Lên Mù Cang Chải dự Festival Khèn Mông và ngắm 'Pằng Tớ Dày'

Trong tháng 12/2023 - Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái trở thành địa phương được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi chỉ còn ít ngày nữa thôi, nơi đây sẽ diễn ra một sự kiện lớn nhằm quảng bá di sản địa phương. Lên với Mù Cang Chải thời điểm này, ngoài được tham gia nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn trong Festival khèn Mông, du khách còn được đắm chìm và mê hoặc trong sắc hồng của loài hoa 'đặc sản' riêng có của núi rừng Tây Bắc - 'Pằng Tớ Dày' (hoa Tớ Dày).

Lên với Mù Cang Chải dịp cuối tháng 12 này, du khách sẽ được đắm chìm trong sắc hồng của hoa Tớ Dày và cảm nhận được sự gần gũi, chân chất của người vùng cao nơi đây.

Lên với Mù Cang Chải dịp cuối tháng 12 này, du khách sẽ được đắm chìm trong sắc hồng của hoa Tớ Dày và cảm nhận được sự gần gũi, chân chất của người vùng cao nơi đây.

>> Từ 23/12, nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Festival trình diễn khèn Mông

Mù Cang Chải - nơi có những thửa ruộng bậc thang trải khắp như những nấc thang bắc tới chân trời đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Nhưng từng đó chưa đủ bởi mảnh đất, con người Mù Cang Chải còn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu khác. Và tại Festival khèn Mông và Lễ Công bố quyết định đưa nghệ thuật Khèn của người Mông, nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023 sẽ khai mạc tại huyện Mù Cang Chải vào ngày 23/12 tới đây sẽ đưa du khách đến với những điểm nhấn đặc sắc cùng trải nghiệm khác biệt trên miền Danh thắng.

"Tinh hoa nghệ thuật khèn Mông” với điểm nhấn là màn đồng diễn nghệ thuật khèn Mông có sự tham gia của 1.000 nghệ nhân, diễn viên của huyện Mù Cang Chải sẽ cho du khách thấy được giá trị nghệ thuật cao trong nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông mang vẻ đẹp từ khuôn hình cho đến ý nghĩa nhân sinh.

Người Mông ở tỉnh Yên Bái sáng tạo ra những âm thanh, động tác, đường nét biểu diễn khèn trong những không gian văn hóa khác nhau nhằm thể hiện cảm xúc, tâm tư, tình cảm, thẩm mỹ của tộc người. Với sự kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa với cây khèn, người múa say sưa thể hiện các bài khèn, kèm theo là các động tác nhuần nhuyễn.

Thổi khèn đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Trong múa khèn của người Mông các động tác, tư thế được sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa, không sao chép hiện thực, mà nó dùng hình tượng sinh động cụ thể và gợi cảm để phản ánh và truyền tải hiện thực.

Sự phản ánh hiện thực ấy được thông qua lăng kính và cái nhìn của con người với những cảm xúc thẩm mỹ, sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, ý nguyện, tình cảm và những khát vọng vươn tới cái chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng tộc người. Đó chính là cái đẹp, cái cao cả của giá trị nghệ thuật đích thực mà nghệ thuật trình diễn khèn mang lại.

Cùng với đó, đến với Mù Cang Chải trong dịp này, du khách sẽ được hòa mình trong Không gian Văn hóa Dân tộc Mông, Không gian Chợ phiên để cảm nhận được nét đẹp văn hóa riêng biệt cùng những phong tục, tập quán của người dân địa phương; chiêm ngưỡng sự khéo léo của các nghệ nhân, người dân trong chế tác khèn Mông, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải…

>> Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ công bố Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Khèn Mông

Đặc biệt, cũng đúng dịp lễ hội này, du khách sẽ được mộng mơ, mê mẩn với sức hút khó cưỡng trong sắc hồng hoa Tớ Dày - loài hoa thuộc loại cây thân gỗ, chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Với đặc thù thời tiết càng lạnh thì hoa nở càng đẹp, loại hoa rừng thuộc họ hoa đào được người Mông ở Mù Cang Chải gọi là "Pằng Tớ Dày” dịch theo nghĩa tiếng Việt là "hoa đào rừng”. Hoa thường nở vào gần cuối tháng 12, trước hoa đào khoảng một tháng.

Đồng bào Mông ở đây quan niệm, vào dịp đất trời chuyển mình sang xuân, sau một năm lao động vất vả, mùa vàng bội thu, thóc đã đầy nhà, nhìn lên đỉnh núi thấy những cây Tớ Dày nở hoa đỏ thắm núi rừng thì cũng là lúc những chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong bộ váy mới, luyện tập những điệu khèn, điệu múa chuẩn bị những quả Pao để chơi Tết. Nhiều năm gần đây, vào mùa Tớ Dày nở bung, kết thành chùm đung đưa trong gió là thời điểm hò hẹn của nhiều du khách cũng như những tay máy có tâm hồn lãng mạn.

Chị Nguyễn Hồng Vân, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết: "Mùa hoa Tớ Dày năm trước, trên Facebook và các trang mạng xã hội đăng rất nhiều bộ ảnh đẹp của các bạn chụp với hoa Tớ Dày, tôi rất mê. Năm nay, gia đình tôi sẽ bố trí thời gian, tranh thủ lên Mù Cang Chải vào cuối tuần để chiêm ngưỡng vẻ đẹp miền sơn cước và set-up một bộ ảnh chào xuân mới 2024”.

Mù Cang Chải những ngày này đang tích cực chuẩn bị chu đáo cho mùa lễ hội vùng cao, tôn vinh và giới thiệu đến du khách những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông. Sự kiện này cùng với các điểm du lịch nổi tiếng của huyện, những bản sắc văn hóa độc đáo cùng sự chân chất, giản dị của người dân nơi vùng cao này sẽ đưa Mù Cang Chải trở thành điểm đến hấp dẫn được du khách lựa chọn để khám phá theo cách đặc biệt nhất.

Thanh Chi

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/305373/len-mu-cang-chai-du-festival-khen-mong-va-ngam-pang-to-day.aspx