Lên TP Thủ Đức, chuyển đổi giấy tờ ra sao?

Từ ngày 1-1 đến 1-3, người dân các quận 2, 9, Thủ Đức vẫn sử dụng giấy tờ cũ, giao dịch thủ tục hành chính bình thường. Sau thời gian này, mọi giấy tờ đều cấp đổi theo đơn vị hành chính TP Thủ Đức

Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM. Bên cạnh niềm vui trước việc thành lập "thành phố trong thành phố", còn nhiều vấn đề mà người dân các quận 2, 9, Thủ Đức đang băn khoăn, nhất là việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan.

Lo rắc rối thủ tục hành chính

Ông Nguyễn Văn Hiệp - chủ một doanh nghiệp vận tải, ngụ quận Thủ Đức - nói rằng rất vui mừng khi 3 quận 2, 9 và Thủ Đức được sáp nhập để thành lập TP Thủ Đức. Tuy nhiên, ông Hiệp lo lắng về những thủ tục hành chính khi thay đổi đơn vị hành chính.

"Tôi mở doanh nghiệp vận tải hơn chục năm nay, toàn bộ giấy tờ, tài sản kinh doanh đều thế chấp vào ngân hàng. Thủ tục thay đổi đồng nghĩa với việc các loại giấy tờ phải làm lại, cấp mới, thay đổi số nhà... Như vậy tôi sẽ gặp nhiều khó khăn" - ông Hiệp băn khoăn.

Người dân đi làm thủ tục hành chính ở UBND quận Thủ Đức Ảnh: SỸ HƯNG

Người dân đi làm thủ tục hành chính ở UBND quận Thủ Đức Ảnh: SỸ HƯNG

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, phải bảo đảm ổn định công việc cho cán bộ, công chức cũng như giải quyết các thủ tục hành chính cho đến khi TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-3. Các cơ quan hành chính vẫn phải hoạt động liên tục, không bị ngưng trệ, đáp ứng nhu cầu của người dân trong sinh hoạt và các hoạt động kinh tế, giao dịch.

Ông Nguyễn Văn Lâm - ngụ đường Tam Châu, phường Tam Bình, quận Thủ Đức - cho biết ông vừa thành lập công ty may mặc, chuyên cung cấp quần áo cho các đầu mối ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Để mở được công ty, ông Lâm phải thế chấp nhiều giấy tờ nhà đất rồi vay vốn ngân hàng. Ông Lâm bày tỏ: "Không biết khi thành lập TP Thủ Đức, các giấy tờ cá nhân có phải thay đổi, làm mới hay không. Nếu phải thay đổi, phải làm lại giấy tờ nhà, thủ tục kéo dài, ngân hàng yêu cầu làm lại hoặc bắt chờ thì doanh nghiệp vay vốn làm ăn như tôi gặp rất nhiều khó khăn".

Theo ông Lâm, trong năm 2020, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ như ông ở các quận 2, 9, Thủ Đức gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, họ mong muốn chính quyền có thể hỗ trợ người dân để các thủ tục chuyển đổi giấy tờ được thực hiện nhanh chóng nhất.

Trước băn khoăn của người dân, ông Trần Quốc Hưng - Chủ tịch UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức - trấn an: "Hiện nay, quy định về thủ tục hành chính ở những đơn vị hành chính sắp xếp theo Nghị quyết 1111 chưa có gì thay đổi, giấy tờ cũ vẫn có hiệu lực khi người dân đi làm thủ tục. Người dân không nên quá lo lắng. Khi nào có thay đổi, cơ quan thẩm quyền sẽ thông báo và hướng dẫn cụ thể".

Sau ngày 1-3, cấp mới hoàn toàn giấy tờ

Thông tin cụ thể hơn về việc chuyển đổi giấy tờ ở những đơn vị hành chính sắp xếp theo Nghị quyết 1111, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ thực hiện trong 60 ngày. Theo đó, trong thời gian chuyển tiếp từ ngày 1-1 đến ngày 1-3, các quận, phường vẫn phải giải quyết thủ tục hành chính bình thường cho người dân, doanh nghiệp. Nếu người dân có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ từ quận 2, 9, Thủ Đức sang TP Thủ Đức thì vẫn phải thực hiện và không thu phí. Trường hợp chưa có nhu cầu chuyển đổi và giấy tờ còn hiệu lực thì sử dụng bình thường.

Đối với những thủ tục giấy tờ mới như làm khai sinh cho con, mua xe… thì sẽ ghi theo địa chỉ mới là TP Thủ Đức; có ghi chú kèm theo địa chỉ cũ để thuận lợi cho người dân thực hiện các giao dịch cá nhân khi cần. Ở các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế, việc chuyển đổi sẽ diễn ra chậm hơn. Việc dạy học, khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường để tránh xáo trộn.

Về chuyển đổi giấy tờ cho người dân, Sở Xây dựng TP HCM cũng đã có hướng dẫn các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của tổ chức, cá nhân. Đối với hồ sơ chưa có giấy phép xây dựng thì khi cấp phép hoặc điều chỉnh giấy phép, cơ quan thẩm quyền ghi tên địa chỉ xây dựng công trình và địa chỉ tổ chức, cá nhân theo đơn vị hành chính mới; đồng thời ghi chú nội dung "được sắp xếp từ (đơn vị hành chính cũ) theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội". Đối với giấy phép xây dựng đã cấp, nếu cá nhân, tổ chức có nhu cầu điều chỉnh, cơ quan chức năng sẽ ban hành phụ lục điều chỉnh, chỉnh lý biến động. Thời gian điều chỉnh này không quá 24 giờ.

SỸ HƯNG - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/len-tp-thu-duc-chuyen-doi-giay-to-ra-sao-20210115225403976.htm