Lee Kun Hee: Người hùng đưa Samsung ra tầm quốc tế
Chủ tịch Samsung Electronics, Lee Kun-hee vừa qua đời tại Trung tâm Y tế Samsung ở phía nam Seoul vào Chủ nhật, công ty cho biết. Đây là tổn thất của tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc và là một biểu tượng cho sự vươn lên của quốc gia này.
Cố chủ tịch Samsung Lee Kun Hee. Ảnh: Reuters
Lee Kun-hee, thân thế và sự nghiệp
Lee Kun-hee qua đời ở tuổi 78 tuổi. Trước đó, ông Lee đã phải nhập viện hơn sáu năm sau một cơn đau tim tại nhà riêng ở Itaewon, trung tâm Seoul, vào năm 2014.
"Chúng tôi vô cùng đau buồn khi thông báo về sự ra đi của Lee Kun-hee, Chủ tịch Samsung Electronics. Chủ tịch Lee đã qua đời vào ngày 25 tháng 10, gia đình bao gồm Phó Chủ tịch Lee Jae-yong đã ở bên cạnh ông ấy lúc ông ra đi. Di sản của ông sẽ mãi trường tồn", công ty cho biết trong bản thông báo.
Được biết đến với lối sống ẩn dật, thông tin về ông rất ít được tiết lộ cho cả đến những ngày cuối của đời mình.
Ông Lee Kun-hee kết hôn với bà Hong Ra Hee, người điều hành một phòng trưng bày nghệ thuật trực thuộc Samsung có tên là Leeum. Ông hiện có 1 con trai và 3 con gái.
Lee Kun-hee đóng vai trò quan trọng trong việc biến Samsung thành công ty dẫn đầu trong ngành công nghệ toàn cầu sau khi ông nắm quyền lãnh đạo tập đoàn vào năm 1987 từ cha mình, người sáng lập công ty Lee Byung-chull.
Vào tháng 2 năm 1993, 5 năm sau khi tiếp quản vị trí của cha mình tại Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, Lee Kun Hee, 51 tuổi, bày tỏ sự thất vọng vì không tạo được dấu ấn của mình.
Ông đã triệu tập một nhóm giám đốc điều hành của Samsung Electronics đến một cửa hàng Best Buy ở Los Angeles để kiểm tra thực tế về thương hiệu Samsung. Tại đó, một chiếc TV Samsung phủ đầy bụi nằm trên kệ góc với mức giá rẻ hơn gần 100 USD so với mẫu của đối thủ, Sony Corp.
Sau cuộc họp tiếp theo kéo dài 9 giờ đầy căng thẳng, ông Lee đã bắt đầu một sự thay đổi chiến lược tại Samsung nhằm giành thị phần thông qua chất lượng chứ không phải số lượng.
Đối với ông, khủng hoảng liên tục là tiền đề thúc đẩy sự thay đổi. Lee Kun-hee cũng kêu gọi các nhân viên thực hiện điều tương tự nhằm tránh tự mãn.
Vào giữa những năm 1990, ông Lee đã tự mình thu hồi số điện thoại di động và máy fax kém chất lượng trị giá khoảng 50 triệu USD và phóng hỏa đốt chúng.
Sự tập trung vào khủng hoảng và cách làm việc miệt mài của ông đã giúp ông phát triển công việc kinh doanh mì của cha mình là Lee Byung Chull thành một đế chế kinh doanh rộng lớn, với tài sản trị giá 424 nghìn tỷ won (tương đương 375 tỷ USD) vào tháng 5 năm 2020 với hàng chục mặt hàng, từ điện tử, bảo hiểm, đóng tàu tới xây dựng.
Samsung Electronics đã phát triển từ một nhà sản xuất TV hạng hai thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới theo doanh thu, vượt qua các thương hiệu có tiếng của Nhật Bản như Sony, Sharp Corp và Panasonic Corp. Samsung cũng đã tự tay chấm dứt vị thế thống trị ngành điện thoại của Nokia Oyj và đánh bại Apple Inc trong lĩnh vực smartphone.
Trong một bài luận năm 1997, ông Lee Kun-hee nhớ lại sự thất vọng của mình trước sức ì của đơn vị quản lý: “Môi trường kinh doanh bên ngoài không tốt ... nhưng bên trong không ai cảm thấy lo lắng gì cả... Tôi cần phải thắt chặt việc quản lý một chút và liên tục nhắc nhở mọi người về việc cần phải có cảm giác khủng hoảng”.
Bên cạnh vai trò một doanh nhân thành đạt, Lee Kun Hee từng là thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế từ năm 1996 đến 2017. Năm 2013, Forbes vinh danh Lee là người Hàn Quốc quyền lực thứ hai, chỉ xếp sau Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon.
Biến cố chuyển giao quyền lực
Bốn tháng sau cuộc họp ở Los Angeles, Lee gọi các trung tá của mình đến một phòng họp của khách sạn Frankfurt, nơi ông đưa ra kế hoạch “Quản lý mới”, khuyến khích các giám đốc điều hành “thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con”.
Các cuộc họp điều hành tỏ ra tàn bạo, thường kéo dài đến 10 giờ, với những người tham gia thậm chí ngại uống nước vì họ không muốn làm gián đoạn mạch suy nghĩ của ông Lee.
