Lênh đênh nhớ phố với Trịnh Công Sơn
Kỷ niệm 5 năm ngày Hà Nội đặt tên đường Trịnh Công Sơn và 37 năm ra đời bài hát 'Nhớ mùa thu Hà Nội', công chúng sẽ được 'thấy' người nhạc sĩ tài hoa qua 25 bức ảnh do 3 nhiếp ảnh gia thực hiện.
Đặc biệt, băng cối “Lênh đênh nhớ phố” qua giọng hát trong trẻo của Giang Trang cũng được ra mắt. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1975 âm nhạc Trịnh Công Sơn được phát hành trên định dạng băng cối, tốc độ 15 sau khi đã có bản CD và đĩa nhựa (Vinyl).
Về thời băng cối
Không chỉ là dịp kỷ niệm, mùa thu luôn gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những hoài niệm về một Hà Nội lãng đãng sương giăng khi gió heo may tràn về. Với con phố mang tên Trịnh Công Sơn được đặt tên từ tháng 8/2015 bắt đầu từ ngõ 612 Lạc Long Quân đến dốc đê Âu Cơ, thuộc phường Nhật Tân (Tây Hồ).
Hồ Tây tuyệt đẹp, chan chứa mộng mơ là một sự hợp tình thấu lý khi Hà Nội chọn để đặt tên nhạc sĩ họ Trịnh. “Nhớ mùa thu Hà Nội” là nhớ đến những câu từ thật đẹp, thật thơ và thật tình giữa Trịnh Công Sơn với Hồ Tây và những con đường đã đi vào âm nhạc.
Từ những ca từ rất đẹp, rất thơ ấy nên họa sĩ Lê Thiết Cương đã rất mê. Ông muốn được nghe lại lời hát từ những cuốn băng cối xưa nên đã gửi sản xuất tại Mỹ từ CD “Lênh đênh nhớ phố” mà ca sĩ Giang Trang đã phát hành từ 8 năm về trước.
Năm 2019, đúng 7 năm sau khi phát hành CD, ca sĩ Giang Trang đã giới thiệu phiên bản mới bằng đĩa than vào đúng ngày giỗ thứ 18 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với 9 ca khúc và 1 bản hòa tấu, “Lênh đênh nhớ phố” có sự góp sức qua tiếng vĩ cầm bay bổng và tiếng guitar tinh tế.
Từ lần “tái sinh” này, họa sĩ Lê Thiết Cương đã cùng góp công với vai trò art diretor. Tinh thần giản dị, gần gũi trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng như cách thể hiện mộc mạc của Giang Trang đã khích lệ nhà sản xuất Trần Đức làm cuốn băng cối đặc biệt này.
Chương trình được remaster và thu âm bằng các thiết bị chuyên nghiệp dưới dạng 2 track chuẩn EQ IEC/CCIR, sợi băng có kích thước tiêu chuẩn (1/4 inch), tốc độ 15ips.
Họa sĩ Lê Thiết Cương hy vọng sẽ mang đến cho cộng đồng audiophile cũng như những người yêu âm nhạc Trịnh một trải nghiệm thưởng thức mới. Lần này, vì muốn làm đúng dạng tốc độ chuẩn 15 nên phải cắt đi hai bài cuối trong CD “Lênh đênh nhớ phố”.
Chọn “Lênh đênh nhớ phố” của Giang Trang để làm đĩa than và băng cối, họa sĩ Lê Thiết Cương nói lý do là bởi Giang Trang cũng giống như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở cái chất rong chơi trong cuộc đời, nên hát được cái tinh thần rong chơi của nhạc Trịnh.
Giang Trang đã hát nhạc Trịnh Công Sơn trên sân khấu từ năm 18 tuổi. Nhưng Trang hát nhạc Trịnh cứ khác dần, bằng những nghiên cứu ca từ và thêm “màu” cho ca khúc. Ai từng nghe “Rừng xưa đã khép” trong CD của cô sẽ thấy, có những lúc rất chậm rồi lại nhanh dồn dập, người ta thấy một người khi sống chậm rồi lại thấy cuộc đời xôn xao hơn trước. Và tới khi Giang Trang hát “ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay” thì từ giọng ca ánh lên một tia nhạc vui.
Tuy nhiên, khi họa sĩ Lê Thiết Cương một lần nữa muốn “tái sinh” nhạc Trịnh từ CD thì nhiều người am hiểu cho rằng, CD là nhạc số, lấy nhạc số làm gốc thì những cuốn băng cối hay đĩa nhựa sẽ mất đi chất lượng analog xưa. Nhưng làm ra cuốn băng cối gốc bây giờ rất khó thực hiện và tốn nhiều chi phí nên họ phải lấy CD làm phối gốc.
Lý giải về điều này, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, CD của Giang Trang đã được làm với chất lượng rất tốt, mới đáp ứng được điều kiện kỹ thuật để làm đĩa than và băng cối.
Góc nhìn mới về nhạc sĩ họ Trịnh
Cùng với hoạt động ra mắt băng cối “Lênh đênh nhớ phố” để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Triển lãm cũng trưng bày 25 bức ảnh chụp nghệ sĩ tài hoa trong một số hoạt động văn hóa.
Ba nhà nhiếp ảnh là Hà Tường, Nguyễn Đình Toán và Dương Minh Long cùng chung tay trong triển lãm này với những bức hình được đánh giá là đẹp – quý và ấn tượng nhất. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cho biết, ông sẽ góp những bức ảnh chụp Trịnh Công Sơn cùng bạn bè ở nhà Văn Cao; Trịnh khoác vai ca sĩ Mỹ Linh hát ở khách sạn Đồng Lợi và một số hình ảnh trong đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” diễn ra vào năm 1995 tại Cung Hữu nghị Việt Xô.
Năm 1998, nhà nhiếp ảnh Phạm Đình Toán vào Nam công tác đã ghé tư gia của Trịnh Công Sơn ở đường Phạm Ngọc Thạch (TPHCM). Trước khi ra sân bay, họ đã cùng uống rượu và Nguyễn Đình Toán đã chộp được những khoảnh khắc đẹp hiếm có.
Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long là người có tới 20kg phim chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là thành quả trong 5 năm, ông Long làm hàng xóm của nhạc sĩ họ Trịnh.
Nhiếp ảnh gia Hà Tường được biết đến là người sở hữu một kho ảnh quý về các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên gần đây, ông mới “bung” ra để công chúng thưởng thức. Đó là những khung ảnh đen trắng hết sức đời thường, giản dị về những con người tài hoa, tiêu biểu.
Trong đó có thể kể đến bộ tứ bậc thầy hội họa Việt Nam Nghiêm Liên Sáng Phái; nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà thơ Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm; nhà sử học Trần Quốc Vượng; nhà dân tộc học Từ Chi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Những bức ảnh đó được chụp trong suốt 20 năm, từ 1975 - 1995 bằng phim đen trắng.
Phần hình ảnh của băng cối do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế, nhiếp ảnh Nhat Le thực hiện. Túi đựng băng cối được may từ vải lanh, dệt thủ công, chưa nhuộm chàm của người Mông. Bên cạnh việc nghe nhạc, công chúng còn được thấy Trịnh Công Sơn qua 25 bức ảnh đen trắng. Kết hợp âm nhạc và nhiếp ảnh, BTC hi vọng sẽ mang đến câu chuyện và góc nhìn khác lạ hơn về nhạc sĩ họ Trịnh. (Triển lãm diễn ra từ ngày 18 - 25/10 tại Hà Nội).
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/lenh-denh-nho-pho-voi-trinh-cong-son-VkkalGpMR.html