Lên núi xem người Cơ Tu kết nghĩa
Những hận thù, hiềm khích và cả nợ máu được người dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam) hóa giải bằng lễ kết nghĩa. Lễ kết nghĩa là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Cơ Tu sống giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Lễ hội trở lại với vùng cao
Những ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có dịp lên huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đúng đêm lễ hội ngày đoàn kết của người Cơ Tu lần đầu được tổ chức ở đây. Phải 20h lễ hội mới bắt đầu, thế nhưng từ chiều tối đồng bào sống ở các bản làng xa xôi của huyện Đông Giang đã rồng rắn kéo về thị trấn Prao.
Sân trung tâm văn hóa thể thao huyện Đông Giang trước giờ khai lễ đã không còn chỗ trống. Một màn hình led cỡ lớn được dựng ngay sân khấu của chương trình. Sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành “phố núi” Prao mới vui nhộn trở lại như vậy.
Ông AVô Tô Phương (Chủ tịch UBND huyện Nam Giang) cho biết: Từ xa xưa, người Cơ Tu luôn giữ mối quan hệ thân thiết giữa làng này với làng khác, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng giữa núi rừng. Trong đó, lễ kết nghĩa truyền thống để kết mối thân giao, giải quyết mâu thuẫn, tạo sự hài hòa trong cuộc sống và mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gắn kết cộng đồng, làng bản.
Ngày nay, lễ kết nghĩa thường được tổ chức không xuất phát từ sự mâu thuẫn, mà cao hơn là để giữ mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, đoàn kết bền chặt, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị và giao lưu văn hóa...
Lễ kết nghĩa người Cơ Tu gọi là prơngooch có nghĩa là prơliêm (làm mối quan hệ tốt đẹp hơn), prơ âm (mời uống rượu với nhau để giữ mối quan hệ gắn chặt, đậm tình). Già làng Arâl Chớp (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) cho biết: Lễ kết nghĩa tồn tại đến nay tạo ra tính nhân văn trong mối quan hệ giữa làng với làng, xã với xã trong cộng đồng người dân vùng cao.
Hoạt cảnh trên sân khấu tái hiện nghi lễ kết nghĩa. Để phục vụ người dân và du khách chính quyền huyện thuê hẳn đội ngũ media chuyên nghiệp quay và chiếu trên màn hình led.
“Hôm đi qua huyện Nam Giang xem lễ hội cồng chiêng, thấy bên đó trình chiếu lễ qua màn hình lớn, bà con rất thích thú. Thấy hay nên Đông Giang về học tập.
Nếu tái hiện nghi lễ trên sân khấu, ngồi xa bà con, du khách chỉ nghe âm thanh, không trực quan sinh động, đặc tả từng nghi lễ chi tiết thì sẽ không cuốn hút được. Ê kíp quay phim xịn xò từ phố lên, bà con theo dõi từ đầu đến cuối, không ai rời mắt khỏi màn hình. Đó là thành công của một lễ hội khi níu chân được người dân, du khách đến tận những phút cuối” ông Phương nói.
Độc đáo
Hoạt cảnh lễ kết nghĩa giữa thị trấn Prao và xã Tà Lu được tái hiện trên sân khấu với đầy đủ nghi lễ truyền thống hết sức độc đáo. Nhiều du khách nước ngoài có mặt phải tròn mắt dõi theo đầy thích thú.
Sân khấu tái hiện trong ngày tổ chức lễ kết nghĩa, trước khi xã Tà Lu có mặt, tại thị trấn Prao dân làng đã tổ chức lễ cúng để báo với Giàng, với thần linh, trời, đất đang bảo vệ, che chở cho người dân thị trấn về việc tổ chức lễ kết nghĩa với xã Tà Lu. Họ cầu cho Giàng, thần linh, trời, đất đừng trách móc mà hãy phù hộ cho hai xã tổ chức lễ suôn sẻ, không để xảy ra những điều không hay trong ngày hôm nay và sau này.
Khi người dân xã Tà Lu đến địa điểm tổ chức, người dân Prao mang theo cơm lam, bánh sừng trâu, xôi, gà, vịt, cá, ếch, rượu cần, rượu tà vạc, tấm tút…Khi đã tiếp nhận các lễ vật, mời rượu xong là phần nói lý, hát lý.
