Lên vùng cao khởi nghiệp

ĐBP - Ðó là thanh niên Dương Anh Văn (sinh năm 1987) từ lòng chảo Mường Thanh lên Trung Thu - xã xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Tủa Chùa để phát triển nông sản sạch. Từ đam mê, tâm huyết với rau, củ, quả, anh Văn gây dựng lên Hợp tác xã (HTX) H'Mông, thúc đẩy người dân tộc thiểu số nơi đây thay đổi phương thức canh tác, liên kết cùng phát triển và vươn lên từ những mảnh nương bạc màu.

Thành viên Hợp tác xã H’Mông thu hoạch lứa dâu tây đầu tiên.

Vạn sự khởi đầu nan

Không học chuyên ngành nông nghiệp nhưng bằng sự say mê tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, anh Dương Anh Văn quyết tâm khởi nghiệp từ các loại cây trồng. Anh dành 2 năm đi nhiều nơi trong tỉnh để khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng, tìm giống cây thích hợp để bắt đầu. Anh lựa chọn xã Trung Thu để triển khai, điều này làm không ít người ngờ vực, can ngăn bởi đây là xã xa xôi, đường vào khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn canh tác lạc hậu... Nhưng trong suy nghĩ của anh lại khác, rằng đây là vùng đất có thời tiết lạnh thích hợp phát triển các loại rau, củ, quả ôn đới; người dân chăm chỉ, thật thà; đường vào trung tâm xã có thể sớm được đầu tư.

Với đánh giá đó, năm 2019, anh Dương Anh Văn xin chủ trương của chính quyền địa phương, tổ chức họp dân. “Ban đầu phổ biến thì người dân đều đồng tình ủng hộ. Nhưng khi triển khai, mình cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật và cam kết thu mua nông sản để người dân trồng thì họ không làm, bởi chưa tin vào điều đó” - anh Văn kể lại. Bằng quyết tâm của mình, anh Văn thuê nhà ở tại xã Trung Thu, tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con. Sau 3 tháng kiên trì, 2 hộ dân đầu tiên đồng ý tham gia liên kết sản xuất, đây là những gia đình có con tốt nghiệp Khoa Nông - Lâm, Ðại học Tây Bắc trở về. Năm đầu tiên triển khai chủ yếu là su su với diện tích khoảng 2ha. Tự tay anh Văn cùng 2 hộ dân đào hố trồng, làm giàn, chăm bón. Anh đi khắp nơi tìm đầu ra, thành công bao tiêu su su đến thị trường tỉnh Sơn La và cung ứng cho các bếp ăn trường bán trú tại địa bàn. Vụ đầu tiên, mỗi hộ thu nhập 24 - 25 triệu đồng. Ngoài ra quả xấu, lá già còn trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi sẵn có. Thấy được lợi nhuận và hiệu quả đó, các hộ khác mới tin và đăng ký tham gia. Cũng từ đó, HTX H’Mông, do anh Dương Anh Văn làm Giám đốc, được thành lập tháng 5/2019 với 22 hộ thành viên.

Tin tưởng liên kết

Sang năm 2020, HTX H’Mông không chỉ được người dân Trung Thu tin tưởng mà còn mở rộng liên kết sang nhiều xã khác của huyện Tủa Chùa. Hơn 80 hộ dân Trung Thu và 180 hộ các xã lân cận đăng ký liên kết sản xuất nông sản sạch với diện tích hơn 40ha, bao gồm: Su su, khoai sọ, chanh leo, bí, thử nghiệm dâu tây, măng tây... Ðến lúc này, lại thêm những khó khăn mới do người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế. 100% gia đình tham gia liên kết phải tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân đúng hướng dẫn, đảm bảo sản phẩm khi thu hoạch sạch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Anh Văn chia sẻ: “Ðể làm được điều đó, HTX tổ chức cho 2 thành viên có chuyên môn nông - lâm đi thực tế học hỏi các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc... về vận dụng cách làm, lựa chọn cây trồng phù hợp với địa bàn mình. Tôi cùng 2 đồng chí ấy trực tiếp xắn tay làm với người dân, phổ biến kỹ thuật và thực hành ngay tại vườn cây của 1 hộ nào đó. Nhờ đó đến nay, hầu hết người dân đã thay đổi cách làm cũ, bám sát phương thức sản xuất của HTX”. Cũng trong năm, khoai sọ tím của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP, đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội phát triển và vươn ra thị trường rộng lớn hơn.

