'Lên đời' cho xơ mướp
Với sự sáng tạo và khéo léo, các sản phẩm gia dụng độc đáo làm từ xơ mướp an toàn, thân thiện với môi trường của anh Võ Xuân Đặng (xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân) đã chinh phục được một số khách sạn, resort cao cấp ở thành phố lớn trong nước, đồng thời, có đối tác từ Hàn Quốc đặt hàng xuất khẩu sản phẩm trong năm 2023.
Cái duyên với xơ mướp
Là thạc sĩ kinh tế, đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh với mức thu nhập ổn định, năm 2019, anh Võ Xuân Đặng nghỉ việc, “bỏ phố về làng” trồng mướp lấy xơ để gia công thành mặt hàng gia dụng như bông tắm, miếng rửa chén, đai chà lưng… khiến nhiều người bất ngờ.
Anh Đặng cho biết, lúc còn nhỏ thường thấy bố mẹ ở quê sử dụng xơ mướp để rửa chén, chà lưng… rồi trong quá trình đi học và đi làm tại TP. Hồ Chí Minh, anh cũng đã nhận thấy có rất nhiều khách sạn lớn sử dụng các sản phẩm từ xơ mướp để làm bông tắm, đai chà lưng và những sản phẩm gia dụng ở nhà bếp. “Nhưng những sản phẩm này lại có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi đó ở Việt Nam mình trồng rất nhiều mướp. Đặc biệt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân mình ngày càng được nâng cao. Họ đã thay thế những sản phẩm dùng từ nhựa. Vì thế tôi đã nảy sinh ra ý tưởng về quê để làm những sản phẩm từ xơ mướp thân thiện với môi trường, trước mắt là cung ứng cho thị trường trong nước và xa hơn là xuất khẩu đi nước ngoài”, anh Đặng chia sẻ.
Được sự hậu thuẫn từ gia đình, ban đầu, anh Đặng trồng 5 sào mướp hương; đồng thời, đầu tư máy móc, trang thiết bị gia công sản phẩm lên đến hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình, anh Đặng gặp không ít những khó khăn, tưởng chừng như bỏ cuộc. “Mới bước chân vào làm là dịch Covid-19 ập đến. Song, tôi vẫn có niềm tin đối với những sản phẩm này, nó sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác trong thời gian dịch bệnh, mình cố gắng cải tiến chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và chuẩn bị để khi hết dịch thì mình có thể sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, anh Đặng nói.
Cũng theo anh Đặng, để chinh phục được khách hàng sử dụng sản phẩm của mình trong giai đoạn đầu rất khó, họ đòi hỏi về giá thành, về chất lượng và mẫu mã. “Chẳng hạn như, khách hàng họ đòi hỏi cái giá cả của mình phải cạnh tranh như hàng Trung Quốc, chất lượng mẫu mã của mình cũng phải tốt, tốt bằng hoặc hơn những mặt hàng trước đây họ đã sử dụng. Tất cả những điều đó mình phải cố gắng để đáp ứng”, anh Đặng cho biết.
Để làm ra những sản phẩm bông tắm, miếng rửa chén, đai chà lưng... đều phải là mướp già, khô; sau đó được loại bỏ lớp vỏ và hạt chỉ giữ lại xơ mướp. Tùy vào từng sản phẩm mà xơ mướp được cán dày hay mỏng. “Với tiêu chí đặt ra là sản phẩm thân thiện môi trường, nên tất cả các mặt hàng sản xuất đều không dùng chất tẩy trắng hoặc ngâm hóa chất bảo quản. Vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm. Bởi đây cũng là tiêu chí mà chúng tôi cung ứng cho một số khách sạn, resort cao cấp ở các tỉnh, thành phố lớn trong nước với sản lượng hơn 8.000 sản phẩm mỗi năm”, anh Đặng chia sẻ thêm.
Đến ngày hái quả
Hiện anh Đặng chủ yếu cung cấp các sản phẩm trên cho các khách sạn ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội với mức giá trung bình từ 10.000 - 30.000 đồng/sản phẩm. Đặc biệt, đầu năm 2023, đối tác Hàn Quốc đặt hàng 10.000 sản phẩm bông tắm, miếng rửa chén, đai chà lưng và tiếp tục đàm phán cung ứng thêm 30.000 sản phẩm như đế dép, đồ chơi làm từ xơ mướp.
Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, cánh đồng mướp của anh đã lên đến 5 ha, mỗi năm sản xuất 2 vụ để thu hái trái khô phục vụ gia công hàng thủ công mỹ nghệ làm từ xơ mướp. Ngoài ra, anh Đặng còn liên kết với các hộ dân trồng 2 ha bao tiêu với mức giá 3.000 - 5.000 đồng mỗi trái tùy kích cỡ từ 30 - 40 cm, lợi nhuận đạt 50 - 60 triệu đồng mỗi ha nhờ đầu ra ổn định. Đồng thời, cơ sở trồng và gia công mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ xơ mướp của anh Đặng giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 6 - 11 triệu đồng mỗi người một tháng.
Anh Đặng tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm hơn nữa để cung ứng cho thị trường trong nước; đồng thời chào bán một số sản phẩm ra thị trường nước ngoài, với mục tiêu, lan tỏa sâu hơn thông điệp sản xuất xanh đến với người tiêu dùng.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Ngô Đình Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều diện tích đất nông nghiệp canh tác kém hiệu quả. Do vậy, mô hình trồng mướp lấy xơ rất phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương. “Mô hình đã và đang mở ra triển vọng và cơ hội cho nhiều hộ dân nơi đây liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trồng mướp lấy xơ làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ cung ứng cho thị trường, hướng đến xuất khẩu. Qua đó, góp phần chuyển đổi cây trồng hiệu quả, gia tăng giá trị kinh tế mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng trong phát triển nông nghiệp tại địa phương”, ông Chiến nói.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/len-doi-cho-xo-muop-105892.html