LHQ: 19 dân thường chết trong cuộc không kích của Pháp ở Mali

Liên Hợp Quốc cho biết cuộc không kích của quân đội Pháp hồi tháng 1 ở Mali đã giết chết 19 dân thường tại một đám cưới, trong khi Pháp kịch liệt phản đối cáo buộc này.

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 30-3 cho biết một cuộc không kích của quân đội Pháp hồi tháng 1 đã khiến 19 dân thường ở Mali, trong khi Pháp kiên quyết phủ nhận cáo buộc này.

Theo đó, vào ngày 3-1, lực lượng không quân Pháp đã tấn công gần ngôi làng Bounti hẻo lánh trong bối cảnh Mali bị chiến tranh tàn phá.

Cư dân trong làng cho biết cuộc không kích nhắm vào một bữa tiệc cưới và khiến dân thường thiệt mạng. Phản hồi lại, quân đội Pháp khẳng định họ đã tiêu diệt các chiến binh thánh chiến chứ không phải dân thường và cũng phủ nhận việc một tiệc cưới diễn ra ở Bounti vào thời điểm ấy.

“Các báo cáo liên quan đến một đám cưới không khớp với những quan sát đã được chúng tôi thực hiện” - phát ngôn viên của quân đội Pháp tuyên bố hồi tháng 1.

Đống đổ nát của một khách sạn bị cuộc không kích của Pháp phá hủy ở thị trấn Douentza, Mali vào tháng 2-2013. Ảnh: AFP

Đống đổ nát của một khách sạn bị cuộc không kích của Pháp phá hủy ở thị trấn Douentza, Mali vào tháng 2-2013. Ảnh: AFP

Phái bộ Ổn định Tích hợp Đa chiều LHQ tại Mali (MINUSMA) sau đó đã mở một cuộc điều tra và trong bản báo cáo tóm tắt các phát hiện của mình, MINUSMA xác nhận một đám cưới đã thực sự diễn ra với "khoảng 100 thường dân có mặt khi vụ không kích diễn ra".

Báo cáo cũng tiết lộ thêm rằng khoảng năm người có vũ trang, những người được cho là thành viên của một nhóm thánh chiến, đã tham dự đám cưới này.

Theo cuộc điều tra, ít nhất có 22 người chết trong cuộc không kích của quân đội Pháp, trong đó 19 người là dân thường. Không có phụ nữ hoặc trẻ em nào thiệt mạng, SCMP đưa tin.

“Những người thiệt mạng vì cuộc không kích bao gồm dân thường là những người được bảo vệ theo luật Nhân đạo Quốc tế” - báo cáo của MINUSMA cho hay, đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu quân đội Pháp có đủ thời gian để đảm bảo cuộc tấn công của họ sẽ không gây hại cho dân thường hay không.

“Có vẻ như khó có thể đảm bảo sẽ không có sự hiện diện của dân thường trong một khoảng thời gian ngắn như vậy” - theo báo cáo của MINUSMA.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Ảnh: AP

Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric nhận định báo cáo trên “nêu lên một số lo ngại rất quan trọng về các nguyên tắc phòng ngừa và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải làm mọi thứ có thể để xác minh rằng các mục tiêu thực sự là mục tiêu quân sự”.

Tại Paris, Bộ Quốc phòng Pháp đã lên tiếng phủ nhận, nói rằng họ "duy trì sự nhất quán và tái khẳng định mạnh mẽ" rằng họ tấn công một "nhóm khủng bố có vũ trang" chứ không phải dân thường.

Chính phủ Mali sau đó cũng thể hiện sự đồng tình với quân đội Pháp, phủ nhận rằng có một đám cưới thực sự diễn ra và nói thêm "tất cả các mục tiêu bị vô hiệu hóa đều là các mục tiêu quân sự đã được xác nhận".

Trước phản hồi của Pháp và Mali, LHQ đề nghị "chính quyền hai nước tiến hành một cuộc điều tra độc lập, đáng tin cậy và minh bạch" về cuộc không kích này, nhằm xác định được liệu lực lượng không quân Pháp có vi phạm luật quốc tế hay không.

Máy bay tiêm kích Mirage 2000 của không quân Pháp tham gia một sứ mệnh ở vùng Sahel của châu Phi vào tháng 12-2018. Ảnh: AFP

Máy bay tiêm kích Mirage 2000 của không quân Pháp tham gia một sứ mệnh ở vùng Sahel của châu Phi vào tháng 12-2018. Ảnh: AFP

Báo cáo của LHQ cũng được đưa ra sau một cuộc không kích gây tranh cãi khác của quân đội Pháp ở Mali vào tuần trước. Sáu người đã thiệt mạng ở phía đông bắc Mali vào ngày 25-3.

Quân đội Pháp nói rằng cuộc tấn công nhắm vào các chiến binh thánh chiến nhưng cư dân địa phương sống tại khu vực bị không kích cáo buộc những người thiệt mạng là những thợ săn trẻ tuổi.

Mali đã phải vật lộn để kiềm chế các cuộc nổi dậy bùng phát lần đầu tiên ở miền bắc đất nước này vào năm 2012, trước khi lan sang khu vực trung tâm và các nước láng giềng như Burkina Faso và Niger, theo SCMP.

Chính quyền Pháp đã can thiệp vào các vấn đề ở Mali từ năm 2013 để đánh lui các phần tử thánh chiến. Hiện quân đội Pháp có khoảng 5.100 binh sĩ được triển khai trên khắp vùng Sahel.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/lhq-19-dan-thuong-chet-trong-cuoc-khong-kich-cua-phap-o-mali-975871.html