Lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động tới an ninh lương thực toàn cầu
Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 20/7 tới ngày 29/7, lần lượt Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) rồi Nga cấm xuất khẩu gạo với lý do đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, động thái này của các nước, đặc biệt là cường quốc xuất khẩu gạo Ấn Độ, đang tác động mạnh tới tâm lý của người tiêu dùng và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực toàn cầu về lâu dài.
Thị trường gạo của nhiều nước xáo trộn
Vốn là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, động thái của Ấn Độ đã khiến giá gạo tăng cao trên thị trường khi người mua chuyển sang tìm nguồn cung thay thế từ Thái Lan và Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam và Thái Lan tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ trong tuần này do lo ngại về nguồn cung. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 - 575 USD/tấn vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ năm 2011, từ mức 515 - 525 USD/tấn một tuần trước. Trong khi đó, ngày 27/7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong 11 năm, ở mức 605-610 USD/tấn so với mức giá 545 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết: "Các nhà xuất khẩu đã bị sốc vì lệnh cấm đẩy giá lên cao và cũng không có thêm nguồn cung".
Có thời điểm lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo của Ấn Độ lên cao nhất trong 5 năm rưỡi, ở mức 445-450 USD/tấn so với 421-428 USD/tấn, ngay cả khi nhu cầu giảm.
Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường không thuộc giống basmati, những người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng mặt hàng này trong chế độ ăn uống hàng ngày tỏ ra lo lắng. Nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng các cửa hàng buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm và giới hạn lượng gạo bán ra, trong bối cảnh người dân - chủ yếu là cộng đồng gốc Nam Á - đổ xô đi mua gạo để tích trữ.
Ông Sriram Ramamurthy, Giám đốc cửa hàng Iqbal Halal Foods ở thành phố Toronto (Canada), cho biết nhu cầu gạo tăng ngay lập tức. Trả lời phỏng vấn kênh CBC News của Canada, ông cho biết cửa hàng của ông đã thực hiện chính sách giới hạn lượng mua, theo đó mỗi khách hàng chỉ có thể mua một bao gạo.
Theo ông Ramamurthy, hiện cửa hàng của ông chưa tăng giá gạo, nhưng ông cũng cho rằng điều này là khó tránh khỏi khi các nhà cung cấp cho Iqbal Halal Foods đang rục rịch tăng giá. Không chỉ có Iqbal Halal Foods, nhiều cửa hàng khác phục vụ cộng đồng người Nam Á tại Canada, Mỹ, Australia... cũng báo cáo tình trạng tương tự.
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu và hàng triệu người. Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Barclays (Anh) cho biết: “Malaysia dường như là nước dễ bị tổn thương nhất theo phân tích của chúng tôi”. Báo cáo đã nhấn mạnh rằng Malaysia phụ thuộc khá nhiều vào gạo Ấn Độ.
Singapore cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Báo cáo của Barclays cho thấy gạo Ấn Độ chiếm khoảng 30% lượng gạo nhập khẩu của Singapore. Barclays chỉ ra rằng Philippines cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi giá gạo gia tăng toàn cầu. Lý do là tỷ trọng gạo trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này cao nhất.
Châu Á không phải là khu vực duy nhất chịu tác động trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông cũng dễ bị ảnh hưởng. BMI, một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions, cho biết các thị trường dễ bị ảnh hưởng khác là các thị trường nằm ở châu Phi cận Sahara và ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Djibouti, Liberia, Qatar, Gambia và Kuwait là những nơi bị tác động nhiều nhất.
Rủi ro đối với an ninh lương thực toàn cầu
Dự báo tác động sắp tới, ông Samarendu Mohanty, Giám đốc khu vực châu Á của công ty nghiên cứu nông nghiệp có tên Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP), cho rằng nếu các nước xuất khẩu gạo lớn khác cũng áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu riêng, còn các nước nhập khẩu lớn như Indonesia và Malaysia đua nhau tích trữ, thì thế giới sẽ có thể xảy ra hỗn loạn trên thị trường gạo. Ông cảnh báo rằng tình trạng này thậm chí có thể tồi tệ hơn hồi năm 2007.
