Lên rẫy ngày xuân
Sau những ngày tết, mọi người trở lại với guồng quay thường ngày. Những con đường mòn vào các triền đồi lại trở nên nhộn nhịp, nhà nhà lên rẫy, khung cảnh bỗng trở nên sáng bừng, tươi mới.
Hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi cũng như rất nhiều gia đình công nhân, viên chức, ngoài đồng lương ít ỏi còn phát thêm 1 - 2 đám rẫy để trồng trọt tự túc lương thực. Vì thế, những khu đồi cách thị xã hồi ấy khoảng 5 - 7 cây số như Khuổi Khoang, Nà Ké, Nà Lũng… không có một chỗ nào đất trống. Theo mùa, những đám rẫy lần lượt được phủ bởi màu xanh của sắn, lúa, đỗ xanh, đỗ tương… Ký ức của tôi thời thơ ấu cũng như bao đứa trẻ khác là ngày Chủ nhật được theo bố mẹ lên rẫy. Với tôi, một ngày ở trong rừng không chỉ là một ngày với bao khám phá thiên nhiên mà tâm hồn trẻ thơ thả sức bay bổng với những tưởng tượng diệu kỳ.
Mùa xuân đến trải những giọt nắng vàng ấm áp như một tấm thảm mềm mại trên các sườn đồi, xua tan cái lạnh lẽo và màu bàng bạc của mùa đông. Những chồi non bắt đầu cựa quậy, nhú lên, nổi bật là màu xanh mơn mởn của lá cây sau sau. Thấp thoáng trên sườn đồi, cây gạo đang chuẩn bị thắp lên những đốm lửa hồng tít trên cao. Thường thì các gia đình đi xe đạp rồi gửi xe ở các nhà ven rừng và đi bộ khoảng 1 - 2 km men theo đường mòn để vào đồi, vào rẫy. Trời đã sang xuân nhưng những ngọn cỏ, cành cây ven đường còn ướt đẫm sương đêm. Khác với ngày thường, lên rẫy sau Tết ngoài cơm nắm còn có bánh chưng, thịt gà, bánh khảo, bánh trà lam đựng trong túi nải. Trên các sườn đồi đều có người làm rẫy với những công việc như phát cỏ, đốt cỏ, cuốc đất, gieo hạt…
Tiếng nói chuyện râm ran phá tan không khí tĩnh lặng của khu rừng. Tùy theo sức của mình, nhưng thường các anh chị lớn hơn giúp bố mẹ lao động, còn tôi bé nhất sẽ được bố chọn cho một khoảng đất bằng rồi trải áo mưa hoặc lá cây để ngồi. Công việc của tôi là lấy nước, nón hoặc khăn lau mồ hôi cho ai cần và canh chừng không để đàn kiến bò vào túi đồ ăn trưa. Giữa mênh mang núi rừng, tôi hay tưởng tượng có cô tiên hiện ra để cho ba điều ước, trước tiên tôi sẽ ước đám rẫy được cuốc lên xong xuôi, bố mẹ tôi chỉ việc gieo hạt, điều thứ hai là kỳ nghỉ tết được kéo dài thêm…
Đến giữa buổi, các gia đình í ới gọi nhau nghỉ giải lao, mời nhau ăn những thức quà của nhà mình. Lúc này, những món ăn trở nên ngon lành đến khó tả. Cũng trong lúc nghỉ ấy, người lớn hay kể chuyện cho đám trẻ con để không khí vui vẻ, quên đi nỗi mệt nhọc. Những câu chuyện huyền ảo, ly kỳ làm cho lũ trẻ mê tít mà chỉ mong đến ngày Chủ nhật lại được đi rẫy. Chỉ vài hôm nữa thôi, sau một vài cơn mưa xuân, rừng xanh hào phóng ban tặng cho con người những sản vật miền sơn cước. Đâu đó ở bờ rẫy, đám rau ngải vươn mình lên khỏi những hốc đá, tỏa mùi thơm ngai ngái. Khi cái nắng giữa xuân bắt đầu trở nên đậm đà hơn và rừng rộn rã tiếng ve (không phải ve sầu mùa hè, tôi chỉ biết tiếng Tày gọi là mèng nhoi) cũng là lúc các loại rau rừng như ngót, dạ hiến tua tủa vươn mình trên đám dây leo chằng chịt. Cuối xuân, điều được mong chờ nhất khi lên rẫy là thưởng thức dòng mật ngọt thơm từ những quả vả đỏ sẫm, cùng các anh bẫy chim sẻ và nướng ăn ngay tại rẫy, hay đốt đống lửa to vùi khoai vào nướng ăn thơm phức… Cả một mùa xuân với những màu sắc, những âm thanh, là những thú vị riêng.
Việc được lên rẫy ngày xuân để tha hồ hít hà mùi hương của lá rừng, hòa mình vào những nốt nhạc trầm bổng của non ngàn đã trở thành một phần tuổi thơ của tôi cũng như rất nhiều người cùng thế hệ. Nhờ những đám rẫy mà bao gia đình công nhân, viên chức thời đó tuy nghèo nhưng đám trẻ con chúng tôi không quá thiếu thốn. Nhờ những buổi đi rẫy mà chúng tôi được rèn luyện lao động, biết quý trọng thành quả từ những giọt mồ hôi đổ xuống. Nhờ những buổi lên rẫy ngày xuân, tôi được thắp lên ngọn lửa hy vọng về một mùa bội thu.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/len-ray-ngay-xuan-3167683.html