LHQ lên án vụ tấn công ở miền Trung Mali khiến dân thường thiệt mạng

Phái bộ Gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali tuyên bố sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho chính quyền Mali để tiến hành điều tra, nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đánh bom liều chết ra xét xử.

Binh sỹ quân đội Mali tuần tra tại miền trung Mali. (Nguồn: AFP)

Binh sỹ quân đội Mali tuần tra tại miền trung Mali. (Nguồn: AFP)

Theo Tân hoa xã, Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) đã cực lực lên án vụ tấn công sáng 22/4 nhằm vào doanh trại của lực lượng vũ trang sở tại ở miền Trung Mali.

Trong tuyên bố, người đứng đầu phái bộ trên El-Ghassim Wane nhấn mạnh: “Thủ phạm gây ra vụ tấn công này phải được xác định nhanh chóng và đưa ra xét xử trước pháp luật. Vì mục tiêu này, MINUSMA sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ thiết yếu cho chính quyền Mali để tiến hành cuộc điều tra cần thiết.”

Trong thông báo tối 22/4, Chính phủ Mali xác nhận 10 dân thường thiệt mạng và 61 người khác bị thương trong vụ đánh bom liều chết nhằm vào khu vực sân bay Sevare ở thị trấn Mopti.

Ngoài ra, 28 phần tử khủng bố cũng đã bị tiêu diệt trong vụ tấn công này.

Trong tuần qua, ông Oumar Traore, Chánh Văn phòng của quyền Tổng thống Mali, cùng ba người khác đã bị sát hại trong một cuộc phục kích.

Vụ phục kích xảy ra ở Nara - một khu vực nông thôn ở vùng Koulikoro Tây Nam Mali.

Nằm ở khu vực Tây Phi, Mali đã phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan tại miền Bắc đất nước trong suốt thập kỷ qua.

Các lực lượng phiến quân có quan hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm một vùng lãnh thổ đáng kể, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, Mali đã phải đối mặt với hai cuộc chính biến do quân đội thực hiện, khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Mali đang chìm trong cơn khủng hoảng an ninh kéo dài gần 11 năm, bắt đầu từ khu vực phía Bắc, sau đó phát triển thành một cuộc nổi dậy thánh chiến toàn diện.

Xung đột đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề cho một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Kể từ tháng 8/2020, Mali nằm dưới sự cai trị của quân đội, dẫn đến căng thẳng với đồng minh truyền thống là Pháp. Đồng thời, chính quyền quân sự Bamako xích lại gần hơn trong quan hệ với Nga.

Bạo lực chủ yếu ảnh hưởng đến trung tâm, cũng như phía Đông đất nước, sau đó đã lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger.

Làn sóng này cũng diễn ra ở phía Tây và đang lan rộng về phía Nam, gây báo động cho các nước láng giềng khác của Mali, bao gồm cả Senegal./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lhq-len-an-vu-tan-cong-o-mien-trung-mali-khien-dan-thuong-thiet-mang/858794.vnp