Ông Mohanty cho biết: “Số người bị ảnh hưởng do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ lên tới hàng triệu người”. Theo ông Mohanty, rất ít khả năng lệnh cấm xuất khẩu này được dỡ bỏ và có thể sẽ được duy trì ít nhất cho đến cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ vào tháng 4/2024.
Trong khi đó, ông Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, đã viết một bài đăng trên blog nhận định rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo là đòn mới nhất giáng vào thị trường gạo toàn cầu, đặt ra rủi ro về giá toàn cầu cao hơn và khiến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng.
Theo BBC, các lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm không phải mới xuất hiện. Từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, số quốc gia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu một mặt hàng nào đó đã tăng từ 3 lên 16. Ví dụ như Indonesia cám xuất khẩu dầu cọ, Argentina cấm xuất khẩu thịt bò, Thổ Nhĩ Kỳ cấm xuất khẩu một số sản phẩm ngũ cốc… Tuy nhiên, các chuyên gia Ashok Gulati và Raya Das tại Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế ở Ấn Độ, cho rằng động thái của Ấn Độ gây ra rủi ro lớn hơn so với các lệnh cấm trên, chắc chắn sẽ làm tăng giá gạo toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực của nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi. Hai chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần tránh các lệnh cấm đột ngột như vậy.
Động thái của Ấn Độ gây tác động tới mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi nước này dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo. Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhấn mạnh rằng việc chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có khả năng làm trầm trọng thêm biến động của giá lương thực thế giới, dẫn đến các biện pháp trả đũa, có thể gây hại cho toàn cầu.
Yếu tố El Nino
Ngoài động thái cấm xuất khẩu gạo, mối lo về mất an ninh lương thực còn bắt nguồn từ tình hình thời tiết năm nay.
Theo hãng tin Reuters, gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% diện tích trồng lúa là ở châu Á, nơi đang xảy ra các sự kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây hạn hán.
Ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch kinh doanh gạo của tập đoàn nông sản Olam Ấn Độ, cho biết: Tác động của El Nino không chỉ giới hạn ở một quốc gia nào mà ảnh hưởng đến sản lượng gạo ở hầu hết các nước sản xuất.
Bất chấp dự báo về một vụ mùa bội thu ở châu Á, một số nhà kinh doanh toàn cầu dự báo El Nino sẽ làm giảm sản lượng của tất cả các nhà sản xuất gạo chính.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ gạo toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm là 170,2 triệu tấn vào cuối niên vụ 2023 - 2024, do dự trữ tại các nhà sản xuất hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ giảm.
Theo một đại lý ngũ cốc tại New Delhi (Ấn Độ), giá gạo có thể tăng 20% hoặc hơn nếu sản lượng giảm mạnh, vì El Nino khiến sản lượng vụ lúa thứ hai ở hầu hết các quốc gia châu Á sẽ thấp hơn bình thường.
Thái Lan, một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, kêu gọi nông dân chỉ trồng một vụ lúa sau khi lượng mưa tháng 5 thấp hơn 26% so với bình thường. Còn tại Ấn Độ, nơi gieo trồng vụ thứ hai vào tháng 11, diện tích gieo trồng lúa vụ hè tính đến hết tháng 6 đã giảm 26% so với một năm trước, do gió mùa mang đến lượng mưa ít hơn 8% so với bình thường. Vựa lúa của Trung Quốc còn đang bị ngập nặng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và an ninh lương thực của chính nước này.
Nói tóm lại, lệnh cấm xuất khẩu gạo được đưa ra trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang bấp bênh do thời tiết khắc nghiệt và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hơn nữa, lệnh cấm lại xuất hiện sau khi năm 2022, có tới 783 triệu người đói ăn do hậu quả của xung đột, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Do đó, đây mới chỉ là chương đầu cho những khó khăn mà nhóm người nghèo nhất thế giới sắp phải trải qua.