Các quan chức cảnh báo rằng dịch bệnh bùng phát ở đông bắc Libya, hàng ngàn người chết vì lũ, có thể tạo ra “cuộc khủng hoảng tàn khốc thứ hai” khi nhiều người ốm vì nước bị ô nhiễm.
Phái đoàn hỗ trợ của LHQ tại Libya cho biết họ đặc biệt lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và tình trạng thiếu vệ sinh.
Một sân bóng được biến thành bệnh viện dã chiến ở Derna.
Haider al-Saeih, người đứng đầu Trung tâm chống bệnh tật Libya, cho biết ít nhất 150 người, trong đó có 55 trẻ em, bị tiêu chảy sau khi uống nước bị ô nhiễm ở Derna.
Bộ trưởng Y tế chính quyền đông Libya, Othman Abduljalil, cho biết Bộ của ông đã bắt đầu chương trình tiêm chủng “chống lại những bệnh thường xảy ra sau thảm họa như thế này”.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya cho biết khoảng 10.000 người vẫn mất tích.
Số người chết chưa được thống nhất, các quan chức chính phủ và các cơ quan viện trợ đưa ra con số dao động từ khoảng 4.000 đến 11.000 người chết.
Tuy nhiên, thảm họa đã mang lại sự đoàn kết hiếm có cho Libya bị chia rẽ giữa các chính quyền đối địch kể từ năm 2014.
Các chính quyền đối lập đều đã triển khai các đội nhân đạo đến thành phố cảng và các khu vực bị ảnh hưởng khác.
Mặc dù vậy, do sự phối hợp kém, viện trợ khó đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nỗ lực của họ cũng bị cơ sở hạ tầng của Derna bị phá hủy, gồm một số cây cầu, cản trở.
Hải Yến