LHQ thông qua dự thảo nghị quyết về kiểm soát vũ khí do Trung Quốc đệ trình
Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết kiểm soát vũ khí đầu tiên do Trung Quốc đề xuất, trong đó kêu gọi hợp tác hòa bình về an ninh quốc tế.
Tờ South China Morning Post đưa tin Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 4-11 đã thông qua dự thảo nghị quyết do Trung Quốc đệ trình, trong đó kêu gọi hợp tác hòa bình về an ninh quốc tế.
Đây được xem là nghị quyết kiểm soát vũ khí đầu tiên do Bắc Kinh đề xuất trong 30 năm qua dưới tư cách là quốc gia thành viên.
Các nhà phân tích Trung Quốc nhận định Bắc Kinh thúc đẩy nghị quyết với mong muốn tăng cường an ninh quốc tế bằng cách ngăn chặn sự hợp tác quân sự có hại giữa các nước, được cho là có liên quan quan hệ an ninh ba bên AUKUS.
Một khi được ban hành, nghị quyết sẽ có tên “Thúc đẩy hợp tác quốc tế về sử dụng hòa bình trong bối cảnh an ninh quốc tế”.
Dự thảo hôm 11-4 đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 75 phiếu thuận và 55 phiếu chống.
Trong tuyên bố, LHQ kêu gọi tất cả quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác quốc tế về vật chất, thiết bị và công nghệ vì mục đích hòa bình.
South China Morning Post dẫn lời ông Cảnh Sảng - trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Đại hội đồng kiêm phó đại diện thường trực LHQ - cho biết trước làn sóng công nghệ, hòa bình và các quyền mà tất cả quốc gia được hưởng cần được tôn trọng và bảo vệ.
“Các cơ chế kiểm soát xuất khẩu hiện nay được thiết lập với mục đích tốt, song chúng thường bị lạm dụng, dẫn đến sự can thiệp và hạn chế đối với sự hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ bình thường, và kết quả là nhiều nước đang phát triển phải gánh chịu hậu quả” – ông Cảnh nói.
Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cần “xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa phát triển và an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng hòa bình; thực hiện các hiệp ước kiểm soát vũ khí đa phương một cách toàn diện và cân bằng hơn".
Ông nói thêm rằng cộng đồng quốc tế cũng cần "đảm bảo rằng tất cả quốc gia được hưởng đầy đủ các quyền hợp pháp của việc sử dụng hòa bình mà không ảnh hưởng đến nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của họ”.
Tổng cộng 26 quốc gia, trong đó có Cuba, Nga, Syria và Pakistan, đã cùng Trung Quốc đề xuất dự thảo nghị quyết.
South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải nhận định dự thảo nghị quyết mà Trung Quốc đề xuất có thể nhằm vào thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Úc trong khuôn khổ quan hệ an ninh ba bên AUKUS.
Mỹ nằm trong số các quốc gia đã bỏ phiếu chống đối với dự thảo nghị quyết của Trung Quốc, lập luận rằng "nghị quyết này bỏ lỡ cơ hội đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các công nghệ mới".