LHQ kêu gọi giám sát các tập đoàn buôn nông sản lớn nhất thế giới
Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi áp đặt các quy định quản lý nghiêm ngặt hơn đối với các tập đoàn kinh doanh hàng hóa nông nghiệp lớn nhất thế giới. Tổ chức này cho rằng, tình trạng thiếu giám sát đã cho phép các nhà buôn hàng hóa này kiếm lợi nhuận kỷ lục giữa lúc người tiêu dùng bị đẩy vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đặc biệt là kể từ sau chiến sự Ukraine.
Trong báo cáo phát hành hôm 4-10, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng, chi phí thực phẩm đắt đỏ hơn cùng với đà tăng giá của năng lượng là một trong những yếu tố lớn đằng sau làn sóng lạm phát toàn cầu nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên. Bên cạnh đó, chiến sự ở Ukraine cũng làm gia tăng mối lo ngại về an ninh lương thực đối với hàng triệu người ở các nước nghèo nhất thế giới.
Theo báo cáo, những điều kiện sống khó khăn mà người dân thường đang đối mặt hoàn toàn tương phản với lợi nhuận tăng vọt của những “ông lớn’ buôn bán ngũ cốc và các mặt hàng thực phẩm khác. Điều này nhấn mạnh “một thực tế đáng lo ngại”. UNCTAD lưu ý trong năm 2021 và 2022, bốn tập đoàn kinh doanh hàng hóa nông nghiệp lớn nhất thế giới, Archer Daniels Midland, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus chứng kiến lợi nhuận tăng mạnh. Bốn tập đoàn này thống trị thị trường, cùng nhau kiểm soát khoảng 70% giao dịch ngũ cốc toàn cầu.
Trong báo cáo tài chính mới nhất, họ báo cáo lợi nhuận giảm nhẹ. Trong tuần này, Louis Dreyfus công bố thu nhập ròng đạt 568 triệu đô la trong nửa đầu năm 2023, giảm so với 662 triệu đô la cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhìn chung, họ vẫn đang ghi nhận lợi nhuận cao hơn nhiều so với các mức trong lịch sử.
UNCTAD giải thích, hiện nay, các tập đoàn buôn hàng hóa không bị bắt buộc phải ghi lại dữ liệu giao dịch một cách minh bạch do thiếu các quy định quản lý. Tổ chức này cho rằng sự mờ ám đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn và tăng giá bằng cách tạo điều kiện cho các tập đoàn nông nghiệp hoạt động đầu cơ tài chính, kinh doanh chênh lệch giá và trục lợi quá mức. Theo UNCTAD, các tập đoàn này kiếm lợi nhuận lớn từ các hoạt động tài chính (thông qua các giao dịch phi tập trung, kinh doanh chênh lệch giá dựa trên các lỗ hổng và sự khác biệt về các quy định quản lý). Tuy nhiên, họ lách luật và tránh sự giám sát bằng cách tự xem họ là nhà sản xuất, thay vì tổ chức tài chính.
Báo cáo của UNCTAD thừa nhận cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh rõ ràng mối liên hệ giữa hoạt động đầu cơ và giá cả tăng cao, vì chi phí lương thực cũng chịu tác động bởi rủi ro chính trị và khí hậu.
Giá lương thực đã tăng liên tục kể từ khi làn sóng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020. Giá cả tăng mạnh hơn sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái, do một số hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón bị cản trở do chiến sự.
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến những nước nghèo, phụ thuộc vào ngũ cốc của Ukraine và Nga, rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện về an ninh lương thực.
Trên khắp thế giới, chi phí tiêu dùng cho những mặt hàng thiết yếu như sữa và trứng tăng vọt, khiến một số chính phủ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả.
Theo UNCTAD, nhiều giao dịch trong ngành diễn ra riêng tư giữa hai đối tác. Tổ chức này muốn buộc các nhà công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp sử dụng các sàn giao dịch tập trung minh bạch hơn. “Điều cấp bách là phải phát triển các công cụ để nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành kinh doanh hàng hóa trên toàn cầu vốn mờ đục nhưng quan trọng về mặt hệ thống”, UNCTAD cảnh báo đồng thời kêu gọi xem xét lại về cách tiếp cận quản lý đối với ngành này.
Kona Haque, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại ED&F Man, một công ty kinh doanh nông sản ở Anh, cho rằng các nhà buôn hàng hóa nông nghiệp đã phải xoay xở giải quyết những thách thức địa chính trị trong những năm gần đây và vẫn đảm bảo “ngũ cốc được vận chuyển đi khắp thế giới”.
“Nếu lĩnh vực này bị kiểm soát, ai sẽ vận chuyển ngũ cốc?”, ông nói.
Theo Bloomberg, Financial Times