Già làng ALăng Cháy, Alăng Lâm được xã Tà Lu cắt cử để hát lý, nói lý. Bên kia, già làng Alăng Linh và Alăng Vôr cũng được thị trấn Prao cử ra đối đáp. Nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu mang tính ứng khẩu nhanh, thấu tình đạt lý, phức tạp sâu lắng về ý tứ, cô đọng về tính chất, thâm thúy về nội dung. Từ đó bắt đối phương phải suy nghĩ cân nhắc và chắt lọc am hiểu để hát trả đối phương của bên hát trước. Nói lý, hát lý có những cách thể hiện khác nhau.
Do vậy, không phải ai cũng có thể am hiểu hết được nghĩa của việc nói lý, hát lý. Theo các già làng, muốn nói lý, hát lý được hay, ứng khẩu giỏi cần phải nghe nhiều, am hiểu và sống trong cộng đồng thì mới học nói lý, hát lý được. Để muốn hát lý trước thì phải có nói lý.
Năm 2015, nói lý, hát lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Do đó tại mỗi lễ hội, ngày vui của gia đình, làng, xã nói lý hát lý là nghệ thuật diễn xướng dân gian của người Cơ Tu không bao giờ thiếu được.
Tại lễ kết nghĩa nói lý, hát lý đều mang ý nghĩa về kết nghĩa, tình đoàn kết giữa hai bên. Trước đây mối quan hệ đã hài hòa tốt đẹp và sau khi tổ chức lễ kết nghĩa thì càng tốt đẹp, gắn chặt hơn.
Dân có nguồn thu từ bảo tồn văn hóa
Ông AVô Tô Phương, Chủ tịch UBND Đông Giang bộc bạch: “Người dân Cơ Tu có nhiều nét văn hóa đặc sắc hết sức hấp dẫn. Bên cạnh việc bảo tồn, huyện đang nỗ lực kết nối với các công ty lữ hành, tập đoàn lớn để đưa lễ hội mừng lúa mới, lễ khánh thành Gươl, nhà mới, lễ kết nghĩa…của bà con đến các địa điểm du lịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng để phục vụ du khách. Việc này vừa bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc, vừa góp phần tạo thu nhập cho bà con, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh trên địa bàn”. Mới đây nhất, khu du lịch Cổng trời Đông Giang được đưa vào hoạt động, đội múa, đội cồng chiêng của bà con thị trấn Prao đã được lựa chọn để trình diễn lễ hội và múa truyền thống phục vụ du khách, giúp người dân có thêm nguồn thu từ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Sau khi đã nói lý, hát lý xong, hai bên cùng nhau tổ chức cúng báo với Giàng, thần linh, trời, đất hai bên tổ chức kết nghĩa. Các vị già làng uy tín của 2 địa phương cúng rằng: “Lạy Giàng, trời đất, tổ tiên! Hôm nay thị trấn Prao và xã Tà Lu tổ chức cầu cho mọi người luôn mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, kiếm được nhiều lúa thóc, hai bên không xảy ra tranh chấp mâu thuẫn.
Từ nay về sau thị trấn và Tà Lu xem như một nhà, luôn đoàn kết để phát triển kinh tế, gìn giữ quê hương Đông Giang giàu đẹp. Các thần linh, Giàng, núi rừng sông suối đừng thấy làm lạ vì hôm nay hai bên chúng tôi tổ chức lễ kết nghĩa.
Để hằng năm chúng tôi luôn được ngồi với nhau, không ai phải gặp điều không hay. Hai bên chúng tôi kính dâng rượu, trà tất cả các đồ ở đây đến các thần linh, tổ tiên, trời đất, sông suối chứng kiến cho lòng thành của chúng tôi để hai bên từ đây về sau mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, tình nghĩa bạn bè, anh em bền lâu”.
Khi các già làng xong lễ cúng, cũng là lúc tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã núi rừng. Trong trang phục truyền thống, người dân nhảy múa điệu Tân Tung, Dá Dá quanh cây nêu mừng lễ kết nghĩa đến tận khuya.
Theo Nguyễn Thành (TPO)
https://tamviet.tienphong.vn/len-nui-xem-nguoi-co-tu-ket-nghia-post1457926.tpo