'Lên đời' HTX kiểu mới từ tổ hợp tác
Rất nhiều mô hình HTX đang hoạt động hiệu quả, vững chắc nhờ đi lên từ tổ hợp tác. Đây cũng là nguồn lực để khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục lớn mạnh, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác và 45.000 HTX.
HTX Nhung Lũy (thôn Nà Nghè, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) được thành lập vào năm 2018, đi lên từ tổ hợp tác. Từng bước đi này được coi là nền tảng vững chắc để các thành viên phát triển sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Những bước chuyển mình hiệu quả
Bà Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX, chia sẻ khi chuyển từ sản xuất hộ sang tổ hợp tác, các thành viên trong tổ hợp tác đã được trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch và thu nhập kinh tế được nâng lên. Mô hình này cũng từng bước giải quyết được vấn đề xuất nhỏ, manh mún với sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hoàn thiện được sản phẩm OCOP của địa phương, các thành viên nhận thấy việc phát triển lên HTX là cần thiết
“Năm 2018, khi biết đến chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, 8 thành viên đều quyết định chuyển đổi từ tổ hợp tác lên HTX để thực hiện sản xuất theo quy mô lớn hơn, đồng thời đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân”, bà Đinh Tuyết Nhung chia sẻ.
Một điều thuận lợi của HTX là một năm sau khi thành lập đã thu hút thêm 6 thành viên và có 60 hộ tham gia liên kết. Đến nay, HTX đã có 19 thành viên và 100 hộ liên kết. Từ những mảnh ruộng đơn thuần của thành viên, HTX đã nâng diện tích sản xuất lên 50ha thực hiện trồng các loại rau an toàn, dược liệu (10ha), còn lại là trồng rừng.
Từ trồng cây, làm sản phẩm đơn thuần theo kiểu tự cung tự cấp, đến nay, HTX đã sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại để hoàn thiện từ chất lượng đến bao bì, vận chuyển, xây dựng thương hiệu. Đến nay, HTX đã có 2 sản phẩm là Lạp sườn gác bếp và Khẩu mẩy vùng cao được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao. Sản phẩm của HTX đã vào được một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng, siêu thị mini, trạm dừng nghỉ tại các địa phương… Các thành viên cũng có mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng giống như HTX Nhung Lũy, HTX chăn nuôi dịch vụ nông nghiệp MQ (Yên Bái) có những bước đi hiệu quả khi phát triển từ Tổ hợp tác chăn nuôi thôn 7 (xã Minh Quân, huyện Trấn Yên).
Khi chuyển lên HTX, mô hình này đã thu hút được thêm 20 hộ dân có kinh nghiệm đang thực hiện chăn nuôi gà trên địa bàn để cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. HTX cũng liên kết được với doanh nghiệp cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi, các đơn vị thu mua để phát triển theo chuỗi.
Chỉ sau một năm thành lập, doanh thu của HTX đã đạt 29 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng. Bước sang năm thứ hai (năm 2019), HTX tiếp tục phát triển khu chăn nuôi tập trung, kết nạp thêm thành viên, mở rộng liên kết với các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm, cam kết thực hiện nghiêm túc quy trình chăn nuôi.
Từ khi phát triển lên HTX đến nay, việc chăn nuôi của các thành viên thuận lợi hơn, không xảy ra dịch bệnh lớn hay gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hiện, mỗi năm HTX duy trì đàn gà lên đến hơn 100.000 con, doanh thu hàng năm đạt gần 20 tỷ đồng và tạo việc làm cho 40 lao động.
Nhiều thuận lợi
Trên thực tế, đã có nhiều HTX hoạt động hiệu quả nhờ đi lên từ mô hình tổ hợp tác. Điều này cho thấy, phát triển lên HTX là hướng đi đúng đắn và tổ hợp tác cũng chính là nền tảng vững chắc để phát triển các mô hình kinh tế tập thể cao hơn.
Đặc biệt, nhiều tổ hợp tác ngay từ khi thành lập đã có tính độc lập, tự chủ cao, có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng nên tạo được sự liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên. Điều này cũng kích thích các tổ hợp tác phát triển, lớn mạnh đến một mức nào đó sẽ tự nguyện chuyển đổi thành HTX.
Bên cạnh đó, một số tổ hợp tác phát triển lên HTX là do cá thành viên nhận thức được điểm yếu của mô hình tổ hợp tác là khó hoạch định và tiếp cận được chính sách của địa phương, Nhà nước; khó khăn trong giao dịch kinh tế như tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hoặc đầu tư quy mô lớn...
Trong khi đó, việc chuyển đổi từ tổ hợp tác thành HTX đang được Nhà nước và các địa phương khuyến khích, hỗ trợ. Tiêu biểu như khi chuyển đổi, các thành viên sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục chuyển đổi cũng như thủ tục hành chính về thuế và chế độ kế toán tối đa trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chuyển đổi.
Ngoài ra, Nhà nước còn miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX và phí công bố nội dung đăng ký trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan đăng ký kinh doanh.
HTX được thành lập từ tổ hợp tác còn được miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm.
Đặc biệt, HTX chuyển đổi từ tổ hợp tác còn được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo thời hạn do pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định; miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với HTX chuyển đổi từ tổ hợp tác theo thời hạn do pháp luật về đất đai quy định.
Xây nền tảng vững chắc
Có thể thấy, việc phát triển mới HTX từ các tổ hợp tác có rất nhiều thuận lợi. Nhiều tổ hợp tác đã có sẵn các mối liên kết sản xuất giữa các thành viên, đây là một trong những nền tảng quan trọng để hình thành HTX và hoạt động hiệu quả.
Nhiều địa phương nhận thấy tính hiệu quả của việc phát triển tổ hợp tác lên HTX cũng đã khuyến khích, tư vấn cho các tổ hợp tác chuyển đổi và hoạt động. Tiêu biểu như Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, hội làm vườn và trang trại để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi từ tổ hợp tác lên HTX. Sau đó, hỗ trợ các HTX mới thành lập từ tổ hợp tác các thủ tục, tổ chức tốt hoạt động dịch vụ hỗ trợ lập kế hoạch sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cung ứng vật tư, phân bón, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp... một cách phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tổ hợp tác mạnh dạn phát triển lên HTX thì vẫn có những tổ hợp tác chưa mạnh dạn hoặc chưa đủ điều kiện để phát triển lên HTX như: hoạt động chủ yếu mang tính tự phát, theo mùa vụ, số lượng thành viên thay đổi liên tục, các thành viên chưa có hướng đi chung... Do vậy, vẫn có những tổ hợp tác chưa phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế, thiếu tính bền vững nên chưa có nền tảng vững chắc để phát triển thành các HTX. Từ đó, nếu phát triển lên HTX cũng chưa có thế mạnh nội tại để HTX bứt phá, tiếp tục phát triển, hoạt động hiệu quả, bền vững.
Chính vì vậy, việc khuyến khích, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác theo hướng bền vững theo các văn bản pháp luật được cho là điều quan trọng. Đối với những tổ hợp tác đang gặp những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các cơ quan quản lý cần xác định được điểm yếu của mô hình này nhằm có phương án hỗ trợ phù hợp để các tổ hợp tác phấn đấu vươn lên, nhận thấy những giá trị của liên kết sản xuất hàng hóa, sản xuất theo chuỗi.