Sự nhạy bén trong kinh doanh của ông Lee đã khiến ông trở thành đối tượng của sự mê hoặc và đầu cơ bất tận ở Hàn Quốc, nhưng ông vẫn bị nhiều người phê bình vì sự chuyển giao tài sản không rõ ràng đối với đế chế của mình.
Năm 2008, ông Lee bị buộc tội quản lý một quỹ chính trị và giúp các con ông mua cổ phiếu của công ty Samsung với giá rẻ. Các công tố viên không chứng minh được cả hai cáo buộc, nhưng ông Lee vẫn bị kết tội trốn thuế và tham ô. Ông đã xin lỗi và từ chức Chủ tịch Samsung, nhưng đã quay trở lại vị trí của mình 2 năm sau khi nhận được sự ân xá từ Tổng thống Hàn Quốc.
Kể từ đó, ông giao lại công việc quản lý cho một đội ngũ cấp dưới, đồng thời đề bạt con trai mình là Jay Y. Lee lên làm phó chủ tịch, chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực cuối cùng
Khi sức khỏe suy giảm, ông ít quan tâm tới các công việc ở công ty hơn và thường dành nhiều thời gian cho các chuyến nghỉ dưỡng tại Hawaii và Nhật Bản.
Tại trung tâm phát triển nguồn nhân lực của Samsung, hàng chục nghìn nhân viên tham gia các buổi đào tạo đã chú ý lắng nghe một mô hình phòng họp tồi tàn của khách sạn Frankfurt - với đồ nội thất được nhập khẩu đặc biệt từ Đức. Vì hầu hết nhân viên của Samsung đều ở độ tuổi 20 và 30 nên chưa tận mắt trải qua thời kỳ hoàng kim của ông Lee Kun Hee.
Hành động này nhằm nhắc nhở họ về sự cần thiết phải "suy nghĩ trong khủng hoảng".
Ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản
Ông Lee Kun Hee sinh năm 1942 tại làng Uiryeong, miền Nam Hàn Quốc. Ông là con trai thứ ba của người sáng lập Samsung. Ông được gửi đến Nhật Bản vào năm 11 tuổi, ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Cha ông muốn các con trai của mình học cách nước Nhật xây dựng lại từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai.
Ông thừa nhận mình là một người cô độc và cảm thấy khó kết bạn khi trở về một đất nước, nơi đa số người đều không có thiện cảm với nước Nhật. Ông trở lại Nhật Bản để học kinh tế tại Đại học Waseda và ngành quản lý kinh doanh tại Đại học George Washington, Mỹ.
Việc sớm tiếp xúc với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã giúp ông thành lập cơ sở của Samsung Electronics bằng cách thành lập liên minh với những công ty như Sanyo, đồng thời áp dụng công nghệ sản xuất chip và sản xuất TV.
Ông Lee bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực phát thanh truyền hình tại Samsung và dần leo lên vị trí chủ tịch tập đoàn vào năm 1987, phá vỡ tập tục Nho giáo truyền thống rằng con trai cả là người thừa kế.
Anh trai của ông, Lee Maeng Hee là người ban đầu được chọn vào vị trí lãnh đạo công ty vào năm 1967 khi cha ông nghỉ hưu, nhưng phong cách quản lý quá táo báo của ông đã gây ra xích mích với những người thân tín của cha mình.
Người con thứ hai, Lee Chang Hee đã cắt đứt quan hệ với gia đình khi nói với văn phòng Tổng thống rằng cha mình có một quỹ đầu tư trị giá 1 triệu đô la ở nước ngoài.
Ông Lee Buyng Chull đã gửi Chang Hee đến lưu vong tại Mỹ và trở lại làm chủ tịch. Năm 1976, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và giao lại công việc kinh doanh cho Lee Kun-hee. Chang Hee mất năm 1991.
Trong tuyên bố "Quản lý mới" năm 1993 của mình, Chủ tịch Lee đã khuyến khích các giám đốc điều hành "thay đổi mọi thứ" trong nhiệm vụ tái tạo công ty và cung cấp công nghệ đánh bại thế giới.
Những nỗ lực đó đã được đền đáp. Năm 2006, Samsung đã vượt qua Sony để trở thành số 1 trên thị trường TV toàn cầu. Năm năm sau, nó vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Một cựu giám đốc điều hành của Samsung nhớ đến Lee như một nhân vật đã thay đổi không chỉ công ty của riêng mình mà còn cả doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung.
Kim Kyung-won, Phó chủ tịch Đại học Sejong ở Seoul và là cựu giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung cho biết: “Ông ấy là ngôi sao lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp của Hàn Quốc. Tuyên bố về Quản lý mới của ông ấy đã khuyến khích các tập đoàn Hàn Quốc khác theo bước ông ấy. Điều đó đã giúp họ bắt kịp Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, thiết bị gia dụng và đóng tàu".
Lee là người giàu nhất Hàn Quốc, với tổng cổ phiếu nắm giữ trị giá 17,6 nghìn tỷ won (15,6 tỷ USD) tính đến tháng 12 năm ngoái, theo CEO Score, một công ty phân tích doanh nghiệp. Theo sau ông là con trai với 7,4 nghìn tỷ won.
Cho đến nay, Samsung là tập đoàn lớn nhất do gia đình kiểm soát (hay còn gọi là chaebols). Những chaebols này thống trị hoạt động kinh doanh ở Hàn Quốc và thúc đẩy sự chuyển đổi của nó từ một đống đổ nát do chiến tranh tàn phá thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.