Lệnh ngừng bắn Ấn Độ - Pakistan: Hòa bình mong manh trước 'cơn bão'?

Dù Mỹ can thiệp giúp ngừng bắn, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn âm ỉ. Đây có thực sự là bước đệm hòa bình hay chỉ là 'khoảng lặng trước cơn bão'?

Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: ANI/TTXVN

Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: ANI/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế DW của Đức ngày 12/5, sau bốn ngày giao tranh dữ dội khiến thế giới lo ngại một cuộc chiến tranh toàn diện, lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan đã được thiết lập. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà ngoại giao từ cả hai quốc gia tin rằng, dù đây là một bước hạ nhiệt đáng hoan nghênh, nhưng chặng đường dẫn đến hòa bình lâu dài vẫn còn nhiều gian nan.

Vai trò trung gian của Mỹ

Như nhận định của các nhà phân tích ngoại giao, sự hòa giải của Mỹ đã tạo ra một lối thoát cần thiết cho cả Ấn Độ và Pakistan. Meera Shankar, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, nhận định với DW: "Mỹ đã đóng một vai trò hữu ích trong việc khiến Pakistan đồng ý ngừng bắn". Ajay Bisaria, cựu cao ủy Ấn Độ tại Pakistan, cho rằng Mỹ đã tận dụng các điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhiều yếu tố khác để thúc đẩy việc chấm dứt thù địch. Ông cũng lưu ý rằng "Ấn Độ đã thiết lập một chuẩn mực học thuyết mới là không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố, điều này đã nhận được sự chấp thuận của Mỹ".

Phía Pakistan cũng có chung quan điểm này. Husain Haqqani, cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ, hiện là thành viên cấp cao tại Viện Hudson, nhận định: "Pakistan và Ấn Độ đều cần lệnh ngừng bắn nhưng không nước nào muốn là bên yêu cầu trước vì lòng tự hào dân tộc và cái tôi của các nhà lãnh đạo. Mỹ đã giúp che đậy quyết định này". Ông tin rằng cả hai nước đều sử dụng sự leo thang quân sự để thử thách quyết tâm của nhau và đánh giá khả năng phòng thủ. Ông Haqqani cũng cho rằng cả hai bên đều nhận ra rằng một cuộc chiến toàn diện sẽ gây ra những tàn phá không thể chấp nhận được.

Maleeha Lodhi, chuyên gia về các vấn đề quốc tế và cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ và Liên hợp quốc, nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của chính quyền Trump trong việc làm trung gian. Bà nói: "Trong tất cả các cuộc khủng hoảng trước đây giữa hai đối thủ kể từ năm 1999, Mỹ đã làm trung gian để chấm dứt chúng". Tuy nhiên, bà cho rằng việc giảm căng thẳng sẽ cần nhiều thời gian hơn. "Lệnh ngừng bắn sẽ được duy trì vì cả hai nước đã đồng ý và không có lợi thế nào khi vi phạm. Tuy nhiên, việc giảm căng thẳng sẽ mất nhiều thời gian hơn", bà Lodhi nêu quan điểm.

Madiha Afzal, thành viên của Viện Brookings, gọi lệnh ngừng bắn là một động thái đáng hoan nghênh và cho rằng cách tiếp cận "khá vô tư" của Tổng thống Trump đối với cả hai quốc gia đã được Pakistan đánh giá cao, có khả năng mở ra cơ hội cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Washington và Islamabad.

Bên cạnh Mỹ, Saudi Arabia và Iran cũng nổi lên như những bên trung gian quan trọng, tận dụng mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với cả Ấn Độ và Pakistan.

Những thách thức lâu dài

Tuy nhiên, một số ý kiến từ phía Ấn Độ cho rằng những căng thẳng gần đây cho thấy sự ảnh hưởng quá lớn của quân đội Pakistan trong hệ thống chính phủ. Deepa Gopalan Wadhwa, cựu nhà ngoại giao Ấn Độ, nhận định rằng những sự kiện này phản ánh sự mất kết nối nội bộ với chính quyền dân sự ở Pakistan và vẫn còn những khác biệt giữa giới lãnh đạo dân sự và quân sự về vấn đề chấm dứt chiến sự.

Bà Wadhwa cũng lưu ý vai trò quan trọng của các cuộc trao đổi gần đây giữa Tổng cục trưởng Tổng cục tác chiến quân sự (DGMO) của Ấn Độ và Pakistan trong việc quản lý căng thẳng. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh sự leo thang bất chấp lệnh ngừng bắn do DGMO làm trung gian cho thấy sự mong manh của các thỏa thuận như vậy trong bối cảnh mất lòng tin sâu sắc và động lực phức tạp của quan hệ dân sự-quân sự ở Pakistan. Hai bên DGMO có kế hoạch họp lại vào ngày 12/5.

Chiến lược gia quốc phòng Ấn Độ, Chuẩn tướng SK Chatterji cảnh báo rằng thỏa thuận ngừng bắn này không đảm bảo sự ổn định lâu dài. Ông nói với DW: "Bất chấp sự tham gia của Mỹ, việc Ấn Độ chấp nhận hòa giải của bên thứ ba như một chuẩn mực là điều không thể trong tương lai".

Các nhà phân tích tin rằng, dù có những cáo buộc vi phạm lẫn nhau, lệnh ngừng bắn có khả năng sẽ được duy trì trong ngắn hạn, chủ yếu do áp lực quốc tế và sự thừa nhận của cả hai nước về cái giá phải trả của việc leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề khác, bao gồm khủng bố và an ninh nguồn nước, vẫn đặt ra những thách thức dài hạn cho mối quan hệ song phương. Việc Ấn Độ đình chỉ Hiệp ước về nước và lệnh cấm thương mại, cùng với những khó khăn kinh tế của Pakistan, có thể tiếp tục gây căng thẳng.

Hiện tại, quân đội cả hai nước vẫn trong tình trạng báo động cao, và nguy cơ bùng phát thêm xung đột vẫn còn tiềm ẩn, đặc biệt là dọc theo Đường kiểm soát (LoC). Chuẩn tướng Chatterji dự đoán: "Lệnh ngừng bắn sẽ không có hiệu lực vĩnh viễn. Pakistan cũng sẽ đấu tranh quyết liệt để Ấn Độ không thực hiện việc hủy Hiệp ước Nước Indus".

Elizabeth Threlkeld, Giám đốc bộ phận Nam Á tại Trung tâm Stimson, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cam kết đối với thỏa thuận ngừng bắn và nỗ lực ngăn chặn mọi hành vi vi phạm. Bà cho rằng cần có những nỗ lực lớn hơn từ cả hai bên, Mỹ và các đối tác quốc tế khác để đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng này không lặp lại và tập trung vào việc xây dựng một nền hòa bình bền vững hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lenh-ngung-ban-an-do-pakistan-hoa-binh-mong-manh-truoc-con-bao-20250512222340575.htm