Lên Sơn Trà ngắm voọc chà vá chân nâu
Những ngày này, trong tiết trời cuối xuân đầu hạ, cây cối tốt tươi, rừng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) lại nhộn nhịp du khách lên ngắm voọc chà vá chân nâu - loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm và tuyệt đẹp của Việt Nam. Hãy cùng phóng viên của Báo Nhà báo & Công luận lên Sơn Trà khám phá vẻ đẹp của loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này.

Voọc chà vá chân nâu có tên tiếng Anh là “Red-shanked douc langur” và tên khoa học là “Pygathrix nemaeus”. Ở Việt Nam, tùy theo vùng miền và đặc điểm nhận dạng mà nó còn có những tên gọi khác nhau như: khỉ bảy màu, khỉ chú lính, khỉ giáo hoàng, con giấu đầu hở đuôi, con dọc, hoặc con hoa…

Sở dĩ gọi voọc chà vá chân nâu là con “giáo hoàng” vì nó có bộ lông sặc sỡ và quyền quý; hoặc gọi “khỉ bảy màu” vì lông nó có đến 7 màu sắc khác nhau; hoặc ít gọi hơn là “khỉ chú lính” vì trên đầu nó có vành lông đen trông như chú lính đội cái mũ bê rê; hay gọi là con “giấu đầu hở đuôi” vì nó có thói quen che mặt bằng cành lá nhưng lại để lộ cái đuôi dài rất dễ nhận thấy.

Voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm khỉ cựu lục địa (Old World Monkey), bộ linh Trưởng (Primates), họ khỉ (Ceropithecidae) và chi chà vá (Pygathrix).

Về cơ bản, voọc chà vá chân nâu gần giống với voọc chà vá chân xám và voọc chà vá chân đen, chỉ khác nhau đặc trưng ở màu sắc cẳng chân là nâu, xám và đen. Các nghiên cứu giải mã gene cho thấy voọc chà vá chân nâu được hình thành cách đây hơn 1 triệu năm và có mối quan hệ gần với loài voọc chà vá chân xám hơn là loài voọc chà vá chân đen.

Loài Voọc chà vá chân nâu được mô tả và đặt tên lần đầu tiên vào năm 1771 bởi nhà khoa học Linnaeus. Tại bán đảo Sơn Trà, quần thể voọc chà vá chân nâu được phát hiện từ những năm 1969 bởi Van Peenen và cộng sự.

Trên thế giới, voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy trường Sơn trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, và một phần nhỏ ở đông bắc Campuchia. Quần thể lớn nhất hiện nay được ghi nhận tại miền Trung của Lào.

Ở Việt Nam, quần thể được ước tính có số lượng lớn nhất tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với số lượng dao động từ 445 – 2137 cá thể.

Tại bán đảo Sơn Trà, theo nghiên cứu mới nhất của GreenViet - Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực Bảo tồn Đa dạng Sinh học khu vực miền Trung – Tây Nguyên - Sơn Trà đang là ngôi nhà sinh sống của hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu, và đây là quần thể lớn nhất, bền vững nhất hiện nay của loài.

Voọc chà vá chân nâu con đực trưởng thành có kích thước lớn hơn nhiều so với con cái trưởng thành. Chiều dài từ mông đến đỉnh đầu của 1 con đực trưởng thành khoảng 55-63cm, trung bình là 59.6cm, con cái trưởng thành là 50-57cm. Về cân nặng, con đực trưởng thành cân nặng dao động từ 5.8 – 11kg, trong khi đó con cái chỉ cân nặng khoảng 6.4 – 8kg.

Cả hai con đực và cái trưởng thành đều có màu sắc giống nhau. Trên khuôn mặt của con trưởng thành cái và đực đều có bộ râu trắng dài quanh mặt.

Các kết quả ghi nhận từ thực tế tại các khu rừng tự nhiên cho đến các khu cứu hộ động vật đều ghi nhận voọc chà vá chân nâu có thể sinh sản quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm sinh sản cao nhất trong năm thường là mùa khô vì có thể có liên quan đến sự dồi dào của nguồn thức ăn và điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của con non.

Voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm khỉ ăn lá, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn ăn thêm quả hoặc hạt tùy theo mùa khác nhau. Các nghiên cứu trong điều kiện nuôi nhốt đã ước tính được 1 cá thể voọc trưởng thành ăn trung bình 1.79kg lá cây mỗi ngày.

Sắc vàng của loài hoa lim xẹt ở Sơn Trà thường nở rộ vào dịp khoảng từ tháng ba đến tháng tư dương lịch, đây cũng là loài thực vật thu hút sự ưa thích của voọc chà vá chân nâu

Du khách và giới săn ảnh voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/len-son-tra-ngam-vooc-cha-va-chan-nau-10287046.html