Lệnh ngừng bắn tại Libya: Hi vọng sống cho 'vùng đất khói lửa'

Cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức hoan nghênh và gọi thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Libya là một 'bước ngoặt cho hòa bình'.

Sau 5 ngày thảo luận tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự trung gian của Liên Hợp Quốc, các bên tham chiến tại Libya hôm qua (23/10) nhất trí được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và ngay lập tức. Cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức hoan nghênh, gọi đây là một “bước ngoặt cho hòa bình”.

“Hôm nay là một ngày tốt lành đối với người dân Libya. Tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, hai phái đoàn Libya tham dự cuộc đàm phán của Ủy ban quân sự chung 5+5 đã ký một thỏa thuận ngừng bắn hoàn chỉnh, trên toàn quốc và vĩnh viễn, có hiệu lực ngay lập tức”.

Sau 5 ngày thảo luận tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự trung gian của Liên Hợp Quốc, các bên tham chiến tại Libya hôm qua (23/10) nhất trí được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và ngay lập tức. Ảnh: Reuters

Sau 5 ngày thảo luận tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự trung gian của Liên Hợp Quốc, các bên tham chiến tại Libya hôm qua (23/10) nhất trí được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và ngay lập tức. Ảnh: Reuters

Lễ ký thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc được quốc tế công nhận của Libya và chính quyền miền Đông của tướng Khalifa Haftar được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) và được truyền hình trực tiếp. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterress đánh giá đây là một bước ngoặt quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định.

“Tôi hoan nghênh việc các bên tại Libya ký thỏa thuận ngừng bắn tại Geneva dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Đây là một bước cơ bản hướng tới hòa bình và ổn định ở Libya. Tôi chúc mừng các bên đã đặt lợi ích của quốc gia lên trên sự khác biệt. Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan và các bên trong khu vực tôn trọng các quy định của thỏa thuận ngừng bắn và đảm bảo việc thực thi không chậm trễ. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ người Libya trong việc thực hiện lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterress khẳng định.

Liên minh châu Âu gọi thỏa thuận là một “tin tức tốt lành”, trong khi Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng, thỏa thuận đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của tất cả người dân Libya về chủ quyền trước những sự can dự từ bên ngoài. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll, văn kiện đánh dấu một bước quan trọng hướng tới một Libya có chủ quyền, ổn định và đoàn kết. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dù hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận, song cũng bày tỏ hi vọng những nỗ lực này mang lại lợi ích cho các bên tại Libya.

Xung đột tại Libya là một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Từ năm 2014, tại nước này tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính vì thế, đối với người dân Libya, vốn đã quá mệt mỏi và kiệt quệ vì xung đột và chia rẽ, thỏa thuận là hi vọng để họ được trở lại cuộc sống bình thường, được đoàn tụ gia đình.

Trước đó hôm 21/10, các bên tham chiến đã nhất trí mở lại các tuyến đường bộ và hàng không nội địa quan trọng. Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Stephanie William, để đi tới ngày hôm nay, các bên đã phải trải qua một chặng đường dài và khó khăn. Bà hi vọng, thỏa thuận sẽ góp phần chấm dứt những khổ đau mà nhân dân Libya phải gánh chịu cho phép những người phải sơ tán được trở về nhà, được sống trong hòa bình và an ninh./.

Thu Hoài/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/lenh-ngung-ban-tai-libya-hi-vong-song-cho-vung-dat-khoi-lua-812431.vov