà Nội) ngày 22/6 vừa qua.

Đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 400 vị trí việc làm nhưng Dự án AEON Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn phải chật vật tuyển người. Bà Dương Minh Anh, Trưởng nhóm Thu hút Nhân tài Dự án AEON Xuân Thủy cho biết, để đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, thành lập thêm trung tâm thương mại AEON Xuân Thủy, đơn vị đã phải dùng rất nhiều kênh tuyển dụng, truyền thông mạnh để kịp tiến độ. Lao động tuyển dụng chủ yếu làm toàn thời gian và so với trước các vị trí việc làm cần ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng nhiều hơn. Chính vì thế mà việc tuyển dụng cũng khó khăn hơn”, bà Minh Anh cho biết.

Đề cập đến thực tế có không ít doanh nghiệp khó tuyển dụng hiện nay, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, khoảng cách giữa cung – cầu trong lao động luôn tồn tại. Người đi tìm việc không ít mà doanh nghiệp không tìm được nhân sự cũng nhiều. Đây chính là lý do dẫn đến việc có những doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm tuyển được lao động, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ tuyển được một vài người, thậm chí không tìm được ai. “Vấn đề ở đây là làm sao để kéo gần khoảng cách này lại. Doanh nghiệp có tiêu chí, yêu cầu tuyển dụng riêng và người lao động cũng mong muốn có được việc làm có thu nhập tốt, phù hợp. Tuy nhiên, góc độ của người tìm việc cần đánh giá kỹ khả năng của bản thân với vị trí công việc để có lựa chọn công việc phù hợp nhất”, ông Thành nói.

Xu hướng tuyển dụng cũng thay đổi

Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam (đơn vị chuyên cung ứng giải pháp nhân sự) thì nguyên nhân dẫn đến tuyển dụng của không ít doanh nghiệp khó khăn hiện nay là do mong muốn tìm việc của người lao động cũng đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt đối với lao động phổ thông, đại dịch đã thay đổi quan điểm việc làm của rất nhiều người lao động. Theo bà Hương, nguyên nhân đầu tiên là do ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất tuyển các vị trí thời vụ để giảm được chi phí. Thế nhưng người lao động lại không mặn mà vì cho rằng việc làm thời vụ không ổn định. Khó tuyển người nên nhiều doanh nghiệp phải dùng lương và phúc lợi làm lợi thế để cạnh tranh khi tuyển dụng.

“Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì quan điểm việc làm của người lao động hiện đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là sau ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Bên cạnh lương và phúc lợi, lao động phổ thông giờ đây quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, sức khỏe, sự an toàn hay khả năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Ví dụ số ngày nghỉ mỗi tháng, hay sự tiện lợi khi di chuyển tới chỗ làm”, bà Hương cho hay.

Cùng với đó, theo bà Hương, do chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố, cùng với sự nở rộ của các doanh nghiệp, nhà máy tại nhiều tỉnh, thành, một bộ phận lao động phổ thông từ bỏ bám trụ ở thành phố và chuyển về quê để được làm việc gần nhà hơn. Không ít người thì chuyển sang làm các công việc có tính tự do và linh hoạt cao hơn như: bán hàng online, shipper, kinh doanh tự do… Có rất nhiều lựa chọn công việc tự do hiện nay vừa đáp ứng được thu nhập mà không gò bó như khi làm việc trong nhà máy.

Ở góc độ khác, theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam thì nguyên nhân dẫn đến sự “lệch pha” này là do xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay đã thay đổi. Doanh nghiệp cần nhiều nhân lực chất lượng cao hơn, trong khi trên thị trường lao động hiện nay lao động phổ thông lại chiếm đa số.

“Theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện nay tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần qua các năm. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I/2024 chiếm tới 64,8%. Thực tế có không ít doanh nghiệp chật vật tuyển dụng nhưng nguyên nhân là do doanh nghiệp cần nhiều hơn lao động có chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi đó, trên thị trường lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đây là lí do chỗ thì thừa lao động, trong khi chỗ vẫn thiếu”, ông Nam nhận định.

Một trong các giải pháp để giải quyết vấn đề này, theo ông Nam, trên địa bàn Hà Nội thời gian tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thêm các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho các nhóm phân khúc lao động khác nhau. Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề của các nhóm phân khúc lao động khác nhau sẽ giúp cung – cầu dễ tìm được tiếng nói chung hơn, doanh nghiệp dễ tiếp cận đối tượng lao động phù hợp và người lao động cũng dễ tìm được việc làm phù hợp.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/lech-pha-trong-tuyen-dung-lao-dong-i735484/