Lên núi trồng cây
Cuối tuần qua, chúng tôi cùng nhau lên núi Chư Nâm (huyện Chư Păh) để tiếp tục hành trình leo núi trồng cây mà nhóm đã gầy dựng mấy năm trước. Chúng tôi hy vọng Chư Nâm sẽ ngày một thêm xanh.
Cách đây 3 năm, khi tham gia leo núi cùng anh Đinh Việt Thanh-Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), chúng tôi bàn với nhau cùng cõng cây con lên núi góp tay gieo những mầm xanh trên dãy Chư Nâm.
Để cây phát triển tốt, chúng tôi thường tiến hành trồng trong mùa mưa, khi những con đường dốc ngược lên núi trơn trượt. Ngày nắng, để leo lên đỉnh núi cao 1.472 m đã là một thử thách với nhiều người. Vậy nhưng, khi lên núi trời mưa, chúng tôi lại có một cảm giác rất riêng khi cõng thêm cây và hạt giống trên vai. Bên ngoài là áo mưa mỏng, giày dép chắc đế để giúp đôi chân vững chãi.
Đường vẫn mưa và trơn, lắng tai nghe tiếng thở và bước chân xào xạo. Mùa mưa, đường lên núi xanh um và cây cối mọc chen ra đường, che khuất lối mòn. Đường đi đã được các bạn đi trước đánh dấu bằng sơn đỏ vàng, chỉ dẫn để ai cũng có thể dễ dàng tìm đường lên đỉnh núi. Mỗi người đi qua đều nhắc nhau không bẻ cây, chú ý nhặt rác để làm sạch rừng.
Đến nơi có gốc cây bị chết khô còn trơ gốc, chúng tôi trồng ở đó 1 cây mít. Sau khi đào hố, trồng xong, cẩn thận bẻ lá xung quanh che chắn cho cây non, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Đến bãi đất bằng, nơi đỉnh núi nhỏ trơ đá núi, chúng tôi dừng chân. Cánh đàn ông con trai tiến hành đào đất, còn phụ nữ chúng tôi và trẻ em thì nâng niu trồng xuống những cái cây nhỏ được nhổ từ vườn.
Mọi người tập trung làm việc trong tiếng râm ran cười đùa. Năm trước, chúng tôi đã trồng hàng trăm cây rải rác, đến năm nay lên lại, chỉ thấy 2 cây còn sống. Những bụi hoa cánh bướm được các bạn khác gieo trồng cũng rắn rỏi mọc lên để hứng mây ban sáng.
Điều tôi tâm đắc hơn cả là mỗi ngày, nhóm leo núi trồng cây của chúng tôi lại kết nạp thêm thành viên mới. Dù trời có mưa, nhưng chúng tôi vẫn lên lịch và quyết tâm thực hiện với hy vọng, sau 10-15 năm nữa, nơi này sẽ có những bóng mát xanh um.
Chị Lê Thị Hạnh-Thành viên của nhóm-chia sẻ với tôi: “Mặc dù tôi chưa từng biết trồng cây là như thế nào nhưng vẫn tham gia, khi đi thì còn mang theo hạt giống nữa. Tôi chọn hạt bí đỏ, cà tím, hoa bươm bướm. Nếu cây sinh trưởng, có hoa, có quả thì sẽ là món quà cho những người lên núi sau này. Còn gia đình chị bạn tôi lại mang theo cây ăn quả, cây gỗ lâu năm.
Chúng tôi mong cây lớn lên, tỏa bóng mát, góp phần làm đẹp thêm cho ngọn núi. Leo núi trồng cây là một trải nghiệm tuyệt vời với tôi. Lần sau, tôi sẽ cho cả cậu con trai học lớp 6 tham gia để cháu có thêm trải nghiệm thú vị từ hoạt động này”.
Đọc cuốn “Người trồng rừng” của Jean Giono, tôi đã rất thích thú khi hiểu được thông điệp mà tác giả gửi tới bạn đọc: Hãy sống hiền hòa với tự nhiên, hãy bắt đầu trồng một cánh rừng bằng gieo hạt một cái cây. Cuốn sách cũng dạy chúng ta về sự bền bỉ, kiên trì, cho đi mà không hề vụ lợi hoặc tính toán. Người trồng rừng đã khuyến khích mọi người yêu cây và có cảm hứng trồng cây.
Khi trồng một cây xanh, tôi lại nhớ lại lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Vậy nên, trong lúc gieo mầm cây xuống đất, tôi cũng đã gieo vào tâm trí các con mình lợi ích của tình yêu khi kết nối với thiên nhiên. Và rất mong việc làm này trở nên phổ biến.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/len-nui-trong-cay-post285439.html