Lên đời nghề tài xế
Những ngày Tết, các tài xế vẫn miệt mài trên những cung đường. Dù lái xe tải hay xe khách, các bác tài đều góp phần cho những ngày Tết thêm trọn vẹn.
Nghề tài xế xưa và nay
Chạng vạng chiều mùng 4 Tết Ất Tỵ, ông Nguyễn Công Thạnh (70 tuổi) ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ rời bến xe Cần Thơ sau chuyến xe từ TP.HCM trở về. Ông kể, ở độ tuổi này, ông đã bôn ba không biết bao nhiêu chuyến xe xuôi ngược từ Nam ra Bắc.
"Đi xe khách giờ khỏe re, tài xế, nhân viên lịch sự, chăm sóc hành khách từng chút một. Chẳng bù với mấy chục năm trước, hành khách lên xe, tài xế, phụ xe nói động tới mình chỉ biết ngồi im thin thít", ông Thạnh kể.
Theo lời kể của ông Thạnh, khoảng 20 năm trước, khi xe dù, bến cóc vẫn còn nhan nhản, người dân khi có nhu cầu đi lại chỉ biết bảo nhau đứng ngã ba, ngã tư để bắt xe. Lên xe, khách kì kèo trả giá từng đồng bạc để có một chuyến đi vừa bụng.
"Đường sá bây giờ quá đẹp, nhiều nơi có đường cao tốc. Xe chạy nền nếp, nhà nước quản lý nghiêm, dân được nhờ lắm. Cũng nhờ đó mà cái nghề tài xế xưa và nay có nhiều cái khác", ông Thạnh đúc kết.
Hình ảnh nghề tài xế ngày xưa trong mắt những người lớn tuổi là một nghề thu nhập khá, nhưng bôn ba "ăn bờ ngủ bụi" và nhiều rủi ro. Nhà nào có con gái, cha mẹ sẽ thường e dè khi kén rể làm nghề tài xế.
Nhưng hiện nay, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, nhu cầu đi lại, vận chuyển mỗi lúc mỗi nhiều. Từ đó, hình ảnh người tài xế cũng được nhìn nhận theo hướng tích cực. Nghề lái xe không còn là lựa chọn cuối cùng của những thanh niên mới lớn khi hướng nghiệp như trong suy nghĩ của nhiều người.
Anh Trần Công Danh (33 tuổi) ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ cầm vô lăng xe tải đã được 6 năm kể: "Hồi trước, tôi học hành xong cũng đi tìm việc khắp nơi mà khó quá. Sau đó đi học cái bằng lái (giấy phép lái xe) xe cho biết. Đến cuối cùng nghề tài xế vận vô người rồi theo đến nay".
Với nghiệp cầm vô lăng bao năm qua, anh Danh nuôi sống gia đình bốn thành viên. Tài xế không còn là công việc tạm thời mà đã trở thành chí lập nghiệp của anh. Để gắn bó lâu dài với nghề, anh cũng đặt ra những nguyên tắc, duy trì những thói quen cho mình.
"Đi đường lạ thì phải quan sát biển báo, biển chỉ dẫn, tuân thủ tốc độ, chạy đúng làn, không ráng vượt đèn xanh những giây cuối là những điều tôi luôn phải ghi nhớ. Chạy xe phải an toàn cho mình, cho người khác", tài xế Danh nói.
Không sử dụng rượu bia là một lợi thế
Thời điểm quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông được siết chặt, nhiều tài xế lo sợ bị tạm giữ bằng lái, cần câu cơm bị gián đoạn thì tài xế Nguyễn Hải Đăng Quỳnh (37 tuổi) ngụ thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước cười tủm tỉm vì đây là lợi thế của mình.
"Cha và mấy anh trai tôi không ai uống rượu bia, đám tiệc nào cũng ngồi uống nước lọc, nước ngọt. Lái xe nào sợ bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn chứ tôi thì tự tin lắm", anh Quỳnh cười nói.
Dù vậy, tài xế này vẫn tâm niệm rằng, việc bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn không đáng nói so với việc đảm bảo an toàn cao nhất cho bản thân, hành khách và người đi đường.
Có gần 10 năm trong nghề tài xế, cầm lái từ xe tải đến xe khách, anh Quỳnh vẫn nhận mình là một tài xế trẻ dù đã đi dọc ngang hết đất nước.
"Trước khi chọn nghề tài xế làm kế sinh nhai, tôi là một người yêu xe. Tôi thích những gì liên quan đến xe nhưng không hợp với nghề sửa xe. Cuối cùng, tôi chọn nghề lái xe và quyết tâm sống tử tế với nghề", anh Quỳnh chia sẻ.
Những ngày Tết, kết thúc mỗi chuyến xe đưa đón hành khách đi đến nơi, về đến chốn, anh Quỳnh cảm thấy ấm lòng khi nhìn thấy những nụ cười đoàn viên. Làm nghề lâu năm, anh cho rằng, không phải chỉ biết lái xe, có bằng lái là hành được nghề.
"Tôi rèn cho mình được ý thức, trách nhiệm khi cầm lái. Người ta nói hãy lái xe bằng cả trái tim, thì tôi là người như vậy", anh Quỳnh nói.
Cũng là người yêu nghề, nhưng anh Quách Hải Nam (25 tuổi) ngụ Cà Mau cho biết, lý do chọn nghề tài xế vì là người thích xê dịch.
"Tôi thích đi đây đó, ngắm mọi cảnh đẹp, ăn những món ngon nên nghề tài xế là quá hợp. Sau 3 năm theo nghề, tôi còn nhận ra rằng mình học được nhiều điều sau mỗi chuyến xe nhờ tiếp xúc nhiều người. Những điều này giúp tôi thêm gắn bó với nghề", anh Nam chia sẻ.
Dịp Tết, anh Nam chỉ về thăm gia đình đúng một ngày mùng 1, còn lại anh vẫn bôn ba trên những nẻo đường đưa khách du xuân. Tài xế trẻ này tiết lộ, nghề cho anh thu nhập ổn định và rèn cho anh tính kỷ luật khi làm việc. Ngay cả cha mẹ anh cũng thấy sự trưởng thành của con trai sau ba năm hành nghề và họ ủng hộ anh gắn bó với nghề.
Đối với Nghị định 168/2024/NĐ-CP, trong đó tăng mức phạt tiền đối với nhiều lỗi vi phạm giao thông, những tài xế như anh Danh, anh Quỳnh, anh Nam đều cho rằng là cần thiết khi hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, lượng phương tiện giao thông tăng mỗi ngày. Việc tăng mức tiền phạt sẽ nâng tính răn đe, giúp tài xế tham gia giao thông có ý thức hơn.
"Những quy định này sẽ giúp anh em tài xế thay đổi các thói quen xấu khi lái xe. Có vậy mới giảm tai nạn, kẹt xe ở các thành phố lớn", tài xế Trần Công Danh nêu ý kiến.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/len-doi-nghe-tai-xe-192250202172827682.htm