Năm 2021 này, HTX tiếp tục phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu gần 100ha nông sản trên địa bàn Tủa Chùa. Trong đó khoảng 50ha diện tích khoai sọ trắng. Ðây là định hướng của HTX để phát triển phù hợp với nhà máy chế biến. Nông sản này đã được Giám đốc Dương Anh Văn nghiên cứu thử nghiệm trồng và tìm hiểu thị trường tiêu thụ trước khi nhân rộng. Một trong những cây trồng mới đang cho thu những trái ngọt tại Trung Thu còn có dâu tây. Những hộp dâu tây chín đỏ, thơm ngon của HTX đã vào siêu thị và nhiều cửa hàng hoa quả sạch tại địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Ðể đưa 1 loại quả “hot” lên vùng cao, anh Văn bỏ tiền túi cho 2 hộ dân HTX vay để san gạt đất trồng thử nghiệm 4.600m2 dâu tây. Vụ đầu tiên được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả kinh tế. Anh Thào A Làng là thành viên HTX, tham gia trồng dâu tây chia sẻ: Gia đình tôi trồng 2.500m2 dâu tây. Năm đầu tiên ước chừng thu được khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, nhà tôi còn liên kết trồng gần 1,1ha su su, chanh leo, khoai sọ thu về 50 triệu đồng/năm. Ban đầu khi anh Văn đến vận động liên kết, chúng tôi cũng băn khoăn nhưng nghĩ được cung cấp đầy đủ giống, vật tư, lại cam kết thu mua thì cũng thử xem sao. Giờ thì gia đình tôi tin tưởng anh Văn và sẵn sàng tiên phong các cây mới. Trước đây, những diện tích này chỉ trồng ngô, lúa, nay trồng các loại rau, quả cho thu về cao gấp 3 lần. Khi vừa tham gia HTX, gia đình tôi là hộ cận nghèo, nay đã có cuộc sống tốt hơn, còn làm thêm được một số công trình phục vụ cuộc sống như: Bể nước, nhà vệ sinh...

“Lấy lợi nhuận kinh tế bảo vệ cho người dân”

Ðó là phương châm của anh Dương Anh Văn khi triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại vùng cao Tủa Chùa. Giá thu mua nông sản ổn định, luôn bằng hoặc cao hơn giá thị trường. 1.000m2 khoai sọ, su su có thể cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm. Nhờ đó, các hộ thành viên và gia đình liên kết với HTX có cuộc sống ấm no hơn sau khi tham gia vào chuỗi sản xuất. Năm 2019, khi vừa thành lập, 21/22 hộ thành viên HTX là hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo. Ðến cuối năm 2020, chỉ còn 10 hộ nghèo. Ông Giàng A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thu nhận xét: Anh Văn đã thu hút được nhiều hộ dân trên địa bàn tham gia liên kết sản xuất. Qua đó giúp người dân bước đầu thay đổi nhận thức về trồng trọt theo khoa học kỹ thuật và ý thức tầm quan trọng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng là hiệu quả kinh tế từ trồng rau, củ, quả cao gấp 2 - 4 lần so với trồng ngô, lúa nương; các hộ tham gia liên kết với HTX H’Mông có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao hơn trước.

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu tư phát triển mở rộng, nhưng mô hình khởi nghiệp của anh Dương Anh Văn đã thành công khi đạt được sự tin tưởng tham gia của người dân. Mảnh đất vùng cao Tủa Chùa, đặc biệt là những gia đình tham gia liên kết sản xuất nông sản đang thay đổi tích cực. Trong đó có vai trò không nhỏ của thanh niên Dương Anh Văn.

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/185737/len-vung-cao-khoi-nghiep